Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1154/2007/QĐ-VKSTC về Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 1154/2007/QĐ-VKSTC
Ngày ban hành 19/11/2007
Ngày có hiệu lực 19/11/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Khuất Văn Nga
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1154/2007/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

- Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.

- Căn cứ Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 và Bộ luật Dân sự năm 2005 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Khuất Văn Nga

 

QUY CHẾ

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ, VIỆC DÂN SỰ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1154 /2007/QĐ-VKSTC ngày 19/11/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) của Toà án nhân dân là một trong những công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo việc giải quyết các vụ việc dân sự của Toà án có căn cứ, đúng pháp luật.

Điều 2. Đối tượng

Đối tượng của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.

Điều 3. Phạm vi công tác

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự bắt đầu từ khi Toà án thông báo thụ lý vụ việc dân sự và kết thúc khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật không bị kháng cáo, kháng nghị.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ việc dân sự của Toà án.

2. Tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự ở các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

3. Tham gia hỏi đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại các phiên toà, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự.

[...]