Quyết định 115/QĐ-TA-TĐKT năm 2015 phê duyệt Biểu trưng của Tòa án nhân dân Việt Nam do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 115/QĐ-TA-TĐKT
Ngày ban hành 08/09/2015
Ngày có hiệu lực 08/09/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Trương Hòa Bình
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/QĐ-TA-TĐKT

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BIỂU TRƯNG CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN VIỆT NAM

CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014;

Căn cứ Kế hoạch số 160/TANDTC-TĐKT ngày 09/10/2014 của Tòa án nhân dân tối cao về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Tòa án nhân dân;

Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.

1. Phê duyệt Biểu trưng của Tòa án nhân dân Việt Nam. Biểu trưng này thay thế Biểu trưng hiện hành của Tòa án nhân dân Việt Nam, được ban hành kèm theo Quyết định số 475/2005/QĐ-TCCB ngày 12/4/2005 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2. Hình ảnh và Bản thuyết minh của Biểu trưng Tòa án nhân dân Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Bản quyền tác phẩm Biểu trưng Tòa án nhân dân Việt Nam thuộc về Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 2.

1. Biểu trưng Tòa án nhân dân Việt Nam được sử dụng trên các ấn phẩm báo chí, được treo trang trọng tại các trụ sở, phòng họp, phòng làm việc Tòa án nhân dân các cấp và được sử dụng trong các hoạt động đối nội, đối ngoại của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp.

2. Biểu trưng Tòa án nhân dân Việt Nam được làm thành phiên bản Huy hiệu Biểu trưng Tòa án nhân dân Việt Nam (gọi tắt là Huy hiệu Tòa án nhân dân). Huy hiệu Tòa án nhân dân là Biểu trưng Tòa án nhân dân Việt Nam được thu nhỏ, có kích thước vòng tròn ngoài cùng là 25mm .

Trong thời gian làm việc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Tòa án nhân dân các cấp có trách nhiệm đeo Huy hiệu Tòa án nhân dân (Trừ trường hợp có quy định khác).

Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân hướng dẫn cụ thể việc đeo Huy hiệu Tòa án nhân dân.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân, Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đ/c Chủ tịch Nước (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để biết);
-
Văn phòng Chủ tịch Nước (để biết);
-
Văn phòng Quốc hội (để biết);
- Văn phòng Chính phủ (để biết);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (để biết);
- Các đ/c Phó Chánh án TANDTC (để chỉ đạo thực hiện);
- Báo Công lý, Tạp chí TAND, cổng Thông tin điện tử TANDTC, Trang tin Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân (để đưa tin)
- Lưu: VT, VP.

CHÁNH ÁN




Trương Hòa Bình

 

THUYẾT MINH

BIỂU TRƯNG CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 115/QĐ-TA-TĐKT ngày 08/9/2015 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

1. Về tổng thể:

Biểu trưng Tòa án nhân dân Việt Nam lấy hình tròn làm khuôn hình chủ đạo. Trung tâm là hình tượng “Cán cân công lý” và “Thanh kiếm” nằm trong vòng tròn đỏ với ngôi sao vàng nổi bật phía trên, thể hiện tính đặc trưng của Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam; Tòa án thực hiện quyền tư pháp và có vị trí trung tâm trong các cơ quan tư pháp.

Hiến pháp năm 2013, quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, hình tượng cách điệu “Cán cân công lý” và “Thanh kiếm” thể hiện ý nghĩa bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm sự công bằng, chính xác trong hoạt động xét xử, thì khi cần thiết Tòa án phải sử dụng quyền lực Nhà nước và công cụ mạnh mẽ để răn đe, trấn áp tội phạm. Đất nước đã bước sang giai đoạn phát triển mới, hòa bình và ổn định, nên hoạt động của Tòa án đề cao tính giáo dục, răn đe. Vì vậy, hình tượng “Thanh kiếm” chúc mũi kiếm xuống dưới, mũi kiếm cắm vào giá đỡ tạo thành đế cân vững chắc, thể hiện tính khoan dung, lấy răn đe, phòng ngừa và giáo dục là chính.

Vòng tròn đỏ với ngôi sao vàng nổi bật phía trên, bên trong có dòng chữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM tượng trưng Quốc kỳ, cho Nhà nước Việt Nam, cho sự tự do và thiêng liêng của Tổ quốc. Những hình tượng này cũng thể hiện ý nghĩa “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Phần bông lúa tượng trưng cho giai cấp nông dân, vừa tượng trưng cho nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam. Phần Bánh răng tượng trưng cho giai cấp công nhân, vừa tượng trưng cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Phần đế của Biểu trưng được tạo bởi hình tượng quyển sách đang mở - tượng trưng cho lực lượng trí thức. Điều này thể hiện sự đoàn kết của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[...]