BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1133/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội,
ngày 02 tháng 05 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐƯA ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM RA KHỎI DANH SÁCH ĐEN CỦA TOKYO MOU VÀO
CUỐI NĂM 2014”
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP
ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Chỉ thị số 09/CT-BGTVT ngày 24/11/2011
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm
thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách
đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014” với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: phấn đấu hết năm
2014, đội tàu biển Việt Nam được đưa ra khỏi “Danh sách đen” của Tokyo MOU về
kiểm tra nhà nước cảng biển; đồng thời, duy trì kết quả này ở các năm tiếp theo
và hướng tới “Danh sách trắng” của Tokyo MOU trong thời gian sớm nhất.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2014:
a) Giảm tỉ lệ lưu giữ tàu biển đối với
đội tàu biển Việt Nam năm 2013 xuống 6%;
b) Giảm tỉ lệ lưu giữ tàu biển đối với
đội tàu biển Việt Nam năm 2014 xuống 5,5%.
(tỉ lệ lưu giữ tàu biển là tỉ lệ giữa
số lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ và số lượt tàu biển Việt Nam kiểm tra lần
đầu)
II. YÊU CẦU
1. Nâng cao chất lượng kỹ thuật tàu biển:
a) Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các điều
ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của Việt Nam trong công
tác thiết kế, đóng mới sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng tàu; công tác tự kiểm tra
thường xuyên của chủ tàu, công ty quản lý tàu, thuyền viên; công tác giám sát kỹ
thuật của đăng kiểm và công tác kiểm tra của các Cảng vụ Hàng hải nhằm nâng cao
khả năng hoạt động an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của đội
tàu biển Việt Nam;
b) Triển khai thực thi thực chất hệ thống
quản lý an toàn theo Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế (ISM) đã được Cục Đăng kiểm
Việt Nam phê duyệt;
c) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ
trợ tài chính phù hợp để các chủ tàu tồn tại, phát triển.
2. Nâng cao chất lượng thuyền viên:
Chú trọng đến công tác đào tạo, huấn
luyện để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của thuyền viên (đặc biệt chú
trọng công tác đào tạo ngoại ngữ tiếng Anh); đổi mới công tác thi, cấp chứng chỉ
chuyên môn sỹ quan thuyền viên đáp ứng theo yêu cầu tối thiểu của Công ước STCW
78/95 mà Việt Nam là thành viên; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
giảng dạy, đổi mới giáo trình và bổ sung đội ngũ giáo viên.
3. Nâng cao chất lượng công tác kiểm
tra, giám sát tàu biển:
a) Nâng cao tinh thần trách nhiệm của
đội ngũ cán bộ, nhân viên thuộc Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam
trong công tác kiểm tra và giám sát tàu biển;
b) Xây dựng chương trình đào tạo theo
hướng dẫn của IMO nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho
cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm tra tàu biển; ban hành tiêu chuẩn về trình
độ và ngoại ngữ đối với sỹ quan kiểm tra tàu biển;
c) Xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp để
thu hút người có trình độ, năng lực vào làm công tác kiểm tra, đánh giá tàu biển;
d) Rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời
các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác an toàn, an ninh hàng hải
và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của công ước quốc tế mà Việt Nam
là thành viên; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến công tác quản lý tàu
biển và thuyền viên.
III. CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG
TÂM
1. Các giải pháp thực hiện trong năm
2013 và 2014
a) Tiếp tục tăng cường công tác kiểm
tra tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế theo yêu cầu của Chỉ thị số 09/CT-BGTVT:
- Đối với các tàu xuất cảnh: các Cảng
vụ Hàng hải tiếp tục tăng cường kiểm tra tất cả các tàu xuất cảnh đi nước ngoài
(có tần suất kiểm tra phù hợp đối với những tàu hoạt động chuyên tuyến); đặc biệt
chú trọng đối với tàu biển đến quốc gia hay lưu giữ tàu của Việt Nam;
- Đối với tàu biển Việt Nam hoạt động
tuyến quốc tế: Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát để
đảm bảo các tàu đã được cấp giấy chứng nhận của đăng kiểm có tình trạng kỹ thuật
phù hợp theo đúng yêu cầu liên quan của giấy chứng nhận; đặc biệt chú trọng đến
việc triển khai thực hiện Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế (ISM); có trách nhiệm
tiến hành đánh giá lại hệ thống quản lý an toàn đã duyệt cho tàu và công ty đối
với những trường hợp sau đây:
+ Tàu bị lưu giữ hai lượt trong vòng
06 tháng; hoặc
+ Tàu bị lưu giữ với 03 khiếm khuyết
nghiêm trọng trở lên; hoặc
+ Tàu bị lưu giữ có khiếm khuyết
nghiêm trọng liên quan đến hệ thống ISM; hoặc
+ Công ty có 03 lượt tàu bị lưu giữ
trong vòng 06 tháng.
- Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm
Việt Nam đẩy mạnh việc trao đổi và chia sẻ thông tin về tình trạng kỹ thuật và
công tác quản lý đội tàu Việt Nam, thiết lập cơ chế hợp tác cần thiết giữa hai
Cục; các Chi cục Đăng kiểm phối hợp chặt chẽ với các Cảng vụ Hàng hải trong việc
kiểm tra các tàu biển có nguy cơ cao về lưu giữ PSC và có khả năng mất an toàn;
cương quyết yêu cầu các tàu liên quan khắc phục triệt để các khiếm khuyết trước
khi rời cảng.
b) Thành lập Nhóm công tác:
Trong trường hợp cần thiết hoặc theo
yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, thành lập Nhóm công tác xử lý tàu biển Việt Nam bị lưu
giữ ở nước ngoài do lãnh đạo Vụ Pháp chế làm Trưởng Nhóm, có sự tham gia của Cục
Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm xác định nguyên nhân cụ thể của
tàu bị lưu giữ để đề xuất giải pháp xử lý kịp thời cho Bộ Giao thông vận tải và
các cơ quan liên quan; xác định cụ thể trách nhiệm đối với cán bộ không hoàn
thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao phó và chế độ khen thưởng động viên
khích lệ kịp thời đối với những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác kiểm
tra tàu biển Việt Nam; gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
c) Hợp tác quốc tế:
- Cục Hàng hải Việt Nam thông qua các
mối quan hệ ngoại giao của mình, tăng cường sự hiểu biết và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn
nhau giữa các chính quyền hàng hải trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong
việc kiểm tra nhà nước cảng biển đối với tàu biển Việt Nam;
- Cục Đăng kiểm Việt Nam thông qua các
tổ chức phân cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền hàng hải của nước sở tại nhằm
hỗ trợ, giúp đỡ đội tàu biển Việt Nam nâng cao chất lượng an toàn.
d) Giám sát, kiểm tra, thực thi công vụ:
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát
các cơ sở đào tạo thuyền viên; cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của sỹ
quan thuyền viên, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu biển, giấy phép rời
cảng; đặc biệt chú trọng công tác đánh giá và cấp giấy chứng nhận phù hợp (DOC,
SMC) cho công ty và cho tàu biển trong việc thực hiện Bộ luật Quản lý an toàn
quốc tế (ISM);
- Triển khai việc kiểm tra công tác bố
trí thuyền bộ của các chủ tàu và công tác thanh toán các chế độ, quyền lợi cho
thuyền viên làm việc trên tàu; đối với những tàu, thuyền viên bị nợ lương quá
03 tháng (không được sự chấp thuận của thuyền viên) không cho phép hoạt động
tuyến quốc tế.
2. Các giải pháp dài hạn:
a) Đối với Cục Hàng hải Việt Nam:
- Tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên
truyền pháp luật hàng hải, các điều ước quốc tế liên quan đến chủ tàu, thuyền
trưởng, thuyền viên và các cơ sở đào tạo, phổ biến hướng dẫn việc thực hiện chiến
dịch kiểm tra tập trung của Tokyo MOU cho các chủ tàu và sỹ quan kiểm tra tàu
biển;
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ
các Cảng vụ Hàng hải trong việc thực hiện công tác kiểm tra tàu biển;
- Tăng cường công tác đào tạo, huấn
luyện nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của các sỹ quan kiểm tra tàu biển;
tận dụng tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật của Tokyo MOU và IMO trong công tác này;
- Kiểm tra, giám sát việc thi, cấp chứng
chỉ chuyên môn tại các cơ sở huấn luyện thuyền viên; tham mưu, đề xuất với Bộ
trong việc xử lý các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện yêu cầu;
- Tăng cường trách nhiệm của các sỹ
quan kiểm tra tàu biển; giám sát chặt chẽ quá trình thực thi nhiệm vụ của sỹ
quan kiểm tra tàu khi làm việc trên tàu để tránh các hành vi tiêu cực; xử lý
nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm;
- Thực hiện tốt công tác thi đua khen
thưởng, động viên khích lệ kịp thời gương người tốt, việc tốt;
- Triển khai các chiến dịch kiểm tra
tàu biển tập trung đối với đội tàu biển Việt Nam với nội dung tương ứng với chiến
dịch kiểm tra tập trung của Tokyo MOU và Paris MOU và các nội dung khác mà tàu
biển Việt Nam còn yếu cần tập trung khắc phục.
b) Đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam:
- Tăng cường công tác đánh giá năng lực
các nhà máy đóng tàu theo yêu cầu Qui phạm QCVN 21:2010/BGTVT, Thông tư số 32/2011/TT-BGTVT
ngày 19 tháng 04 năm 2011 của Bộ giao thông vận tải;
- Thanh tra, tổng kiểm tra tàu biển chạy
tuyến Quốc tế sau đóng mới;
- Nâng cao chất lượng công tác giám
sát kỹ thuật tàu biển ở tất cả các khâu: thẩm định thiết kế, chứng nhận vật liệu
và thiết bị đóng tàu, kiểm tra tàu trong đóng mới và khai thác, đánh giá và chứng
nhận hệ thống quản lý an toàn và an ninh; tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm
soát và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và các phòng tham mưu với từng công
việc cụ thể.
c) Đối với cơ sở đào tạo:
Các cơ sở đào tạo đẩy nhanh tiến độ thực
hiện Đề án triển khai thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn
huấn luyện cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên năm 1978 sửa đổi năm 2010
sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng thuyền
viên.
d) Đối với chủ tàu, công ty quản lý
khai thác tàu:
- Thực thi nghiêm túc các quy định của
Bộ luật ISM và duy trì tốt hệ thống quản lý an toàn đã xây dựng và được công nhận;
có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bổ sung đội ngũ thuyền viên phù
hợp với sự tăng trưởng của đội tàu; bố trí một số sỹ quan boong và máy có khả
năng giao tiếp bằng tiếng Anh làm việc trên tàu.
- Thanh toán lương và các chế độ khác
cho thuyền viên theo đúng hợp đồng đã ký kết để thuyền viên phục vụ cho tàu và
công ty.
- Thường xuyên giữ mối liên hệ với Cục
Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam để kịp thời nắm bắt thông tin về kiểm
tra PSC tại khu vực mà tàu mình hoạt động để có biện pháp chủ động đối phó.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Pháp chế:
a) Chủ trì, tổng hợp và đôn đốc các cơ
quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án; trong trường hợp
cần thiết hoặc theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ thành lập
Nhóm công tác để xử lý tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài để xác định
nguyên nhân cụ thể của tàu bị lưu giữ, từ đó đề xuất giải pháp xử lý kịp thời;
b) Chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ
ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ
sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam
bị lưu giữ PSC ở nước ngoài.
2. Vụ Tổ chức cán bộ:
a) Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Đề án
triển khai thực hiện các quy định của Công ước STCW 1978 sửa đổi 2010;
b) Trên cơ cở Đề án triển khai thực hiện
các quy định của Công ước STCW 1978 sửa đổi 2010 được phê duyệt, lập kế hoạch
kiểm tra, thanh tra các cơ sở huấn luyện, thi sỹ quan hàng hải và kiên quyết xử
lý cơ sở huấn luyện không đáp ứng các quy định của Công ước STCW 1978 sửa đổi
2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ có
liên quan, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
-
Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam;
- Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam;
- Lưu: VT, PC (2).
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|