Chỉ thị 09/CT-BGTVT năm 2011 về tăng cường biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 09/CT-BGTVT
Ngày ban hành 24/10/2011
Ngày có hiệu lực 24/10/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NHẰM GIẢM THIỂU TÀU BIỂN VIỆT NAM BỊ LƯU GIỮ PSC Ở NƯỚC NGOÀI

Trong những năm qua, việc tàu biển Việt Nam bị kiểm tra nhà nước tại cảng biển (Port State Control - PSC) ở nước ngoài dẫn đến việc bị tạm giữ (lưu giữ PSC) do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đã có những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, chín tháng đầu năm 2011, tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC tiến triển theo chiều hướng xấu đi, trong tổng số 763 lượt tàu biển Việt Nam bị kiểm tra PSC ở nước ngoài thì có tới 83 lượt tàu bị lưu giữ PSC, trong khi cả năm 2010 chỉ có 66 lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài. Để giảm thiểu số tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:

1. Cục Hàng hải Việt Nam:

a) Tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị này đến chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên và các cơ sở đào tạo;

b) Chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải kiểm tra nghiêm ngặt các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế: kiểm tra 100% các tàu biển Việt Nam trước khi rời cảng biển Việt Nam đi nước ngoài, trong đó đặc biệt lưu ý đến các tàu biển Việt Nam đã từng bị lưu giữ PSC ở nước ngoài; kiên quyết không cho phép tàu biển Việt Nam rời cảng khi chưa khắc phục hết các khiếm khuyết;

c) Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các sỹ quan kiểm tra tàu biển đáp ứng được các yêu cầu của Thỏa thuận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo MOU) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); giáo dục đạo đức, nghề nghiệp cho các sỹ quan kiểm tra tàu biển và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

d) Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thi, cấp giấy chứng nhận chuyên môn cho các sỹ quan hàng hải để bảo đảm thuyền viên được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn khi đã đáp ứng đủ các yêu cầu của công ước STCW 78/95 và các sửa đổi, bổ sung của Công ước này;

đ) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo; kiến nghị, đề xuất với Bộ để xử lý kịp thời các cơ sở đào tạo không đáp ứng đủ các điều kiện yêu cầu;

e) Rà soát, trình Bộ sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thuyền viên, các chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên cho phù hợp với quy định của Công ước STCW 78/95 và các sửa đổi, bổ sung của Công ước này;

g) Chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi “Danh sách đen” vào cuối năm 2014;

h) Hàng quý (vào ngày 25 của tháng cuối quý), báo cáo Bộ về tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để cấp dưới xảy ra sai phạm dẫn đến tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài.

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam:

a) Tuyên truyền, phổ biển Chỉ thị này đến các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên và các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển;

b) Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá bổ sung đối với các tàu và công ty có tàu bị lưu giữ PSC ở nước ngoài; thu hồi các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cấp cho tàu hoạt động tuyến quốc tế bị lưu giữ PSC 03 lần trong thời gian 12 tháng bất kỳ tính từ ngày 01 tháng 11 năm 2011. Tàu bị thu hồi các giấy chứng nhận chỉ được cấp lại các giấy chứng nhận này tối thiểu sau 06 tháng tính từ ngày tàu bị lưu giữ lần thứ ba sau khi được kiểm tra, đánh giá lại với kết quả thỏa mãn các điều kiện theo quy định;

c) Công khai trên trang web và định kỳ hàng tháng, thông báo cho các công ty kinh doanh vận tải biển và các cảng vụ hàng hải danh sách các công ty, tàu và thuyền trưởng tàu bị lưu giữ PSC ở nước ngoài;

d) Tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các đăng kiểm viên; giáo dục đạo đức, nghề nghiệp cho các đăng kiểm viên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

đ) Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đóng mới, sửa chữa để cấp các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu biển;

e) Rà soát, sửa đổi, nâng cao chất lượng công tác đánh giá và cấp giấy chứng nhận đối với hệ thống quản lý an toàn của tàu và công ty theo Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế (Bộ luật ISM);

g) Phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi “Danh sách đen” vào cuối năm 2014;

h) Hàng quý (vào ngày 25 của tháng cuối quý), báo cáo Bộ về tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài;

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để cấp dưới xảy ra sai phạm dẫn đến tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài;

3. Các cơ sở đào tạo sỹ quan, thuyền viên:

a) Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đào tạo, huấn luyện và đội ngũ giảng viên đáp ứng các yêu cầu của Công ước STCW 78/95 và các sửa đổi, bổ sung của Công ước này;

b) Chấn chỉnh công tác huấn luyện, thi sỹ quan hàng hải nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ sỹ quan, thuyền viên.

4. Các công ty kinh doanh vận tải biển (chủ tàu):

a) Thực thi nghiêm ngặt các quy định của Bộ luật ISM đối với tàu hoạt động tuyến quốc tế; xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý an toàn cho tàu và công ty theo đúng quy định của Bộ luật ISM;

[...]