Quyết định 1109/QĐ-TTg năm 2020 về Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1109/QĐ-TTg
Ngày ban hành 24/07/2020
Ngày có hiệu lực 24/07/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1109/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH DANH MỤC VÀ PHÂN CÔNG CƠ QUAN CHỦ TRÌ SOẠN THẢO VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XIV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 9

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9

Điều 2.

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm:

a) Trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết;

b) Bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết các nội dung được luật, bộ luật, nghị quyết giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định này;

c) Ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật, bộ luật, nghị quyết giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản;

d) Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản; công khai nội dung công việc, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ;

đ) Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan giải quyết hoặc kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất thêm văn bản để quy định chi tiết các luật, nghị quyết trong quá trình soạn thảo văn bản;

e) Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đề xuất và ban hành Thông tư để quy định chi tiết nội dung của khoản 4 Điều 18a được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc rà soát, đề xuất và ban hành Thông tư để quy định chi tiết nội dung của khoản 3 Điều 26a được bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đảm bảo đúng chất lượng, tiến độ.

2. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cử cán bộ, công chức tham gia soạn thảo, chỉnh lý các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thẩm tra các dự thảo nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết các luật, bộ luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

3. Định kỳ ngày 20 hằng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin về tình hình; tiến độ soạn thảo và gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên hợp thường kỳ.

4. Cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với một số nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ được xác định cụ thể tại Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

5. Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý các bộ, cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục KSTT;
- Lưu: VT, PL (2). XĐ.

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

DANH MỤC VÀ PHÂN CÔNG CƠ QUAN CHỦ TRÌ SOẠN THẢO VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT, NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XIV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 9

(Kèm theo Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)

[...]