Quyết định 11/2011/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 11/2011/QĐ-TTg
Ngày ban hành 18/02/2011
Ngày có hiệu lực 05/04/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 11/2011/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NGÀNH MÂY TRE

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 23 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về quy hoạch, chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển ngành mây, tre; trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức có liên quan đến tạo vùng nguyên liệu, khai thác nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng mây tre ở Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng                                                                                                               

Chính sách này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài có các hoạt động liên quan đến tạo vùng nguyên liệu, khai thác nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng mây tre.

Điều 3. Mục tiêu

1. Phát triển vùng nguyên liệu mây, tre nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hàng mây tre và các ngành khác, góp phần tăng độ che phủ và khả năng phòng hộ của rừng, chống xói lở đất tại các vùng đầu nguồn, ven sông, ven suối.

2. Phát triển công nghiệp sản xuất hàng mây tre nhằm từng bước gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng mây tre, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề sản xuất hàng mây tre nhằm phát huy các giá trị về kinh tế, văn hóa, sinh thái, môi trường của làng nghề.

4. Thúc đẩy hình thành thị trường hàng mây tre nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

5. Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Nguyên liệu mây là sản phẩm được khai thác từ các loài mây, song thuộc các chi Calamus Daemonorops thuộc họ Cau dừa (Arecacae) sống trong rừng tự nhiên hoặc được gieo, trồng để sử dụng, chế biến hàng mây tre.

2. Nguyên liệu tre là sản phẩm được khai thác từ các loài tre, nứa, bương, luồng, lồ ô, vầu, tầm vông,… thuộc phân họ tre (Bambusoideae), họ Cỏ (Poaceae) sống trong rừng tự nhiên hoặc được gieo, trồng để sản xuất hàng mây tre.

3. Vùng nguyên liệu mây, tre, gồm: vùng nguyên liệu mây, tre tự nhiên thuần loài hoặc hỗn giao với cây gỗ, thuộc rừng phòng hộ và rừng sản xuất; vùng nguyên liệu mây tre trồng trên đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và các loại đất khác.

4. Ngành mây tre là tên gọi chung của ngành nghề sản xuất các loại hàng hóa sử dụng nguyên, vật liệu từ các loài mây, tre bao gồm các hoạt động từ tạo nguyên liệu đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng mây tre.

Chương 2.

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH MÂY TRE

MỤC 1. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU MÂY, TRE

Điều 5. Định hướng phát triển vùng nguyên liệu

1. Phát triển vùng nguyên liệu phải gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm hàng mây tre.

2. Phát triển vùng nguyên liệu theo hướng chuyên môn hóa sản xuất.

[...]