Quyết định 11/1998/QĐ-TTg về cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu năm 1998 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 11/1998/QĐ-TTg
Ngày ban hành 23/01/1998
Ngày có hiệu lực 23/01/1998
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Mạnh Cầm
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH XUẤT, NHẬP KHẨU NĂM 1998

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 59/CP của Chính phủ ngày 5 tháng 6 năm 1997;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt danh mục hàng hoá xuất, nhập khẩu năm 1998:

- Danh mục hàng hoá cấm xuất, cấm nhập khẩu (Phụ lục 1)

- Danh mục hàng hoá quản lý bằng hạn ngạch (Phụ lục 2)

- Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu quản lý chuyên ngành (Phụ lục 3)

- Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có cân đối với sản xuất và nhu cầu trong nước (Phụ lục 4).

Điều 2. Hàng hoá xuất, nhập khẩu quản lý bằng hạn ngạch.

a. Đối với hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường có hạn ngạch quy định của các nước, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6228/KTTH ngày 05 tháng 12 năm 1997.

b. Gạo: Phê duyệt hạn ngạch xuất khẩu năm 1998 là 4 triệu tấn.

Việc điều hành xuất khẩu gạo năm 1998 thực hiện theo quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở tổng kết việc điều hành xuất khẩu gạo năm 1997, củng cố và đổi mới hoạt động của Hiệp hội xuất nhập khẩu lương thực Việt Nam giao Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện cơ chế và tổ chức xuất khẩu gạo. Giao Bộ Tài chính chủ trì với Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng quỹ hỗ trợ sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo; nghiên cứu thành lập "Trung tâm giao dịch xuất khẩu gạo". Cho phép thí điểm một số doanh nghiệp xay xát - chế biến lúa gạo ngoài quốcc doanh và một số nông trường, có đủ điều kiện được xuất khẩu trực tiếp.

Điều 3. Hàng hoá, vật tư nhập khẩu có cân đối với sản xuất và nhu cầu trong nước:

a) Xăng dầu (trừ dầu nhờn):

- Bộ Thương mại điều hành, bảo đảm nhập năm 1998 khoảng 7 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (không kể phần tạm nhập tái xuất); giao một lần từ đầu năm toàn bộ chỉ tiêu xăng dầu nhập khẩu cho các doanh nghiệp chuyên doanh, trong đó có tổng công ty xăng dầu nhập khoảng 60% nhu cầu.

- Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức nhập khẩu, Bộ kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

b) Phân bón: Phê duyệt chỉ tiêu tối thiểu phân bón các loại nhập khẩu trong năm 1998:

- Phân Urê 1.600.000 tấn - Phân DAP 300.000 tấn - Phân SA 250.000 tấn - Phân NPK 350.000 tấn - Phân Kali 240.000 tấn

Việc điều hành nhập khẩu phân bón năm 1998 thực hiện theo quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

c) Đối với những loại vật tư, hàng hoá được đáp ứng chủ yếu từ nguồn sản xuất trong nước như: thép xây dựng, xi măng các loại, giấy viết, giấy in các loại, đường tinh luyện, đường thô nguyên liệu, kính trắng xây dựng, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, các Bộ quản lý sản xuất và Bộ Thương mại xác định nhu cầu nhập khẩu bổ sung và xây dựng quy chế điều hành để thực hiện từ đầu tháng 2 năm 1998, theo nguyên tắc:

- Chỉ nhập khẩu phần vật tư, hàng hoá, bao gồm các chủng loại, quy cách trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đủ nhu cầu.

- Các loại vật tư trong nước chưa sản xuất, được nhập khẩu theo nhu cầu và chịu sự điều tiết bằng thuế.

- Bộ Thương mại bảo đảm điều hành nhập khẩu chủng loại, quy cách và số lượng vật tư, hàng hoá cần nhập bổ sung theo quy chế điều hành nhập khẩu được liên Bộ thống nhất;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, các Bộ quản lý sản xuất và Bộ Thương mại điều hành để xử lý các vấn đề cụ thể, bảo đảm cung cầu của thị trường.

d) Đối với phôi thép và clinker, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh được nhập khẩu theo nhu cầu và năng lực sản xuất.

[...]