Quyết định 1080/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"

Số hiệu 1080/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/08/2022
Ngày có hiệu lực 05/08/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Quốc Nam
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập
- Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1080/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 05 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 11/01/2022;

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 11/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của HĐND tỉnh về Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 2702/SKHĐT-TH ngày 27 tháng 7 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tỉnh, hướng đến quy hoạch thành khu Kinh tế ven biển của cả nước vào năm 2024.

- Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nền kinh tế số, chủ động và tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với mô hình là vùng kinh tế tổng hợp công nghệ cao hiện đại, phát triển công nghiệp nặng thân thiện môi trường, tập trung đầu tư phát triển năng lượng; Cảng biển và dịch vụ Cảng; Công nghiệp; kinh tế đô thị và du lịch; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh.

2. Mục tiêu

Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh theo hướng nhanh, bền vững, tập trung ưu tiên phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; Cảng và dịch vụ Cảng; Nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước và đến năm 2030 trở thành Tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

[...]