Quyết định 1073/QĐ-UBND năm 2015 về Đề án Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Bình Phước (giai đoạn 2015 - 2020)

Số hiệu 1073/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/05/2015
Ngày có hiệu lực 29/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Nguyễn Huy Phong
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1073/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 29 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC (GIAI ĐOẠN 2015 - 2020)

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;

Căn cứ Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ (giai đoạn 2014 - 2020);

Căn cứ Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công bố Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

Thực hiện Công văn số 1098/BVHTTDL-DSVH ngày 08/4/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; Công văn số 3635/BVHTTDL-DSVH ngày 13/10/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 713/TTr-SVHTTDL ngày 11/5/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Bình Phước (giai đoạn 2015 - 2020).

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Binh Phước (giai đoạn 2015 - 2020).

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành, đơn vị: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nội vụ; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Đài Phát thanh và Truyền hình; Báo Bình Phước; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- BVH/TT&DL;
- TTTU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- BTGTU;
- Như Điều 3;
- LĐVP, các Phòng: VX, KTTH;
- Lưu: VT(T-11-2015).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Huy Phong

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC (GIAI ĐOẠN 2015 - 2020)
(Kèm theo Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 29/5/2015 của UBND tỉnh)

PHẦN I

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trong những năm qua, bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử - một loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo đậm chất Nam bộ trong dòng nhạc dân tộc Việt Nam được Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. Cùng với cả nước, Bình Phước và các tỉnh, thành Nam bộ tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này một cách thiết thực, có ý nghĩa ở khu vực, quốc gia và quốc tế. Nhờ đó, nghệ thuật Đờn ca tài tử bước đầu được bảo tồn, phát huy tốt; các phong trào nghệ thuật quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, loại hình nghệ thuật này đã thẩm thấu trong đời sống cộng đồng, nó thường được tổ chức vào những dịp sinh hoạt câu lạc bộ nhóm, những lúc nhàn rỗi, các buổi liên hoan và sinh hoạt văn hóa, lễ hội, đám cưới, lễ khánh thành... là món ăn tinh thần không thể thiếu của một bộ phận người dân.

Với những giá trị nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử xã hội mà loại hình nghệ thuật này mang lại, Đờn ca tài tử Nam bộ đã được tổ chức UNESCO vinh danh và khẳng định tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 diễn ra vào ngày 05/12/2013 là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của Bình Phước, cư dân Nam bộ mà còn là niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc. Mặc dù là vùng lan tỏa của Đờn ca tài tử nhưng Bình Phước tự hào góp phần cùng cả nước, đặc biệt là 21 tỉnh, thành phía Nam tôn vinh và khẳng định di sản văn hóa độc đáo này.

Tuy nhiên, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện tại dần dần đang mai một, chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức; phần đông nghệ nhân nòng cốt hiện đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa có lộ trình, bài bản chính thức... Sự phát triển Đờn ca tài tử mang tính tự phát, thiếu tổ chức cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Điều này đòi hỏi phải có sự quản lý, định hướng để Đờn ca tài tử ở Bình Phước phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của xã hội.

Từ thực trạng Đờn ca tài tử ở Bình Phước và yêu cầu của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận là di sản phi vật thể của thế giới, việc đầu tư, xây dựng và triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015 - 2020 là việc làm cần thiết và mang tầm chiến lược. Khi được triển khai và thực hiện thành công, bộ môn này sẽ góp phần quan trọng cho công tác duy trì hoạt động, giao lưu tại các thiết chế văn hóa, câu lạc bộ Đờn ca tài tử; các đội, nhóm tài tử. Đồng thời, thông qua Đề án này, tỉnh sẽ có thêm cơ hội từng bước nâng cao chất lượng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương, phục vụ nhu cầu của nhân dân và phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh. Việc xây dựng đề án là việc làm phù hợp với mục đích, yêu cầu của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa Đờn ca tài tử trong tình hình mới, phù hợp với chương trình hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện chương trình hành động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử đã được công nhận di sản thế giới; một lần nữa khẳng định giá trị nghệ thuật to lớn của Đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; góp phần thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới;

[...]