Quyết định 1049/2003/QĐ-UBND thực hiện chế độ thông tin, báo cáo do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 1049/2003/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/04/2003
Ngày có hiệu lực 16/04/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Minh Đoan
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1049/2003/QĐ-UB

Thanh Hoá, ngày 01 tháng 4 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND công bố ngày 05/7/1994;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12/3/2003 của Chính phủ;

- Căn cứ Quyết định số 162/TTg ngày 12/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thông tin báo cáo; Chỉ thị số 218/TTg ngày 07/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cải tiến lề lối làm việc của Chính phủ và chế độ thông tin, báo cáo;

- Căn cứ Văn bản số 3404/ĐP1 ngày 08/7/1997 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện chế độ báo cáo;

- Để bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ yêu cầu chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và thực hiện chế độ báo cáo với Chính phủ theo quy định; xét đề nghị của Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Đối tượng áp dụng:

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời chế độ báo cáo, thông tin quy định tại Quyết định này.

Điều 2. Về chế độ báo cáo:

Các đối tượng quy định tại Điều 1 phải lập và gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) các báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề theo nội dung và thời hạn sau đây:

1- Báo cáo định kỳ bao gồm báo cáo tuần, tháng, 6 tháng đầu năm và báo cáo năm.

a- Báo cáo tuần phản ánh tiến độ thực hiện những chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của sở, ban, ngành (sau đây gọi là ngành) huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là huyện), những nhiệm vụ đột xuất, những sự kiện quan trọng, những kiến nghị khẩn cấp với UBND, Chủ tịch UBND tỉnh.

b- Báo cáo tháng được áp dụng đối với các tháng trong năm, trừ tháng 6 và tháng 12. Độ dài báo cáo tháng không quá 4 trang (khổ giấy A4, phông chữ Vntime, cỡ chữ 14), phản ánh ngắn gọn, súc tích những nội dung sau:

- Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn của các ngành, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước của các huyện;

- Tình hình và kết quả thực hiện các quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh thuộc trách nhiệm của ngành, huyện quản lý; tình hình chuẩn bị các Đề án trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (đối với các ngành, huyện được giao nhiệm vụ);

- Đối với các huyện, thị xã, thành phố, nếu trong tháng có kỳ họp của HĐND cấp huyện phải báo cáo nội dung các Nghị quyết của kỳ họp, chú ý nêu rõ sự phù hợp giữa Nghị quyết của HĐND với các chủ trương, chính sách, quyết định hiện hành của Trung ương và của tỉnh.

c- Báo cáo 6 tháng đầu năm không dài quá 9 trang khổ giấy A4, phông chữ Vntime, cỡ chữ 14, tập trung phản ánh những nội dung sau:

- Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch của ngành; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước, quốc phòng an ninh của huyện; việc thực hiện những chương trình, đề án lớn, dự án trọng điểm được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao chủ trì tổ chức thực hiện;

- Đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của ngành và UBND huyện: nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại thiếu sót, nguyên nhân tồn tại và biện pháp khắc phục;

- Xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành, huyện trong 6 tháng cuối năm và những giải pháp thực hiện; những kiến nghị với Chính Phủ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

d- Báo cáo năm có độ dài và kết cấu nội dung như báo cáo 6 tháng đầu năm nhưng đánh giá, kiểm điểm tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong cả năm; đề ra nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong năm sau.

Thứ tự các hoạt động, lĩnh vực phản ánh trong báo cáo tháng, 6 tháng đầu năm và báo cáo năm của UBND các huyện quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

2- Báo cáo đột xuất: khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra những biến động bất thường về tự nhiên, chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng thuộc trách nhiệm của ngành, huyện quản lý thì các ngành, huyện phải báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND tỉnh bằng phương tiện nhanh nhất. Báo cáo đột xuất phải nêu rõ tóm tắt tình hình diễn biến của sự việc, nguyên nhân phát sinh; những biện pháp đã áp dụng để khắc phục, phòng ngừa, kết quả giải quyết và những đề xuất, kiến nghị với UBND, Chủ tịch UBND tỉnh. Sự việc xảy ra đến đâu phải báo cáo ngay đến đó, không được đợi kết thúc hoặc giải quyết xong sự việc mới báo cáo.

3- Báo cáo chuyên đề là báo cáo chuyên sâu về một nhiệm vụ công tác, một vấn đề quan trọng (báo cáo thực hiện một chương trình, đề án, quyết định, chủ trương của cấp trên, nhiệm vụ công tác đặc biệt) theo yêu cầu của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm thông báo yêu cầu về nội dung và thời gian báo cáo cho các ngành, huyện liên quan.

4- Ngoài những báo cáo nêu ở các Điều 2, Điều 3 và Điều 4, các ngành sau đây phải lập và gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh các báo cáo tổng hợp về những lĩnh vực được giao, cụ thể:

[...]