Quyết định 1032/QĐ-BKHCN năm 2022 phê duyệt Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước", mã số: KX.03/21-30 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 1032/QĐ-BKHCN
Ngày ban hành 20/06/2022
Ngày có hiệu lực 20/06/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Hoàng Giang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1032/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 “NGHIÊN CỨU, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VÀ NGUỒN LỰC NHÂN VĂN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC”, MÃ SỐ: KX.03/21-30

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030;

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 05/8/2021;

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước” (sau đây gọi tắt là Chương trình), mã số: KX.03/21-30. Mục tiêu, nội dung, dự kiến sản phẩm, yêu cầu đối với sản phẩm khoa học và chỉ tiêu đánh giá của Chương trình quy định tại Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Cơ chế quản lý và tài chính của Chương trình được thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban KHCNMT của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Lưu VT, KHTC.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Giang

 

PHỤ LỤC

MỤC TIÊU, NỘI DUNG, DỰ KIẾN SẢN PHẨM, YÊU CẦU ĐỐI VỚI SẢN PHẨM KHOA HỌC VÀ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 “NGHIÊN CỨU, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VÀ NGUỒN LỰC NHÂN VĂN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC”, MÃ SỐ: KX.03/21-30
(Kèm theo Quyết định số: 1032/QĐ-BKHCN ngày 20 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

I. Mục tiêu

Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi, nguồn lực nhân văn nhằm nhận diện giá trị, nguồn lực nhân văn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tại các địa phương, vùng miền, các tổ chức, nhóm, tầng lớp trong xã hội, từ đó đề xuất quan điểm, giải pháp để phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể bao gồm:

1. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi, về vai trò, chức năng, nội dung hệ giá trị nói chung, nguồn lực nhân văn làm cơ sở để nhận diện các giá trị cụ thể và nguồn lực nhân văn ở Việt Nam phục vụ phát triển đất nước.

2. Nghiên cứu, nhận diện, phân tích các giá trị, nguồn lực nhân văn thực tế và tiềm năng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tại các địa phương, vùng miền, các tổ chức, nhóm, tầng lớp trong xã hội; đánh giá thực trạng sử dụng, phát huy các giá trị, nguồn lực nhân văn của Việt Nam trong phát triển đất nước;

3. Luận giải và đề xuất hệ thống quan điểm, giải pháp mang tính chiến lược và cụ thể đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi và nguồn lực nhân văn, tạo động lực, sức mạnh phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

II. Nội dung

1. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quốc gia, giá trị cốt lõi, nguồn lực nhân văn làm cơ sở cho việc phát hiện, phát huy giá trị, nguồn lực nhân văn của Việt Nam hiện nay, tạo động lực, sức mạnh phát triển đột phá, toàn diện, nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045:

[...]