Quyết định 102/2008/QĐ-BNN phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 102/2008/QĐ-BNN
Ngày ban hành 17/10/2008
Ngày có hiệu lực 16/11/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Việt Thắng
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 102/2008/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ CÁ TRA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;
Xét tờ trình của Cục Nuôi trồng Thủy sản, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển nuôi cá tra bền vững phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long; Coi cá tra là đối tượng nuôi chủ lực và sản xuất, chế biến tiêu thụ cá tra là một hoạt động kinh tế quan trọng phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu của đất nước.

2. Phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra theo định hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng hiện đại hóa tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

3. Phát triển nuôi chế biến tiêu thụ cá tra phải gắn liền với việc thực hiện bảo đảm các tiêu chuẩn quy định về điều kiện nuôi, chất lượng, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, cá nhân, tổ chức nuôi cá, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và Nhà nước.

4. Lấy phát triển nuôi cá tra công nghiệp là trọng tâm, huy động nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế, trong đó Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi cá tra tập trung, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến thủy sản.

5. Sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra phải trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, trước hết phải thực hiện quy trình sản xuất theo hướng thực hành nuôi tốt (GAP) tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.

II. ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NUÔI, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ CÁ TRA

1. Định hướng:

1.1. Nuôi cá tra thương phẩm:

Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến để nuôi cá tra năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái theo cấp độ thích nghi khác nhau:

Cấp độ 1 (Tốt): gồm đất Cù lao trên các sông lớn (sông Tiền và sông Hậu)

Cấp độ 2 (Khá): gồm đất ven sông lớn, cách bờ nhỏ hơn 500 mét;

Cấp độ 3 (Trung bình): gồm đất ven các sông nhánh, cách bờ không quá 400 mét.

1.2. Sản xuất giống cá tra: Phát triển thành 3 vùng tập trung:

Vùng 1: An Giang – Đồng Tháp – Vĩnh Long;

Vùng 2: Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng;

Vùng 3: Tiền giang – Bến Tre – Trà Vinh.

1.3. Xây dựng cơ sở chế biến thức ăn, chế phẩm sinh học và hệ thống dịch vụ gắn với yêu cầu phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, đảm bảo nghề nuôi chế biến, tiêu thụ cá tra phát triển bền vững.

1.4. Xây dựng cơ sở chế biến cá tra gắn với vùng nguyên liệu; Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm; Áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cá tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, thân thiện với môi trường.

2. Mục tiêu phát triển nuôi, chế biến và tiêu thụ cá tra:

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Phát triển nuôi chế biến tiêu thụ cá tra thành ngành kinh tế quan trọng của thủy sản Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thân thiện với môi trường. Sản phẩm cá tra phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngoại tệ cho đất nước.

[...]