Quyết định 102/2006/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa do Thủ Tướng chính phủ ban hành

Số hiệu 102/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 15/05/2006
Ngày có hiệu lực 10/06/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

*******

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số : 102/2006/QĐ-TTg 

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 102/2006/QĐ-TTg NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2006 VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ NGHI SƠN, TỈNH THANH HÓA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 2831/TTr-BKH ngày 21 tháng 4 năm 2006 và của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá tại tờ trình số 4628/TTr-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ NGHI SƠN, TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định hoạt động, một số chính sách và quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế Nghi Sơn (sau đây viết tắt là KKT Nghi Sơn); quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Điều 2.

1. KKT Nghi Sơn là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia, có không gian kinh tế riêng biệt, với môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh thuận lợi, bình đẳng bao gồm: các khu chúc năng, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài và cơ chế quản lý thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

2. Phạm vi của Khu kinh tế Nghi Sơn bao gồm 12 xã: Hải Bình, Xuân Lâm, Tĩnh Hải, Hải Yến, Mai Lâm, Hải Thượng, Hải Hà, Nghi Sơn, Trúc Lâm, Trường Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích 18.611,8 ha, có ranh giới địa lý được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp xã Nguyên Bình và Bình Minh (huyện Tĩnh Gia);

- Phía Nam giáp huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An);

- Phía Đông giáp biển Đông;

- Phía Tây giáp huyện Như Thành.

Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế Nghi Sơn:

1. Xây dựng KKT Nghi Sơn thành một khu vực phát triển năng động, một trọng điểm phát triển ở phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, tạo động lực mạnh để thúc đẩy, lôi kéo kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách phát triển với vừng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với cả nước.

2. Xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vc với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: công nghiệp lọc - hoá dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu... gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn. Hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, các loại hình dịch vụ cao cấp; đẩy mạnh xuất khẩu; mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới.

[...]