BỘ
Y TẾ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
1014/QĐ-BYT
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN TRONG CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH GIAI ĐOẠN TỪ
NAY ĐẾN NĂM 2015”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số
188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và Nghị định 22/2010/NĐ-CP ngày 09/3/2010 của
Chính phủ quy định về sửa đổi, bổ sung điều 3 Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày
27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công
tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn
từ nay đến 2015” với những nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung:
Tăng cường công tác KSNK trong các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) thông qua các giải pháp tăng cường tổ chức,
nguồn lực, nhận thức và chính sách về KSNK góp phần bảo đảm an toàn cho người bệnh,
nhân viên y tế và cộng đồng.
b) Mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu 1: Củng cố và hoàn
thiện hệ thống KSNK từ Bộ Y tế tới các cơ sở KBCB nhằm phấn đấu đạt được các chỉ
số sau:
- Đến năm 2013, mạng lưới KSNK
trong các cơ sở KBCB từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, các Sở Y tế và
các Bệnh viện được, củng cố, hoàn chỉnh và hoạt động hiệu quả.
- Đến năm 2015, 100% bệnh viện trực
thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Trung tâm
Chăm sóc sức khỏe sinh sản có tổ chức KSNK theo quy định tại Thông tư
18/2009/TT-BYT ngày 14/10/2009 về Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác KSNK
trong các cơ sở KBCB (sau đây gọi chung là Thông tư số 18/2009/TT-BYT).
Mục tiêu 2: Bổ sung, cập nhật
và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia và các tài liệu hướng dẫn KSNK bệnh viện. Tăng cường công tác tư vấn, giám
sát nhiễm khuẩn bệnh viện và kết nối với các hệ thống giám sát bệnh dịch, giám
sát bệnh lao, phấn đấu đạt được các chỉ số sau:
- Đến năm 2012, Bộ Y tế ban hành một
bộ tài liệu hướng dẫn KSNK làm cơ sở để các cơ sở KBCB thực hiện và xây dựng những
quy trình thực hành KSNK phù hợp với điều kiện từng cấp.
- Đến năm 2013, 100% khoa hoặc tổ
KSNK của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và vào năm 2015, 100% khoa hoặc tổ
KSNK của các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bộ phận
giám sát nhiễm khuẩn, có nhân lực chuyên trách thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh
viện.
- Đến năm 2015, 100% các bệnh viện
trực thuộc Bộ Y tế và 50% bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương có kế hoạch và thực hiện giám sát các nhiễm khuẩn.
- Đến năm 2015, Cục Quản lý khám,
chữa bệnh hình thành được hệ thống dữ liệu báo cáo nhiễm khuẩn bệnh viện từ các
bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương; Tối thiểu có các dữ liệu về nhiễm khuẩn vết mổ, viêm phổi ở người bệnh
thở máy, nhiễm khuẩn huyết ở người bệnh đặt ống thông mạch máu, ống thông tiểu,
các tai nạn nghề nghiệp và các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Mục tiêu 3: Tăng cường nguồn
nhân lực và các điều kiện thiết yếu phục vụ cho công tác KSNK, phấn đấu đạt được
các chỉ số sau:
- Đến năm 2013, Bộ Y tế ban hành và
đưa vào thực hiện chương trình đào tạo cho cán bộ chuyên trách KSNK và chương
trình đào tạo phổ cập về KSNK cho nhân viên y tế.
- Đến năm 2014, Bộ Y tế có một đội
ngũ giảng viên cấp quốc gia và cấp vùng để thực hiện các chương trình đào tạo
KSNK của Bộ Y tế đã được ban hành.
- Đến năm 2015, 90% cán bộ chuyên
trách công tác tại khoa KSNK của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện
đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đào tạo theo chương trình
chuyên khoa KSNK do Bộ Y tế ban hành.
- Đến năm 2015, ít nhất 80% cán bộ,
viên chức và nhân viên công tác tại các cơ sở KBCB được đào tạo theo chương
trình phổ cập về KSNK.
- Đến năm 2015, 100% các chương
trình đào tạo mới cho điều dưỡng viên, hộ sinh viên và bác sĩ đa khoa có môn học
KSNK.
Mục tiêu 4: Tăng cường nhận
thức về KSNK của nhân viên y tế và cộng đồng, phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau:
- Từ năm 2012, trên cổng thông tin
điện tử của Cục Quản lý khám, chữa bệnh có chuyên mục về KSNK. Chuyên mục này
đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật; những tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền
liên quan đến KSNK với những thông tin cập nhật để cung cấp cho các cơ sở y tế,
các nhân viên y tế và người dân được tiếp cận dễ dàng.
- Từ năm 2012, trên các chương
trình phát thanh, truyền hình, Tạp chí bệnh viện và báo Sức khỏe đời sống, Tạp
chí Điều dưỡng đăng tải thông tin tuyên truyền về phương pháp phòng ngừa nhiễm
khuẩn bệnh viện như vệ sinh tay, các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện,
những thông tin cập nhật về nhiễm khuẩn bệnh viện.
- Đến năm 2013, 50% các bệnh viện
thực hiện chương trình truyền thông, giáo dục về phòng ngừa KSNK phù hợp với điều
kiện và đặc điểm địa phương, vùng, miền, chuyên môn của bệnh viện.
Mục tiêu 5: Tăng cường đầu
tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu KSNK theo
quy định tại Thông tư 18/2009/TT-BYT, phấn đấu đến năm 2015 đạt các chỉ tiêu
sau:
- Bộ Y tế ban hành danh mục trang
thiết bị tối thiểu bảo đảm KSNK bệnh viện.
- Các bệnh viện có đủ phương tiện vệ
sinh tay theo quy định tại Thông tư 18/2009/TT-BYT.
- Các bệnh viện có khu vực cách ly,
buồng cách ly theo hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm của Bộ
Y tế.
- Các bệnh viện xây mới được xây dựng
bảo đảm nguyên tắc vệ sinh bệnh viện và phòng ngừa nhiễm khuẩn theo Tiêu chuẩn
của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.
- Các cơ sở KBCB thực hiện đúng Hướng
dẫn khử khuẩn, tiệt khuẩn của Bộ Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh
viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức khử khuẩn-tiệt khuẩn
tập trung theo quy định của Bộ Y tế.
Mục tiêu 6: Đẩy mạnh công
tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực KSNK,
phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau:
- Vào năm 2015, các bệnh viện trực
thuộc Bộ Y tế và bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lựa chọn
sẽ thực hiện thành công mô hình điểm về giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện để rút
kinh nghiệm, mở rộng thực hiện hệ thống giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện tại các
bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.
- Từ năm 2015, các bệnh viện từ tuyến
tỉnh trở lên có đề tài nghiên cứu về KSNK.
- Từ năm 2013, 50% hội nghị khoa học
của các bệnh viện có đề tài nghiên cứu về KSNK được báo cáo.
- Từ năm 2013, cứ 2 năm một lần, hội
nghị khoa học chuyên đề KSNK cấp khu vực và 5 năm một lần hội nghị khoa học
chuyên đề KSNK toàn quốc được tổ chức.
- Năm 2015 tổ chức Hội nghị khoa học
quốc tế về KSNK.
- Năm 2015 sẽ hoàn thành một nghiên
cứu khoa học về chi phí cho KSNK làm cơ sở tính toán viện phí góp phần thuyết
minh cho Bộ Tài chính và người dân sử dụng các dịch vụ y tế.
2. Các giải
pháp thực hiện
Giải pháp 1. Tăng cường tổ
chức KSNK thông qua các hoạt động sau:
- Tăng cường hệ thống quản lý KSNK
của các bệnh viện theo Hướng dẫn tại Thông tư số 18/2009/TT-BYT.
- Bổ sung, duy trì và tăng cường hiệu
quả hoạt động của Ban chuyên gia tư vấn về KSNK tại Cục Quản lý khám, chữa bệnh
do Lãnh đạo Cục làm Trưởng ban và đại diện Lãnh đạo một số Sở Y tế, bệnh viện
và một số chuyên gia KSNK đại diện cho các vùng, miền, bệnh viện trung ương, bệnh
viện đa khoa, chuyên khoa làm thành viên. Ban chuyên gia tư vấn KSNK sẽ tư vấn
cho Bộ Y tế trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách,
các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các hướng dẫn quốc gia liên quan đến KSNK.
- Xây dựng ít nhất ba Trung tâm hướng
dẫn thực hành KSNK tại 3 bệnh viện hạng đặc biệt của 3 vùng Bắc, Trung, Nam làm
cơ sở để đào tạo thực hành và mô hình mẫu cho các bệnh viện học tập về KSNK.
Giải pháp 2. Cập nhật, bổ
sung các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu hướng dẫn chuyên
môn về KSNK thông qua các hoạt động sau:
- Từng bước cập nhật, xây dựng, bổ
sung các quy trình quản lý, các hướng dẫn, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
KSNK.
- Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát sự tuân thủ các chính sách, quy trình, quy định, hướng dẫn về
KSNK tại các cơ sở KBCB.
Giải pháp 3. Tăng cường công
tác thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng và KSNK thông qua các hoạt động
sau:
- Tạp chí bệnh viện của Cục Quản lý
khám chữa bệnh phối hợp với Văn phòng Hội Điều dưỡng Việt Nam, Trung tâm truyền
thông giáo dục sức khỏe của Bộ Y tế, Báo sức khỏe đời sống, kênh truyền hình O2
TV và các cơ quan truyền thông khác thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng
bá nâng cao nhận thức về việc thực hiện phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện trong
các cơ sở KBCB.
- Các cơ quan truyền thông giáo dục
sức khỏe của Bộ Y tế và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng các bệnh viện
tổ chức các hình thức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại
chúng để người dân hiểu, biết về các phương pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện
khi tới thăm hoặc chăm nuôi người nhà tại các cơ sở KBCB.
Giải pháp 4. Tăng cường đào
tạo về KSNK thông qua các hoạt động sau:
- Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối
hợp với Vụ Khoa học Đào tạo xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo KSNK.
- Vụ Khoa học Đào tạo chỉ đạo các
trường Đại học và Cao đẳng Y Dược, các trường trung học y tế và các Trung tâm
đào tạo của các bệnh viện đưa chương trình đào tạo KSNK vào đào tạo chính khóa
trong các trường, các trung tâm đào tạo.
- Bộ Y tế, các Sở Y tế, các Trường
Đại học-Cao đẳng Y dược và Trung học Y tế, các Bệnh viện thực hiện các hình thức
đào tạo, huấn luyện dưới các hình thức khác nhau như đào tạo tập trung hoặc tại
chức, đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn, hướng dẫn trực tiếp hay đào tạo từ xa. Bên
cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức các lớp đào tạo liên tục, tập huấn, hội nghị, hội
thảo tại cơ sở hoặc tạo cơ hội tham quan, học tập chuyên đề KSNK ở các bệnh viện
trong nước hay nước ngoài và tổ chức giáo dục tinh thần trách nhiệm của mỗi cán
bộ, viên chức y tế về an toàn người bệnh liên quan đến công tác KSNK nhằm thay
đổi hành vi, thực hành chuyên môn góp phần phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện.
- Cán bộ, viên chức chuyên trách
công tác KSNK tham gia các khóa đào tạo, đào tạo lại hoặc cập nhật kiến thức y
khoa liên tục (chú trọng nội dung KSNK) theo quy định của Bộ Y tế, có kiểm tra
đánh giá định kỳ để làm cơ sở cho việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề theo
quy định của pháp luật khám bệnh, chữa bệnh.
Giải pháp 5. Đầu tư tài
chính và hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động sau:
- Về đầu tư tài chính: Bộ Y tế đề
xuất với Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
quan tâm:
+ Đưa chi phí KSNK vào giá dịch vụ
y tế và bảo đảm đầu tư thích hợp về kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất theo các
quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với hoạt động chuyên môn và tăng cường tổ chức bộ
máy cho công tác quản lý và phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện song song với
phòng, chống bệnh dịch xảy ra trong cơ sở y tế và ngoài cộng đồng;
+ Tăng cường đầu tư kinh phí từ
ngân sách nhà nước cho các hoạt động cần thiết của công tác KSNK, phân bổ và sử
dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được để phục vụ cho Kế hoạch hành
động;
+ Huy động các nguồn tài chính hợp
pháp khác, đặc biệt từ nguồn của tư nhân và các tổ chức quốc tế;
+ Phân cấp quản lý ngân sách cho
KSNK bảo đảm tính hiệu quả của Kế hoạch hành động.
- Về hợp tác quốc tế:
+ Bộ Y tế, các Sở Y tế chú trọng
xây dựng những chính sách ưu tiên trong việc xem xét, phê duyệt các đề án, dự
án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KSNK, hỗ trợ hiệu quả việc triển khai và thực
hiện đúng tiến độ nội dung của kế hoạch hành động KSNK; Ưu tiên cho các dự án hợp
tác về hỗ trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ hiện đại liên quan
đến KSNK;
+ Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y
tế tiếp tục duy trì hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới, JICA của Nhật Bản và các
chương trình dự án liên quan đến KSNK để thiết lập hệ thống theo dõi các tư liệu
quốc tế nhằm cung cấp kịp thời các thông tin và tăng cường năng lực quản lý bệnh
viện trong lĩnh vực KSNK.
+ Các bệnh viện phát huy năng lực
quan hệ về hợp tác quốc tế và huy động các tổ chức liên quan khác để phát triển
những dự án KSNK bao gồm cả đào tạo trong và ngoài nước, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ
trang thiết bị và cơ sở vật chất cho công tác KSNK.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện:
1. Kế hoạch hành động quốc gia tăng
cường năng lực KSNK trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ nay đến năm 2015 được
áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân.
2. Căn cứ vào nội dung Kế hoạch
hành động, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em, Vụ Y dược học
cổ truyền, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường, Vụ Khoa học Đào tạo xây dựng
và triển khai các kế hoạch hành động cụ thể trong từng lĩnh vực phụ trách và phối
hợp với các đơn vị liên quan, các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương triển khai thực hiện các kế hoạch.
3. Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm
đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình và
báo cáo định kỳ hàng năm cho Bộ trưởng Bộ Y tế.
4. Vụ Kế hoạch-Tài chính phối hợp với
Cục Quản lý khám, chữa bệnh và các Vụ, Cục liên quan tổng hợp và dự trù kinh
phí hoạt động hằng năm của Kế hoạch hành động quốc gia tăng cường công tác KSNK
để trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định.
5. Giám đốc các Sở Y tế, Giám đốc
các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Thủ trưởng các cơ sở KBCB tổ chức thực hiện
kế hoạch này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4.
Các Ông, Bà: Chánh văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ,
Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục
trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Vụ trưởng Vụ
Y dược học cổ truyền, Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch –
Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng (để biết);
- Cổng TTĐT Bộ Y tế, Website Cục Quản lý KCB;
- Lưu: VT, KCB, PC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Xuyên
|