Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 100/QĐ-CP năm 1977 về việc ban hành chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh phía Nam do Hội đồng chính phủ ban hành

Số hiệu 100/QĐ-CP
Ngày ban hành 12/04/1977
Ngày có hiệu lực 27/04/1977
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 100/QĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐỐI VỚI THƯƠNG NGHIỆP TƯ NHÂN Ở CÁC TỈNH PHÍA NAM

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Tiếp theo bản Tuyên bố của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chính sách đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam hiện nay;

Để đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh phía Nam;

Theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Nội thương, Trưởng Ban Cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 25 tháng 2 năm 1997,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản chính sách về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh phía Nam.

Điều 2. Các ông Bộ trưởng Bộ Nội thương, Trưởng Ban Cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Phạm Hùng

(Đã ký)

 

CHÍNH SÁCH

CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐỐI VỚI THƯƠNG NGHIỆP TƯ NHÂN Ở CÁC TỈNH PHÍA NAM
(Ban hành theo Quyết định của Hội đồng Chính phủsố 100/CP ngày 12 tháng 4 năm 1977)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:.

Việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh phía Nam phải đạt được mục đích, yêu cầu sau đây:

- Trên cơ sở xây dựng và phát triển thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ, thực hiện xoá bỏ thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, xây dựng thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất, trong đó thương nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ đạo.

- Thương nghiệp quốc doanh phải hoàn toàn nắm vững khâu bán buôn (bán sỉ) và phần lớn khâu bán lẻ, trước hết nhằm vào những mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu đối với sản xuất, đời sống và xuất khẩu; trên cơ sở đó mà không ngừng mở rộng giao lưu hàng hoá có tổ chức, bảo đảm cho sản xuất không ngừng phát triển, cải thiện từng bước đời sống của nhân dân.

- Thông qua việc cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh, cải tạo tiểu thương và tổ chức mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa mà thúc đẩy quá trình phân bổ lại lao động, xã hội, giảm bớt số người buôn bán hiện nay quá đông; xoá bỏ nạn đầu cơ, buôn bán trái phép; tích cực chuyển tư sản thương nghiệp và phần lớn tiểu thương sang sản xuất.

- Giáo dục, phát động quần chúng, thực hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân và lao động, xây dựng chỗ dựa vững chắc để tiến hành cải tạo, quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới thương nghiệp xã hội được hợp lý hơn, sử dụng những cơ sở, phương tiện kinh doanh của thương nghiệp tư nhân vào mục đích lưu thông phân phối hàng hoá có kế hoạch và tổ chức phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

II. HÌNH THỨC CẢI TẠO, NHỮNG CHÍNH SÁCH VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:

1. Hình thức cải tạo:

- Chuyển tư sản thương nghiệp và những người buôn bán nhỏ sang sản xuất là biện pháp chủ yếu để cải tạo thương nghiệp tư nhân.

- Đối với thương nghiệp tư bản tư doanh, nói chung, Nhà nước không đặt vấn đề công tư hợp doanh. Song, cá biệt có những hộ có phương tiện kinh doanh tốt mà từ trước đến nay vẫn ủng hộ cách mạng và chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Nhà nước thì có thể tiến hành công tư hợp doanh theo hình thức định lãi, nhằm tận dụng các cơ sở vật chất, kỹ thuật, và khả năng nghiệp vụ, quản lý của họ.

- Có thể lựa chọn để sử dụng một số nhà Tư sản thương nghiệp làm đại lý bán lẻ hàng hoá cho Thương nghiệp quốc doanh, nhưng phải có biện pháp kiểm soát và quản lý chặt chẽ.

- Đối với một số người buôn bán nhỏ còn được tạm thời tiếp tục kinh doanh, thì tổ chức họ lại thành những hình thức thích hợp như Tổ thương nghiệp, Tổ mua bán hàng... để thông qua đó mà tiến hành việc giáo dục và quản lý họ.

2. Chính sách cụ thể:

- Đối với các cơ sở kinh doanh thương nghiệp của Mỹ nguỵ, của tư sản mại bản, của tư sản có tội đã bỏ trốn ra nước ngoài, của bọn nguỵ quân, nguỵ quyền có nhiều tội ác, của tư sản gian thương lớn, thì tịch thu và tổ chức thành quốc đoanh.

[...]