Quyết định 09/QĐ-TCTHADS năm 2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành

Số hiệu 09/QĐ-TCTHADS
Ngày ban hành 12/01/2015
Ngày có hiệu lực 12/01/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục Thi hành án dân sự
Người ký Hoàng Sỹ Thành
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN
DÂN SỰ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/QĐ-TCTHADS

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị quyết số 72/2014/NQ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc bãi bỏ một số điều của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự;

Căn cứ Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chức năng

Vụ Tổ chức cán bộ là đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, có chức năng tham mưu, giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là Tổng Cục trưởng) thực hiện quản lý về tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Vụ) có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Xây dựng, trình Tổng Cục trưởng kế hoạch công tác dài hạn, năm (05) năm và hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, chương trình quốc gia, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm (05) năm, hàng năm về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính trong hệ thống thi hành án dân sự; tham gia xây dựng dự thảo báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính.

2. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án về tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức của Tổng cục và của hệ thống thi hành án dân sự để trình Tổng Cục trưởng, Bộ trưởng ban hành hoặc đề nghị ban hành theo thẩm quyền; thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Vụ; phối hợp với Vụ Nghiệp vụ 3 thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản, đề án khác do Tổng Cục trưởng giao;

3. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án, chủ trương, chính sách, biện pháp và quy định của pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Vụ đã được phê duyệt.

4. Về tổ chức bộ máy:

a) Tham mưu, đề xuất Tổng Cục trưởng các biện pháp, giải pháp kiện toàn tổ chức cán bộ của Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự;

b) Thẩm định, trình Tổng Cục trưởng dự thảo Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Tổng cục và  dự thảo quyết định thành lập, giải thể cơ quan thi hành án dân sự; các phòng chuyên môn và tổ chức tương đương thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; thẩm định các đề án, văn bản kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Tổng cục;

c) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Tổng cục;

d) Giúp Tổng Cục trưởng quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

5. Về vị trí việc làm và biên chế

a) Hướng dẫn xây dựng, thẩm định Đề án vị trí việc làm và trình Bộ trưởng xem xét quyết định; quản lý vị trí việc làm đối với các đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

b) Hướng dẫn việc lập kế hoạch biên chế công chức, số lượng viên chức của các đơn vị thuộc Tổng cục và của các cơ quan thi hành án dân sự; tổng hợp, xây dựng kế hoạch biên chế công chức và số lượng viên chức của toàn hệ thống thi hành án dân sự để trình Tổng Cục trưởng quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Trình Tổng Cục trưởng quyết định giao biên chế công chức hàng năm đối với các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và số lượng người làm việc trong Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin;

6. Về công tác cán bộ

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức trong hệ thống thi hành án dân sự để Tổng Cục trưởng trình Bộ trưởng đề nghị Bộ Nội vụ ban hành; trình Tổng Cục trưởng đề nghị Bộ trưởng ban hành tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự; kiểm tra việc bố trí cán bộ và thực hiện tiêu chuẩn này;

b) Giúp Tổng Cục trưởng tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức, chuyển chức danh nghề nghiệp viên chức; nâng lương; quy hoạch cán bộ; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, từ chức; nghỉ hưu, thôi việc, nghỉ không hưởng lương; tiếp nhận, điều động, biệt phái, chuyển công tác, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; đánh giá cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập; quản lý hồ sơ công chức, hồ sơ bảo hiểm xã hội; kỷ luật; thực hiện các chế độ chính sách khác đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các đơn vị thuộc Tổng cục, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Tổng cục;

[...]