Quyết định 09/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 09/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/05/2007
Ngày có hiệu lực 20/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Vũ Hoàng Hà
Lĩnh vực Doanh nghiệp

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 09/2007/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 10 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy định kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thực hiện sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 66/2002/QĐ-UB ngày 26/6/2002 của UBND tỉnh.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ sở sản xuất làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2007/QĐ-UBND ngày 10/5/2007 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng.

Quy định này quy định một số chính sách khuyến khích phát triển đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, hộ gia đình và doanh nghiệp “đầu mối” hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới (dưới đây gọi tắt là cơ sở sản xuất làng nghề) được xác định trong Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 786/2006/QĐ-UBND ngày 08/11/2006.

Điều 2. Một số từ ngữ trong quy định này được hiểu như sau.

1. Doanh nghiệp “đầu mối” trong các làng nghề là tên gọi chung của các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động cung ứng vật tư, nguyên liệu chính phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cung ứng các dịch vụ khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề.

2. Hỗ trợ: Là khoản kinh phí của Nhà nước cấp phát (không thu hồi) theo nội dung khuyến khích của Quy định này.

3. Dự án đầu tư sản xuất mới là dự án đầu tư sản xuất sản phẩm được đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng hoặc tính năng sử dụng nhưng vẫn sử dụng các nguyên liệu như sản phẩm truyền thống đang sản xuất tại làng nghề hoặc sản xuất các sản phẩm nhưng chưa có cơ sở nào trong tỉnh sản xuất được, hoặc được du nhập từ ngoài tỉnh và phát triển thành làng nghề mới, đạt các tiêu chí theo quy định.

Chương II

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN

Điều 3. Mặt bằng, cơ sở hạ tầng làng nghề.

1. Các cơ sở sản xuất làng nghề có dự án đầu tư phát triển khả thi được chuyển mục đích sử dụng đất sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp đối với đất đang sử dụng hoặc được giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất nêu trên; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 20%. Riêng đối với các cơ sở sản xuất làng nghề thuộc các huyện miền núi, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.

2. Các cơ sở sản xuất làng nghề được hỗ trợ bê tông xi măng xây dựng đường dẫn (trục chính) vào làng nghề theo quy định (mặt đường bê tông rộng 3,5m, dày 0,2m) với mức ngân sách tỉnh hỗ trợ 120 tấn xi măng/km; ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 30% giá trị dự án; phần còn lại do nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp. Riêng đối với làng nghề thuộc các huyện miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.

3. Các cơ sở sản xuất làng nghề được hỗ trợ đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp trục chính trong làng nghề với mức 50% kinh phí dự toán được duyệt nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 20%.

[...]