Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 08/2017/QĐ-UBND Quy định về đảm bảo an toàn phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 08/2017/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/03/2017
Ngày có hiệu lực 01/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2017/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA THÔ SƠ CÓ TRỌNG TẢI TOÀN PHẦN DƯỚI 1 TẤN HOẶC CÓ SỨC CHỞ DƯỚI 5 NGƯỜI HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 24/2015/NĐ-CP ngày 27/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại tờ trình số 1594/TTr-SGTVT ngày 15/12/2016 về việc ban hành Quy định về đảm bảo an toàn phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội và Báo cáo thẩm định số 2479/STP-VBPQ ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về đảm bảo an toàn phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 04 năm 2017 và thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND thành phố Hà Nội.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Đ/c Phó chủ tịch UBND TP;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: GTVT, CA, TP;
- Các Ban HĐND TP;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các báo, đài: HNM, KTĐT, ANTĐ, Đài PT&THHN; (để đưa tin)
- Cổng giao tiếp điện tử HN, Trung tâm THCB;
- VPUB: Các PCVP; Phòng. ĐTG, NC, TH, TKBT, KGVX;
- Lưu: VT, ĐT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA THÔ SƠ CÓ TRỌNG TẢI TOÀN PHẦN DƯỚI 1 TẤN HOẶC CÓ SỨC CHỞ DƯỚI 5 NGƯỜI HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 08/2017/QĐ-UBND ngày 01 tháng 5 năm 2017 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về điều kiện an toàn, cách xác định các kích thước cơ bản, xác định sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn và công tác quản lý đối với phương tiện thủy nội địa thô sơ khi hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Quy định này áp dụng đối với các cá nhân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, các tổ chức có trụ sở cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội có sử dụng, kinh doanh phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người.

Quy định này không áp dụng đối với phương tiện thủy làm nhiệm vụ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tàu cá và thể thao.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Phương tiện thủy nội địa thô sơ (sau đây gọi là phương tiện thủy thô sơ ): là phương tiện không có động cơ, chỉ di chuyển bằng sức người hoặc sức gió, sức nước, bao gồm: thuyền, đò chèo tay, phương tiện gia dụng, bè, xe đạp nước, phao nổi, ụ nổi, bóng nước.

2. Điều kiện an toàn: là các điều kiện bắt buộc của phương tiện để đảm bảo an toàn trong quá trình phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa.

3. Các kích thước cơ bản bao gồm: chiều dài lớn nhất, chiều rộng lớn nhất, chiều cao mạn và phần chìm trong nước của phương tiện.

4. Mạn khô là chiều cao của phần thân phương tiện từ mép trên vạch dấu mớn nước an toàn đến mép mạn ở giữa chiều dài lớn nhất.

[...]