UỶ BAN DÂN TỘC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số: 08/2008/QĐ-UBDT
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN,
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA UỶ BAN DÂN TỘC TỪ NĂM 2008 ĐẾN NĂM 2012
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN TỘC
Căn
cứ Nghị định số 60/2008/NĐ-CP ngày 9/5/2008 của Chính phủ quy định chức năng
nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục
thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
(Khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân;
Căn cứ Quyết định 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban Dân tộc từ năm 2008 đến
năm 2012
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành
sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh
Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Uỷ
ban, Trưởng Ban Dân tộc các địa phương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Giàng Seo Phử
|
CHƯƠNG TRÌNH
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA UỶ
BAN DÂN TỘC TỪ NĂM 2008 ĐẾN NĂM 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-UBDT ngày
18/12/2008 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Quán triệt đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, mục đích và tầm quan
trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc,
tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của
cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc và các đối tượng
có trách nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi của các văn bản quy phạm
pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong
lĩnh vực công tác dân tộc.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Phổ biến kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật
cần thiết tới cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan làm công tác
dân tộc, bảo đảm từ 95% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành trở lên được cập
nhật các kiến thức pháp luật phù hợp để áp dụng, triển khai tốt công việc
chuyên môn theo quy định.
b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với đồng bào dân tộc
thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đạt từ 80-90%, chú trọng tới các đối
tượng có trách nhiệm thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công tác
dân tộc để bảo đảm tính thực thi của pháp luật, qua đó góp phần hạn chế và ngăn
ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc.
c) Có kế hoạch nội dung cụ thể, lâu dài, nâng cao chất lượng
đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác dân tộc ở Trung
ương và địa phương.
d) Xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp hoạt động giữa các Vụ,
đơn vị của Uỷ ban Dân tộc, giữa Uỷ ban Dân tộc với các Bộ, cơ quan có liên quan
và giữa Ban Dân tộc với các ban, ngành có liên quan của địa phương trong chỉ đạo,
tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, công chức
trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc.
đ) Xây dựng, bổ sung tài liệu, Tủ sách pháp luật, thiết bị
phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành.
e) Đa dạng hoá và nâng cao hiệu quả các hình thức phổ biến,
giáo dục pháp luật trong và ngoài cơ quan Uỷ ban Dân tộc.
II. YÊU CẦU
1. Kế thừa kết quả, bảo đảm tính liên tục và pháp triển
trong việc thực hiện các nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền cho các đối
tượng đã được đề ra trong chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh
vực dân tộc từ năm 2003 đến năm 2007 của Uỷ ban Dân tộc.
2. Đa dạng hoá về nội dung, hình thực phổ biến, giáo dục
pháp luật, bảo đảo sự kết hợp hài hoà giữa các hình thức phổ biến, giáo dục
pháp luật truyền thống và những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đang được
áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn; lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp với
cho từng đối tượng, từng địa bàn.
3. Phổ biến, giáo dục pháp luật phải đảm bảo tính đồng bộ,
toàn diện, phù hợp, hiệu quả. Chương trình không chỉ cung cấp thông tin, phổ biến,
giáo dục pháp luật mà còn bao gồm cả vận động cán bộ, nhân dân chấp hành pháp
luật nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân,
hạn chế vi phạm pháp luật.
4. Gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức,
giáo dục văn hoá truyền thống và bồi dưỡng, rèn luyện ý thức tự nguyện, tự giác
tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, nhân dân. Công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành đồng bộ với việc tổ chức
thực hiện pháp luật và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
5. Bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện có hiệu quả đặc biệt
là ở những địa bàn xảy ra nhiều vi phạm pháp luật như vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, đồng bào vùng biên giới. Huy động các nguồn lực của cộng đồng và sự hỗ trợ
của các tổ chức nước ngoài tham gia vào công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục
pháp luật, vận động nhân dân chấp hành và thực thi pháp luật.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG
1. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên
chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc
- Phổ biến, quán triệt, triển khai các Luật, Pháp lệnh, Nghị
định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dân tộc,
công tác dân tộc; Các văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban Dân tộc ban hành
theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ để ban hành theo thẩm
quyền và kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản này.
- Phổ biến, quán triệt, học tập các quy định pháp luật về
cán bộ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, phòng
chống tội phạm, hội nhập kinh tế quốc tế; bình đẳng giới; phòng, chống các tệ nạn
xã hội; an toàn giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện quy chế dân chủ
cơ sở; phát huy truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; quy chế thực hiện
dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị …
- Đối với cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương: phổ biến,
quán triệt gắn với việc triển khai kế hoạch thực hiện các văn bản quy phạm pháp
luật về dân tộc, công tác dân tộc tại địa phương.
2. Phổ biến pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng
bào vùng biên giới:
Phổ biến sâu rộng về đường lối chủ trương, chính sách dân tộc
của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết, các chủ trương của địa
phương về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh biên giới; các quy định pháp luật
gắn trực tiếp với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên
giới như quy định pháp luật về đất đai, bảo vệ phát triển rừng, khiếu nại, tố
cáo, phòng chống ma tuý, hôn nhân và gia đình; phổ biến giáo dục kiến thức và
chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động
đồng bào dân tộc thiểu số phát huy các phong tục tập quán và truyền thống tốt đẹp
của dân tộc mình phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới; an toàn giao thông, bảo vệ
môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách chế độ mà người dân được hưởng,
các quy định về thực hiện quy chế dân chủ phù hợp với các đặc thù địa bàn nông
thôn miền núi. Phổ biến và hướng dẫn đồng bào dân tộc thực hiện các quyền,
nghĩa vụ cụ thể theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; gắn với việc vận
động đồng bào các dân tộc định canh định cư, xoá đói giảm nghèo …
IV. CÁC HÌNH THỨC VÀ BIỆN PHÁP
Đa dạng hoá các hình thức và nội dung phổ biến giáo dục
pháp luật trong đó chú trọng tập trung vào một số hình thức chính sau đây:
1. Tăng cường nội dung giới thiệu các quy định pháp luật
thông qua hình thức tuyên truyền miệng;
2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các
phương tiện thông tin đại chúng;
3. Đa dạng hoá các tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật, bao gồm: Bản tin, sách, tờ gấp, băng, đĩa hình, đĩa tiếng, lịch, pa
nô, áp phích … chú trọng tài liệu song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số,
đồng bào vùng biên giới;
4. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu từ
tủ sách pháp luật của cơ quan. Tiến tới kết hợp mô hình tủ sách pháp luật truyền
thống với tủ sách pháp luật điện tử;
5. Đổi mới các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt
văn hoá, văn nghệ, lễ hội truyền thống của các dân tộc có lồng ghép về nội dung
pháp luật;
6. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực công tác dân tộc;
7. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông
qua việc xây dựng quy chế của cơ quan, điều lệ của các tổ chức đoàn thể xã hội;
thực hiện lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác đang được triển
khai tại địa phương; phát động các đợt cao điểm, tháng cao điểm trong việc thực
hiện, chấp hành pháp luật.
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Quán triệt các văn bản chỉ đạo, các quy định về công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật.
Quán triệt và tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị
32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức
chấp hành pháp luật cuả cán bộ, nhân dân; Thông báo kết luận số 74-TB/TW ngày
11 tháng 5 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về việc tiếp tục thực
hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban
Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng,
hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, nhất là những nội
dung có liên quan đến hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên của cácc bộ,
ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương; Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP
ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị
32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) và
Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012.
2. Thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục
pháp luật của Uỷ ban Dân tộc.
3. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật từ trung ương đến địa phương là các cán bộ pháp chế, cán bộ, công chức
kiêm nhiệm làm công tác pháp chế.
4. Phát triển mạnh mẽ các loại hình tư vấn pháp luật, trợ
giúp pháp lý, cung cấp văn bản pháp luật, sử dụng triệt để công nghệ thông tin
trong phổ biến, giáo dục pháp luật, thử nghiệm hình thức giải đáp pháp luật trực
tuyến trên mạng Internet.
Tăng cường kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với trợ
giúp pháp lý lưu động cho các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa,
vùng đồng bào dân tộc đáp ứng nhu cầu được giải đáp pháp luật của đồng bào dân
tộc thiểu số.
Thử nghiệm hình thức giải đáp pháp luật qua thư điện tử, gửi
ý kiến giải đáp qua đường bưu điện và thực hiện các buổi giao lưu trực tuyến
trên mạng Internet. Xây dựng trang thông tin điện tử (Website) cung cấp các văn
bản pháp luật miễn phí.
VI. KINH PHÍ
Uỷ ban Dân tộc, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm bố trí ngân sách bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật theo chức năng nhiệm vụ được giao. Việc lập dự toán, quản lý, sử
dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến
giáo dục pháp luật được thực hiện theo Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng
8 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm
cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản khác có liên quan.
Khi xây dựng các dự án, đề án của Uỷ ban Dân tộc, các đơn vị
cần bổ sung các hoạt động và bố trí kinh phí riêng cho việc xây dựng thể chế và
triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng
thụ hưởng và có liên quan.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật của Uỷ ban Dân tộc.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội đồng phối hợp
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban Dân tộc có trách nhiệm tổ chức
triển khai Chương trình này.
2. Trách nhiệm của các Vụ, đơn vị của Uỷ ban
a) Vụ Pháp chế có trách nhiệm là Trường trực của Hội đồng
phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban; đầu mối phối hợp với
các Vụ, đơn vị để triển khai thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật
trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.
- Xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm
và dài hạn của Uỷ ban Dân tộc trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phê duyệt;
hướng dẫn hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc ở địa phương xây dựng kế hoạch
hằng năm về phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng
bào vùng biên giới và đưa công tác này vào nề nếp; chủ trì, đôn đốc các đơn vị
thuộc Uỷ ban Dân tộc và Ban Dân tộc các tỉnh thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị thuộc Bộ, ngành có
liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức của Uỷ ban
Dân tộc; biên soạn tài liệu, xây dựng đề cương, hướng dẫn nội dung phổ biến các
văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc cho cán bộ, công chức và đồng
bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
Tư pháp, Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây
dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân
nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày
12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng chính phủ.
- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật về dân tộc; đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành
tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác dân tộc theo quy định
và đề nghị Bộ Tư pháp trình cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với cơ quan,
đơn vị, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng biên
giới.
b) Các Vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Vụ
Pháp chế trong việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công
tác dân tộc:
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Uỷ ban có trách nhiệm
triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức,
viên chức trong đơn vị mình theo chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về
dân tộc từ năm 2008-2012 và kế hoạch hằng năm của Uỷ ban Dân tộc.
- Văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị nào được Bộ trưởng,
Chủ nhiệm phân công chủ trì soạn thảo thì đơn vị đó chủ động phối hợp với Vụ
Pháp chế thực hiện việc phổ biến văn bản sau khi đã được cấp có thẩm quyền ban
hành.
c) Vụ Kế hoạch – Tài chính
Trên cơ sở kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được
phê duyệt, Vụ kế hoạch – Tài chính có trách nhiệm cân đối kinh phí trong dự
toán hằng năm của Uỷ ban Dân tộc để bố trí ngân sách bảo đảm cho hoạt động phổ
biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban Dân tộc; hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc
quản lý và sử dụng kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định.
3. Cơ quan làm công tác dân tộc ở địa phương:
- Căn cứ vào chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về
lĩnh vực công tác dân tộc giai đoạn 2008-2012 và kế hoạch hằng năm do Uỷ ban
Dân tộc ban hành và Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Bộ
Tài chính để xây dựng kế hoạch, dự toán chi hằng năm của Ban Dân tộc để báo cáo
Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách hằng năm
của địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
theo chế độ tài chính hiện hành, trong đó có chế độ hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo
viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên và những người làm công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Phối hợp với Sở Tư pháp, Đài truyền hình, Đài phát thanh
và các ban, ngành có liên quan của tỉnh để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật cho nhân dân và các đối tượng có liên quan hiểu được quy định của
pháp luật, chế độ, chính sách về lĩnh vực công tác dân tộc mà họ phải thực hiện
hoặc được thụ hưởng.
- Định kỳ hằng năm tiến hành sơ kết, tổng kết hoạt động và
có báo cáo Uỷ ban Dân tộc qua Vụ Pháp chế trước ngày 15 tháng 6 và ngày 15
tháng 11 hằng năm về kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
trên địa bàn.
- Quán triệt và tổ chức triển khai Chương trình phổ biến,
giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008-2012 (Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg
ngày 12 tháng 3 năm 2008) và Chương trình Phổ biến giáo dục của Uỷ ban Dân tộc
từ năm 2008 đến năm 2012 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ban hành.
VIII. KIỂM TRA, SƠ KẾT, TỔNG KẾT
1. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của
Uỷ ban Dân tộc và Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường
xuyên tổ chức kiểm tra nắm tình hình triển khai chương trình, kế hoạch, kịp thời
phát hiện những vấn đề bất cập, nảy sinh để điều chỉnh cho phù hợp.
2. Tiến hành sơ kết chương trình phổ biến giáo dục pháp luật
của Uỷ ban Dân tộc vào năm 2010 và tổng kết vào năm 2012 đồng thời có đề xuất
phương án khen thưởng, kỷ luật hằng năm phù hợp theo quy định của pháp luật./.