Quyết định 04/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 04/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/01/2024
Ngày có hiệu lực 05/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/QĐ-TTg

Hà Nội ngày 05 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CHÙA THẦY VÀ KHU VỰC NÚI ĐÁ SÀI SƠN, HOÀNG XÁ, PHƯỢNG CÁCH, HUYỆN QUỐC OAI, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, với những nội dung sau:

1. Phạm vi, quy mô và ranh giới lập quy hoạch

a) Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: Diện tích khoảng 98,30 ha, bao gồm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và vùng đệm, nằm trên địa bàn xã Sài Sơn, xã Phượng Cách, xã Yên Sơn và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

b) Quy mô lập quy hoạch: Diện tích khoảng 40,51 ha, gồm: Toàn bộ phần đất thuộc khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, khoảng 33,33 ha (xác định trong Hồ sơ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt) và phần đất mở rộng nằm liền kề di tích, khoảng 7,18 ha để nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào khu vực bảo vệ II nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích (nếu cần thiết).

Quy mô và ranh giới được thể hiện tại Bản đồ Phạm vi lập quy hoạch và xác định cụ thể tại bước tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch.

2. Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch

a) Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, bao gồm các cụm, điểm di tích: Khu núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; cụm di tích Chùa Thầy; cụm di tích núi - động Hoàng Xá; điểm di tích Quán Tam Xã.

b) Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống gắn với di tích.

c) Các yếu tố về kinh tế - xã hội, dân cư, môi trường, các thể chế và chính sách có liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và thực trạng đầu tư xây dựng, tình hình sử dụng đất tại khu vực lập quy hoạch.

d) Mối liên hệ của di tích với các di tích khác lân cận, làm cơ sở phát triển các dịch vụ du lịch, kết nối tuyến du lịch và phát triển sản phẩm du lịch.

3. Mục tiêu lập quy hoạch

a) Bảo tồn, gìn giữ lâu dài các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, địa chất, địa mạo của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách.

b) Phát huy và khai thác có hiệu quả các giá trị của di tích, hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nguồn thu cho địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nguồn lực để bảo tồn di tích.

c) Xác định ranh giới bảo vệ, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư bảo tồn, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

d) Làm cơ sở pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thu hút nguồn lực đầu tư và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định về quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và các giải pháp quản lý, bảo vệ di tích theo quy hoạch.

4. Tính chất khu vực lập quy hoạch

[...]