QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN,
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ CẦN THƠ
(Ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2008 của Ủy
ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ
của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật
1. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật thành phố Cần Thơ (sau đây gọi tắt là Hội đồng) là tổ chức
phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật; duy trì hoạt động phối hợp giữa các cơ quan nhà nước
với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội
nghề nghiệp, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
2. Trên cơ sở kế hoạch và hướng dẫn của Hội
đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, Hội đồng có
nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn
đốc đối với các ngành, các cấp và địa phương về công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật; sơ kết, tổng kết và tổ chức thi đua, khen thưởng về công
tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi thành phố; thực hiện
một số nhiệm vụ khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 2. Nguyên tắc làm việc
của Hội đồng
1. Hội đồng làm việc tập thể, quyết định
các vấn đề theo nguyên tắc đa số.
2. Các thành viên Hội đồng là người được
cơ quan, ban ngành, tổ chức nơi người đó đang công tác cử làm đại diện, làm việc
theo chế độ kiêm nhiệm.
3. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc vừa
phát huy tính chủ động của mỗi thành viên, vừa bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ thường
xuyên giữa các thành viên, giữa cơ quan thường trực và cơ quan tổ chức có đại
diện là thành viên Hội đồng.
Điều 3. Phương thức hoạt động
của Hội đồng
1. Hội đồng hoạt động theo đề án, chương
trình, kế hoạch, cụ thể do Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng thông qua.
2. Hoạt động của Hội đồng được triển khai
theo phương thức vừa bao quát, toàn diện các hoạt động phối hợp công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật, vừa phân công phụ trách từng mảng công việc theo đối tượng,
lĩnh vực phổ biến giáo dục pháp luật.
3. Các thành viên của Hội đồng phải thường
xuyên trao đổi, thống nhất chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật
đáp ứng nhiệm vụ trong từng thời kỳ, có phân công trách nhiệm từng ngành trong
công tác này.
Điều 4. Kết luận của Hội đồng
1. Các kết luận của Hội đồng được thông qua tại phiên
họp toàn thể của Hội đồng.
2. Trong trường hợp Hội đồng không họp, kết
luận của Hội đồng có thể được Chủ tịch Hội đồng ban hành sau khi xin ý kiến bằng
văn bản các thành viên của Hội đồng.
Điều 5. Mối quan hệ
giữa Hội đồng với các ban ngành, đoàn thể và Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật quận, huyện
1. Hội đồng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
hoạt động phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các ban ngành,
đoàn thể và Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện.
2. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành
phố và Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện có
trách nhiệm báo cáo thường xuyên về tình hình hoạt động phổ biến, giáo dục pháp
luật với Hội đồng.
Chương II
TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 6. Cơ cấu tổ chức của Hội
đồng
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng gồm:
- Chủ tịch Hội đồng;
- Các Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Thành viên Hội đồng;
- Các Ban của Hội đồng;
- Cơ quan thường trực của Hội đồng.
Điều 7. Hội nghị toàn
thể Hội đồng
Hội nghị toàn thể các thành viên của Hội đồng là
cơ quan cao nhất của Hội đồng được tiến hành thường kỳ hoặc đột xuất do Chủ tịch
Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng triệu tập và chủ trì để giải
quyết các công việc được quy định tại Điều 12 của Quy chế này.
Điều 8. Chủ tịch Hội đồng,
các Phó Chủ tịch Hội đồng
1. Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng, chỉ
đạo hoạt động của cơ quan thường trực Hội đồng;
b) Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, các
Ban của Hội đồng và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đã giao;
c) Thay mặt Hội đồng ban hành Kế hoạch tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hàng quý, hàng năm và các kết luận khác của
Hội đồng;
d) Duyệt kế hoạch tài chính, kinh phí hàng năm
cho hoạt động của Hội đồng; quyết định việc quy định và phân bổ sử dụng kinh
phí từ các nguồn khác để hỗ trợ công tác;
đ) Định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố
tình hình phổ biến, giáo dục pháp luật trong thành phố; quyết định khen thưởng
các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật theo đề nghị của các ngành, các cấp, của cơ quan thường trực sau khi
tham khảo ý kiến thành viên của Hội đồng;
e) Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động Hội đồng Phối hợp
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện, xã;
g) Giải quyết công việc khác thuộc nhiệm vụ, quyền
hạn của Hội đồng và cơ quan thường trực của Hội đồng.
2. Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng và
các Phó Chủ tịch khác:
a) Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là Giám đốc
Sở Tư pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Giúp Chủ tịch Hội đồng thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn theo quy định tại khoản 1 Điều này;
- Chỉ đạo hoạt động của Hội đồng khi Chủ tịch Hội
đồng phân công hoặc ủy quyền;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại
Điều 10 Quy chế này.
b) Các Phó Chủ tịch khác của Hội đồng, đồng thời
là các Trưởng ban có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Chỉ đạo, điều hành thành viên của Hội đồng được
phân công phụ trách;
- Phối hợp với Cơ quan thường trực Hội đồng thực
hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 10 Quy chế này;
- Giúp Chủ tịch Hội đồng theo dõi hoạt động kiểm
tra và khen thưởng của Hội đồng;
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo ủy quyền của Chủ
tịch Hội đồng.
Điều 9. Các thành viên của Hội
đồng
1. Các thành viên của Hội đồng có nhiệm vụ,
quyền hạn sau đây:
a) Tham gia vào một Ban của Hội đồng;
b) Tham dự các phiên họp của Hội đồng; trong trường
hợp không thể tham dự phiên họp, các thành viên Hội đồng thông báo cho cơ quan
thường trực Hội đồng và gửi ý kiến của mình về vấn đề được thảo luận tại phiên
họp để cơ quan thường trực tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng;
c) Thực hiện các công việc được Chủ tịch Hội đồng
phân công;
d) Đề xuất với Hội đồng các biện pháp nhằm bảo đảm
hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phối hợp tổ chức thực hiện, đề
nghị Hội đồng hỗ trợ, tạo điều kiện để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật ở đơn vị mình;
đ) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực
hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, của thành phố và thường
xuyên thông tin cho cơ quan thường trực về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm
vụ được giao;
e) Được cung cấp các tài liệu phổ biến, giáo dục
pháp luật.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, các
thành viên Hội đồng sử dụng và phát huy vai trò tham mưu, giúp việc của tổ chức
pháp chế và các tổ chức có liên quan của cơ quan, tổ chức mình.
Điều 10. Cơ quan thường
trực của Hội đồng
Cơ quan thường trực của Hội đồng là Sở Tư pháp
có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Chủ trì trong việc chuẩn bị các dự thảo
chương trình, kế hoạch hoạt động và các văn bản khác của Hội đồng; dự toán kinh
phí hoạt động của Hội đồng; dự kiến kế hoạch từ các nguồn kinh phí hỗ trợ khác
để phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành,
đoàn thể, tổ chức là thành viên của Hội đồng để tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo,
hội nghị sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật
theo quyết định của Hội đồng.
3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành,
các cấp tổng hợp tình hình phối hợp triển khai thực hiện công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật để Hội đồng thông qua và báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố
và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ.
4. Chuẩn bị nội dung, tổ chức các phiên họp
và các hoạt động khác của Hội đồng; theo dõi các kết luận của Hội đồng và định
kỳ báo cáo Hội đồng.
5. Thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và
đột xuất do Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng giao.
Điều 11. Các Ban của Hội đồng
1. Hội đồng gồm 5 Ban hoạt động như sau:
a) Ban 1: Phối
hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
- Trưởng ban: Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam thành phố - Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Các thành viên phối hợp hoạt động gồm Văn
phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Sở Văn
hóa - Thông tin, Sở Tư pháp;
- Mời Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên
hiệp phụ nữ, Hội Luật gia, Báo Cần Thơ tham gia.
b) Ban 2: Phối hợp thực hiện công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, cán bộ quản lý, người sử dụng lao động.
- Trưởng ban: Giám đốc Sở Tư pháp - Phó Chủ tịch
Thường trực Hội đồng;
- Các thành viên phối hợp hoạt động gồm Sở Nội vụ,
Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố;
- Mời Liên đoàn Lao động, Ban Tuyên giáo Thành ủy
tham gia.
c) Ban 3: Phối hợp thực hiện công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên.
- Trưởng ban: Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
- Ủy viên Hội đồng;
- Các thành viên phối hợp hoạt động gồm Ủy ban
Dân số, Gia đình và Trẻ em, Sở Tư pháp;
- Mời Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành
phố tham gia.
d) Ban 4: Phối hợp thực hiện công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật cho lực lượng Công an nhân dân, do Phó Giám đốc Công an
thành phố - Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng ban, Sở Tư pháp cùng tham gia.
đ) Ban 5: Phối hợp trong công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật cho lực lượng Quân đội nhân dân, lực lượng Dân quân tự vệ, do đại
diện Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố - Ủy viên Hội đồng làm Trưởng ban, Sở Tư pháp
cùng tham gia.
2. Căn cứ vào đối tượng, lĩnh vực phổ biến,
giáo dục pháp luật được giao, các Ban của Hội đồng có thể phân công các thành
viên phụ trách từng loại đối tượng, lĩnh vực hoặc từng hình thức phổ biến, giáo
dục pháp luật để phát huy tính chủ động và tính chuyên môn sâu trong công việc
của Ban.
3. Các Ban của Hội đồng thực hiện các nhiệm
vụ được quy định tại Điều 12 của Quy chế này.
Chương III
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 12. Phiên họp toàn thể
của Hội đồng
Hội đồng họp toàn thể 6 tháng một lần, gắn với
việc họp của các Ban để giải quyết các vấn đề sau đây:
1. Đề ra chương trình, kế hoạch phổ biến,
giáo dục pháp luật 6 tháng, hàng năm để các cấp, các ngành phối hợp thực hiện;
thông qua chương trình hoạt động 6 tháng, hàng năm của Hội đồng.
2. Thông qua báo cáo sơ kết 6 tháng và tổng
kết hàng năm về tình hình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và
kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác
này.
3. Cho ý kiến về chương trình hoạt động của
Hội đồng, tạo điều kiện để các Ban thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp
luật theo đối tượng, lĩnh vực được phân công.
4. Thông qua kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng các cấp.
5. Đề ra kế hoạch, chương trình xây dựng
và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền
viên pháp luật.
6. Quyết định tổ chức các hoạt động khảo
sát, điều tra, kiểm tra để đề ra biện pháp tăng cường phối hợp công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật.
7. Thông qua kế hoạch triển khai các văn
bản pháp luật hiện hành, văn bản mới của địa phương.
8. Cho ý kiến về phương hướng huy động, sử
dụng kinh phí ngân sách để hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
9. Quyết định những vấn đề khác theo đề
nghị của Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng hoặc các thành viên Hội đồng.
10. Đề ra chương trình hoạt động chung của
các Ban; phối hợp hỗ trợ chỉ đạo điểm để mở rộng các mô hình phổ biến, giáo dục
pháp luật có hiệu quả.
Ngoài hình thức giải quyết các công việc tại
phiên họp, các Ban của Hội đồng có thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn bằng các
phương thức khác theo quyết định của Trưởng ban.
Điều 13. Cuộc họp giữa Chủ
tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch Hội đồng
Theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch
thường trực Hội đồng, cơ quan thường trực tổ chức cuộc họp giữa Chủ tịch và các
Phó Chủ tịch Hội đồng để giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác phối hợp
của Hội đồng.
Điều 14. Gửi văn bản xin ý
kiến các thành viên Hội đồng
1. Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng
gửi văn bản liên quan đến việc giải quyết công việc của Hội đồng để xin ý kiến
các thành viên của Hội đồng khi không triệu tập phiên họp toàn thể.
2. Cơ quan thường trực Hội đồng tập hợp ý
kiến của các thành viên, báo cáo Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội
đồng quyết định.
Điều 15. Ban hành,
sao chụp gửi kết luận của Hội đồng
1. Kết luận của Hội đồng do Chủ tịch Hội
đồng hoặc Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng ký ban hành.
2. Kết luận của Hội đồng được cơ quan thường
trực sao chụp, gửi đến các thành viên Hội đồng, các ngành, các cấp có liên quan,
các Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện để chỉ đạo
thực hiện.
Điều 16. Chế độ thông tin,
báo cáo
Các Ban của Hội đồng định kỳ 6 tháng có báo cáo
về tình hình tổ chức và hoạt động của Ban về cơ quan thường trực Hội đồng.
Cơ quan thường trực của Hội đồng thường xuyên giữ
mối liên hệ với các Ban để trao đổi thông tin, trao đổi về công việc có liên
quan đến tổ chức và hoạt động của các Ban cũng như toàn bộ hoạt động của Hội đồng
và thông báo đến các thành viên Hội đồng biết.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 17. Trụ sở của Hội đồng, cơ quan thường trực của Hội đồng đặt tại
Sở Tư pháp. Hội đồng sử dụng con dấu của Sở Tư pháp trong hoạt động của mình.
Điều 18. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện
Quy chế này được khen thưởng theo quy định của pháp luật; đồng thời phê bình,
kiểm điểm hoặc không xét thi đua vào cuối năm đối với các cơ quan tổ chức, cá
nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao./.