ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2009/QĐ-UBND
|
Hưng Yên, ngày
11 tháng 3 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN THU HÚT SINH VIÊN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CHÍNH QUY VỀ LÀM CÔNG
CHỨC DỰ BỊ TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày
10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số
121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán
bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị quyết số 121/2008/NQ-HĐND ngày
25/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc thu hút sinh viên có
trình độ đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn;
Công văn số 259/HĐND-VP ngày 31/12/2008 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh
về thống nhất ban hành Đề án; Thông báo số 573-TB/TU ngày 27/02/2009 của Ban
Thường vụ Tỉnh uỷ về một số nội dung của Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại
học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn;
Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số
71/TTr-SNV ngày 03/3/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thu hút sinh
viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn
trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Nội
vụ, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn
căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Cường
|
ĐỀ ÁN
THU
HÚT SINH VIÊN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CHÍNH QUY VỀ LÀM CÔNG CHỨC DỰ BỊ TẠI XÃ, PHƯỜNG,
THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2009/QĐ-UBND ngày 11/3/2009 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh)
I. CƠ SỞ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết
số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng
(khoá X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và
chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên;
Căn cứ Nghị định
số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường,
thị trấn; Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ,
chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ quy định tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức
xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày
16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Thực hiện Thông báo số 393-TB/TU ngày 16/5/2008 của
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ cho bộ máy xã, phường,
thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và nhu cầu thực tế ở địa phương.
II. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
CHUYÊN TRÁCH VÀ CÔNG CHỨC CẤP XÃ TỈNH HƯNG YÊN
1. Thực trạng đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp
xã:
Số cán bộ chuyên trách toàn tỉnh là 1.650 người (thiếu
09 người so với biên chế được giao). Trình độ chuyên môn: đạt chuẩn trở lên
675 người (tỷ lệ 40,91%) trong đó: đại học 161 người (tỷ lệ 9,76%), cao đẳng 17
người (tỷ lệ 1,03%), trung cấp 497 người (tỷ lệ 30,12%). Số chưa đạt chuẩn 975
người (tỷ lệ 59,09%) trong đó: 34 người trình độ sơ cấp (tỷ lệ 2,06%), 941 người
chưa qua đào tạo (tỷ lệ 57,03%).
Căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số
04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì các chức danh cán bộ
chuyên trách như: Bí thư, Phó Bí thư và Thường trực Đảng uỷ; Chủ tịch và Phó Chủ
tịch HĐND; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực đồng bằng, đô thị phải
có trình độ chính trị và trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Các chức
danh cán bộ chuyên trách còn lại là trưởng các đoàn thể phải có trình độ học vấn
tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực
công tác.
Vì vậy, việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội
ngũ này là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với cấp chính quyền cơ sở nhằm phục
vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà.
2. Thực trạng đội ngũ công chức cấp xã:
Về trình độ chuyên môn: số công chức trong biên chế
toàn tỉnh là 1.083 người, đạt chuẩn trở lên 875 người (tỷ lệ 80,79%), trong đó:
819 người trình độ trung cấp (tỷ lệ 75,62%), 14 người trình độ cao đẳng (tỷ lệ
1,29%) và 42 người trình độ đại học (tỷ lệ 3,88%); chưa đạt chuẩn là 208 người
(tỷ lệ 19,21%) trong đó có: 201 người chưa qua đào tạo (tỷ lệ 18,57%); 07 người
trình độ sơ cấp (tỷ lệ 0,64%). Số cán bộ đang hợp đồng chờ thi công chức là 171
người, trong đó: trình độ đại học 9 người, cao đẳng 03 người, trung cấp 151 người,
sơ cấp 08 người. Số thiếu so với biên chế được giao là 29 người.
Căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số
04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì 07 chức danh công chức
cấp xã như Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Quân sự, Tài chính - Kế toán, Tư pháp
- Hộ tịch, Địa chính - Xây dựng, Văn phòng - Thống kê, Văn hoá - Xã hội phải có
trình độ chuyên môn trung cấp trở lên và có chuyên ngành đào tạo phù hợp chức
danh công chức đảm nhận.
Căn cứ Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003
của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày
14/5/2004 của liên bộ: Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và Xã
hội thì đến ngày 31/12/2006, 05 chức danh công chức cấp xã (Văn phòng - Thống
kê, Tư pháp - Hộ tịch, Địa chính - Xây dựng, Văn hoá - Xã hội và Tài chính - Kế
toán) phải đào tạo đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số
04/2004/QĐ-BNV, nếu không đạt chuẩn phải xem xét giải quyết từng trường hợp cụ
thể. Qua phân tích số liệu thống kê ở trên cho thấy số công chức cấp xã của tỉnh
còn gần 20% chưa đạt chuẩn về chuyên môn theo quy định tại Quyết định
04/2004/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
3. Sự cần thiết của Đề án:
Đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã là
lực lượng cán bộ nòng cốt ở cơ sở, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việc chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ, công chức cấp xã là đòi hỏi tất yếu, cấp thiết trong giai đoạn hiện
nay nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, chính quyền,
đoàn thể cấp xã.
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã theo hướng chuẩn
hoá, trẻ hoá phù hợp với tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương sáu (khóa X)
và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về xây dựng đội ngũ cán bộ và hệ
thống chính trị cơ sở đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện
đại hoá; từ thực trạng chất lượng chuyên môn của cán bộ chuyên trách và công chức
cấp xã, đặt ra nhu cầu phải nâng cao chất lượng cũng như bổ sung đội ngũ cán bộ
có trình độ đạt và trên chuẩn cho cấp xã là hết sức cần thiết.
Theo thống kê, đội ngũ cán bộ chuyên trách và công
chức cấp xã trong toàn tỉnh hiện nay có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở bậc đại
học, cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến
kết quả, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi
dành cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhằm tăng cường nguồn cán bộ có trình
độ đại học; nâng cao chất lượng chuyên môn và trẻ hoá đội ngũ cán bộ cấp xã; đồng
thời đây cũng là nguồn nhân lực bổ sung cán bộ, công chức cấp huyện, cấp tỉnh
sau này.
III. MỤC TIÊU BỔ SUNG NGUỒN CÁN
BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ
1. Đối với cán bộ chuyên trách:
Phấn đấu đến năm 2011, 100% cán bộ chuyên trách khối
Đảng, chính quyền chuẩn hoá về trình độ chuyên môn, chính trị, trong đó phấn đấu
từ 15% đến 20% có trình độ trên chuẩn. Cán bộ chuyên trách là trưởng các đoàn
thể có trình độ trung cấp chuyên môn, chính trị đạt trên 60% và thường xuyên được
bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn.
2. Đối với công chức cấp xã:
Phấn đấu đến năm 2010, 100% công chức đạt trình độ
chuyên môn trung cấp trở lên phù hợp chức danh đảm nhận, trong đó từ 25% đến
30% có trình độ đại học.
Mỗi xã cần bố trí từ 01 đến 02 sinh viên tốt nghiệp
đại học hệ chính quy vào làm công chức dự bị cấp xã. Phấn đấu đến năm 2010 bố
trí khoảng 250 đến 300 sinh viên vào làm công chức dự bị cấp xã.
Chú trọng công tác chính trị tư tưởng đảm bảo thống
nhất chủ trương trong đội ngũ cán bộ cơ sở khi tiếp nhận công chức dự bị về
công tác, giữ vững ổn định nội bộ.
IV. QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP
THU HÚT SINH VIÊN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CHÍNH QUY VỀ LÀM CÔNG CHỨC DỰ BỊ CẤP XÃ
1. Đối tượng, điều kiện và tiêu chuẩn tuyển dụng
1.1. Đối tượng tuyển dụng:
Tuyển dụng đối với sinh viên là người địa phương (có
hộ khẩu thường trú tại các huyện, thành phố trong tỉnh) đã tốt nghiệp đại học
chính quy, có chuyên ngành phù hợp hoặc tương đối phù hợp với chuyên môn của chức
danh được tuyển dụng, đáp ứng yêu cầu xây dựng bộ máy đảng, chính quyền, đoàn
thể cấp xã và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
1.2. Tiêu chuẩn, điều kiện:
Sinh viên thuộc các đối tượng trên cần có các tiêu
chuẩn, điều kiện sau:
- Lý lịch rõ ràng;
- Đơn và bản cam kết tự nguyện về công tác tại cấp
xã;
- Tuổi đời: không quá 30 tuổi (ba mươi tuổi);
- Phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khoẻ theo quy định.
2. Quy định về tuyển dụng, quản lý công chức dự
bị
2.1. Các chức danh tuyển dụng:
Căn cứ vào nhu cầu công việc, điều kiện thực tế của
địa phương, UBND cấp xã xem xét tiếp nhận từ 1 đến 2 sinh viên tốt nghiệp đại học
chính quy làm công chức dự bị xã, phường, thị trấn gồm các chức danh sau:
1- Văn phòng - Thống kê;
2- Tài chính - Kế toán;
3- Tư pháp - Hộ tịch;
4- Địa chính - Xây dựng;
5- Văn hoá - Xã hội;
6- Trưởng Công an;
7- Chỉ huy trưởng quân sự.
Khi tiếp nhận bố trí sinh viên tốt nghiệp đại học
chính quy về làm công chức dự bị tại cấp xã, ưu tiên những người có chuyên môn
phù hợp bố trí thay thế các chức danh công chức còn thiếu. Trong trường hợp cán
bộ chuyên trách và công chức cấp xã đã bố trí đủ theo biên chế được giao thì
UBND cấp xã được tiếp nhận từ 01 đến 02 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy
làm công chức dự bị bố trí đảm nhận trong số các chức danh cán bộ không chuyên
trách và công chức như sau:
* Cán bộ không chuyên trách:
1- Cán bộ Văn phòng Đảng uỷ;
2- Cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội;
3- Cán bộ Kế hoạch, giao thông, thuỷ lợi;
4- Cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh;
5- Cán bộ Dân số, Gia đình và Trẻ em.
* Công chức:
1- Văn phòng - Thống kê
2- Tài chính - Kế toán;
3- Tư pháp - Hộ tịch;
4- Địa chính - Xây dựng;
5- Văn hoá - Xã hội.
Số sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí làm công chức
dự bị đảm nhận các chức danh cán bộ không chuyên trách và công chức này là nguồn
cán bộ bổ sung kịp thời thay thế cho số cán bộ chuyên trách và công chức nghỉ
việc hoặc chuyển công tác.
2.2. Phương thức tuyển dụng, sử dụng, quản
lý:
Để ưu đãi, khuyến khích và thu hút sinh viên có
trình độ đại học chính quy phù hợp với chuyên môn các chức danh công chức về
làm công chức dự bị cấp xã đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng bộ máy đảng, chính
quyền, đoàn thể cấp xã và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cơ
sở. Việc tuyển dụng thực hiện bằng hình thức xét tuyển.
Việc xét tuyển số sinh viên này do UBND cấp xã xem
xét, tiếp nhận hồ sơ báo cáo UBND huyện, thành phố; UBND huyện thành lập Hội đồng,
tổ chức xét tuyển và báo cáo Sở Nội vụ thẩm định, phê duyệt kết quả xét tuyển để
UBND huyện, thành phố quyết định tuyển dụng (Sở Nội vụ có hướng dẫn riêng).
Đối với xã, phường, thị trấn còn thiếu các chức
danh công chức thì ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy
làm công chức dự bị đảm nhận các chức danh công chức còn thiếu.
Đối với xã, phường, thị trấn đã bố trí đủ các chức
danh công chức thì được tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy
làm công chức dự bị đảm nhận các chức danh cán bộ không chuyên trách, công chức.
Khi có cán bộ chuyên trách, công chức nghỉ việc hoặc chuyển công tác thì không
được tuyển dụng công chức mới mà bố trí ngay những công chức dự bị hiện đảm nhận
các chức danh cán bộ không chuyên trách, công chức thay thế các chức danh còn
thiếu.
Việc quản lý số công chức dự bị này do UBND cấp xã
trực tiếp quản lý điều hành, trả lương. Hết thời gian tập sự, UBND cấp xã xem
xét đánh giá quá trình làm việc và lấy ý kiến nhận xét của phòng chuyên môn có
liên quan cấp huyện về năng lực, chuyên môn của cán bộ đang công tác ở xã đó; nếu
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì đề nghị UBND huyện, thành phố bổ nhiệm vào
ngạch công chức và được nâng bậc lương theo quy định.
3. Chế độ, chính sách:
Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy có nguyện
vọng về cấp xã công tác, có đủ điều kiện được tuyển dụng bố trí công tác, ngoài
chế độ tiền lương được hưởng theo quy định hiện hành đối với công chức dự bị
còn được hưởng các quyền lợi sau:
3.1. Được ưu tiên trong tuyển dụng công chức.
3.2. Khi trúng tuyển công chức dự bị cấp xã được:
- Trợ cấp 15% cho đủ 100% lương bậc 1, hệ số 2.34,
ngạch chuyên viên (trong thời gian tập sự);
- Được trợ cấp thu hút một lần: 3.000.000 đồng/người;
- Được trợ cấp sinh hoạt phí ngoài tiền lương hiện
hưởng trong thời gian 12 tháng kể từ ngày nhận công tác với mức 300.000 đồng/tháng.
- Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
theo quy định hiện hành.
3.3. Hết thời gian dự bị (12 tháng), công chức dự bị
kể cả được hoặc chưa được bố trí thay thế được hưởng lương theo hệ số hiện hưởng
và theo quy định hiện hành.
3.4. Sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy được
tuyển dụng vào làm công chức dự bị cấp xã, chưa đủ 5 năm công tác tại xã thì
chưa được chuyển công tác. Trong trường hợp tự ý nghỉ việc hoặc bị xử lý kỷ luật
thì phải hoàn trả lại các khoản trợ cấp (trợ cấp thu hút, trợ cấp sinh hoạt
phí, trợ cấp 15% lương bậc 1) và các khoản chi phí về đào tạo, bồi dưỡng (nếu
có).
3.5. Khi có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn được ưu
tiên tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện,
cấp tỉnh.
4. Thời gian thực hiện Đề án:
Giai đoạn 1: Thực hiện từ năm 2009 đến
2010; phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn bố trí từ 01 đến 02 sinh viên tốt nghiệp
đại học hệ chính quy làm công chức dự bị.
Giai đoạn 2: Căn cứ vào tình hình kết
quả thực hiện giai đoạn 1, UBND tỉnh báo cáo với HĐND tỉnh để điều chỉnh (nếu
có) và tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2 từ năm 2011 đến năm 2015.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện trong một năm như sau:
1.1. Tiền lương (trong thời gian tập sự) 12
tháng: 2,34 x 85% x 540.000đ x 12 tháng = 12.888.720đ/người.
1.2. Tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
và bảo hiểm y tế 01 người một năm là 18% (BHXH 15%, BHTN 01%, BHYT 02%):
12.888.720đ x 18% = 2.319.969đ.
1.3. Tiền trợ cấp thu hút là:
a) Trợ cấp một lần, một người: 3.000.000đ;
b) Trợ cấp 15% cho đủ 100% lương của bậc 1 ngạch
chuyên viên, hệ số 2,34, thời gian 12 tháng: 2,34 x 15% x 540.000đ x 12 tháng =
2.274.480đ/người;
c) Trợ cấp sinh hoạt phí, thời gian 12 tháng:
300.000đ x 12 tháng = 3.600.000đ/người.
Tổng cộng các khoản trợ cấp thu hút một người
(a+b+c) một năm là: 8.874.480đ.
* Tổng cộng tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
thất nghiệp, bảo hiểm y tế và tiền trợ cấp thu hút 01 người/năm (1.1+1.2+1.3)
là: 12.888.720đ + 2.319.969đ + 8.874.480đ = 24.083.169đ/người.
Dự kiến mỗi năm tuyển được từ 100 đến 150 người thì
tổng cộng tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm
y tế và trợ cấp thu hút một năm tương ứng là: 2.408.316.900đ đến
3.612.475.350đ.
2. Tổng số tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và trợ cấp thu hút, trong thời gian 2 năm cho
300 người là: 24.083.169đ x 300 người = 7.224.950.700đ (bảy tỷ, hai trăm hai bốn
triệu, chín trăm năm mươi nghìn, bẩy trăm đồng).
- Hết thời gian tập sự 12 tháng, công chức dự bị được
tuyển dụng làm công chức cấp xã chưa được bố trí thay thế cán bộ chuyên trách,
công chức còn thiếu hoặc nghỉ hưu thì tiền lương của công chức dự bị được hưởng
hệ số 2.34, được nâng bậc lương theo quy định và do ngân sách xã, phường, thị
trấn chi trả được cân đối trong dự toán thu, chi ngân sách xã hàng năm.
- Ngoài số kinh phí trên, hàng năm tỉnh tăng thêm
nguồn kinh phí cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên trách, công chức và
công chức dự bị hiện đang công tác ở cấp xã.
VI. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Để Đề án thu hút sinh viên có trình độ đại học chính
quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn được thực hiện có hiệu quả,
UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn cần làm tốt những nhiệm
vụ sau:
1. UBND các cấp (nhất là cấp xã) cần nhận thức
đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng của việc sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ đại
học đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã. Chú trọng
công tác chính trị, tư tưởng đảm bảo thống nhất chủ trương trong đội ngũ cán bộ
cơ sở khi tiếp nhận sinh viên về công tác, giữ vững ổn định nội bộ.
2. Thực hiện thống nhất chính sách đãi ngộ thoả
đáng để khuyến khích đội ngũ cán bộ công chức trẻ yên tâm phấn đấu cho sự nghiệp
xây dựng, phát triển ở cơ sở.
3. Tổ chức bồi dưỡng, trang bị kiến thức cơ bản về
lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính quyền, công tác đoàn thể và một số kỹ
năng, nghiệp vụ khác, nhằm giúp sinh viên mới tuyển dụng có những kiến thức nhất
định để có thể nhanh chóng tiếp cận với công việc ở cơ sở.
4. Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị để
bản thân mỗi cán bộ trẻ nhận rõ vinh dự và trách nhiệm của mình. Đồng thời gần
gũi, dìu dắt, hướng dẫn các cán bộ này có ý thức phấn đấu trở thành đảng viên,
người cán bộ tốt, giúp cho số công chức này chủ động nắm bắt thời cơ, sống và
làm việc tận tuỵ cho sự nghiệp phát triển ở địa phương, tạo nguồn cán bộ chủ chốt
ở cơ sở và cấp cao hơn.
5. Việc nhận xét đánh giá công chức dự bị phải đảm
bảo chính xác, khách quan, công tâm. Công chức dự bị sau khi được tuyển dụng cần
được quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức quản
lý nhà nước, đồng thời có kế hoạch để đào tạo về lý luận chính trị đối với số
cán bộ này. Cùng với việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức dự bị mới
được tuyển dụng; đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức hiện tại cũng phải được
thường xuyên chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; nhằm
đáp ứng với yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND
các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện:
1. Sở Nội vụ: Hướng dẫn quy trình, thủ tục
cho các đơn vị thực hiện chế độ thu hút, bố trí đội ngũ cán bộ này về cơ sở
công tác, tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương và định kỳ
hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Tài chính: Chịu trách nhiệm xây dựng dự
toán kinh phí báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí
kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện Đề án. Hướng dẫn UBND các huyện, thành
phố, lập dự toán chi và thanh quyết toán kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp hàng
năm từ nguồn ngân sách của tỉnh theo quy định.
3. Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn thực hiện
chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với công chức dự bị.
4. Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, Trường
Trung học kinh tế - kỹ thuật Tô Hiệu và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện,
thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố
xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Hàng năm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về
chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước và lý luận chính trị đối với
cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã.
5. UBND huyện, thành phố: Hàng năm yêu cầu
các xã, phường, thị trấn rà soát số cán bộ công chức đến tuổi chuẩn bị nghỉ hưởng
chế độ bảo hiểm xã hội, tổng hợp số sinh viên tốt nghiệp đại học đã có việc
làm, chưa có việc làm. Lập kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học
chính quy là người địa phương vào làm công chức dự bị cấp xã, để bổ sung các chức
danh công chức xã còn thiếu, các chức danh công chức chuẩn bị nghỉ hưởng chế độ
bảo hiểm xã hội và kinh phí tiền lương, trợ cấp thu hút sinh viên tốt nghiệp đại
học về công tác ở cấp xã, báo cáo Sở Nội vụ và Sở Tài chính;
Tổng hợp, lập dự toán kinh phí, kiểm tra, phê duyệt,
cấp phát kinh phí thực hiện chế độ thu hút trong từng năm do Uỷ ban nhân dân cấp
xã đề nghị và quyết toán kinh phí theo quy định;
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát xây dựng
kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng báo cáo UBND huyện, thành phố tổng hợp xây dựng kế
hoạch; hàng năm UBND huyện, thành phố lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, điều
kiện lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gửi Sở Nội vụ, trình UBND tỉnh phê duyệt.
6. Uỷ ban nhân dân cấp xã: Thống kê danh
sách các trường hợp thuộc diện được hưởng trợ cấp của đơn vị mình trong từng năm;
rà soát, tổng hợp tiếp nhận hồ sơ sinh viên tốt nghiệp đại học có nguyện vọng về
công tác tại cấp xã; báo cáo UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt và kịp thời chi
trả đúng chế độ cho các đối tượng được hưởng trợ cấp thu hút tại địa phương; tạo
điều kiện cho số cán bộ này công tác thuận lợi phát huy được tác dụng.
7. Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan
theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tạo điều kiện, hướng dẫn cơ sở
tổ chức thực hiện Đề án đạt hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các đơn
vị phản ảnh về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) để báo cáo
với Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh Đề án cho phù hợp./.