Quyết định 02/2007/QĐ-UBND chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu 02/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/01/2007
Ngày có hiệu lực 25/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Cao Anh Lộc
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2007/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 25 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Căn cứ Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Căn cứ Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Xét đề nghị của Sở Tài chính (văn bản số 470/BC-STC ngày 03/10/2006),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình hành động của UBND tỉnh Bạc Liêu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày đăng Công báo tỉnh Bạc Liêu.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Giám đốc các Doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Cao Anh Lộc

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02 /2007/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2007 của UBND tỉnh Bạc Liêu)

Để tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 25/2006/QĐ - TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chương trình của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;

UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những nội dung cơ bản sau:

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ THỜI GIAN QUA

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức, điều hành thực hiện đạt được một số kết quả cơ bản như sau:

- Về mặt chủ trương: UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, chỉ thị, văn bản cụ thể hóa các chính sách, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghiêm cấm cán bộ, công chức tổ chức đám tiệc, cưới hỏi, ma chay... mang tính vụ lợi;

- Về cơ chế điều hành: Tăng cường phân cấp quản lý ngân sách, mở rộng việc giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó đã phát huy được sự chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, có hiệu quả;

- Việc sử dụng ngân sách để trang bị, mua sắm tài sản và một số khoản chi tiêu theo quy định chung của Nhà nước như: Về trang bị và sử dụng xe ô tô công của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện đúng quy định của Trung ương về tiêu chuẩn, giá mua, riêng số lượng cụ thể của từng đơn vị phần lớn là thấp hơn định mức chung; về trang bị và thanh toán cước phí điện thoại công vụ (gồm điện thoại di động và điện thoại cố định tại nhà riêng) được thực hiện đúng đối tượng, định mức thanh toán..., các nội dung chi hoạt động thường xuyên khác như: Công tác phí, hội nghị, việc tổ chức lễ tân, tiếp khách... phần lớn đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, tiết kiệm;

- Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tiêu dùng của nhân dân: Do thường xuyên tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động việc tổ chức lễ tang, cưới hỏi, lễ hội... theo hướng văn minh, tiết kiệm; tiết kiệm trong chi tiêu để đầu tư vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia mua công trái, trái phiếu Chính phủ để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội... nên đã tạo ra được ý thức tự giác, chấp hành ngày càng tốt hơn trong phần lớn quần chúng, nhân dân.

Tuy nhiên bên cạnh cũng còn những tồn tại, hạn chế như:

- Nhiều cơ quan, đơn vị chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể về thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện, chỉ triển khai một cách chung chung theo các nội dung, quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; cá biệt không ít cơ quan đơn vị chỉ thực hiện theo kiểu khẩu hiệu, phong trào khi có ý kiến chỉ đạo của cấp trên;

- Cho đến nay nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, thông qua việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế sử dụng tài sản công theo quy định; chưa đảm bảo đúng chế độ quy định đối với một số khoản chi về hội nghị, tiếp khách; còn lãng phí trong sử dụng tài sản, điện, nước cơ quan...;

- Vẫn còn tình trạng lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là trong công tác quy hoạch, lập kế hoạch bố trí, quản lý sử dụng vốn, quản lý thực hiện đầu tư và quyết toán công trình;

[...]