ỦY
BAN NHÂN DÂN
QUẬN TÂN BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/2011/QĐ-UBND
|
Tân
Bình, ngày 02 tháng 3 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI
PHẠM TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN TÂN BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN TÂN BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng
7 năm 2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số
điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02 tháng 4
năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi
phạm trật tự xây dựng đô thị;
Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai
thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật;
quản lý phát triển nhà và công sở;
Căn cứ Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng
Chính phủ về thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện và Thanh tra
Xây dựng phường - xã, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy
định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27
tháng 02 năm 2009 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 133/2007/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân
dân thành phố Hồ Chí Minh về thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện
và Thanh tra Xây dựng phường - xã, thị trấn tại thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 68/2010/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân
dân thành phố về ban hành Quy định về cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng
theo giấy phép trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân
dân quận Tân Bình về thành lập Thanh tra Xây dựng quận Tân Bình;
Căn cứ Quyết định số 13/2007/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân
dân quận Tân Bình về thành lập Thanh tra Xây dựng phường thuộc quận Tân Bình;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Xây dựng quận Tân Bình tại Tờ trình số
01/TT-TTXD ngày 20 tháng 01 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực
xây dựng trên địa bàn quận Tân Bình.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành sau 7 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân quận, Trưởng Phòng Nội vụ, Chánh Thanh tra Xây dựng quận, Trưởng
Phòng Quản lý đô thị, Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân 15 phường, cán bộ, công chức trong lực lượng Thanh tra Xây dựng quận,
phường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Thái Thị Dư
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC
XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN TÂN BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2011 của
Ủy ban nhân dân quận Tân Bình)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này
quy định về trách nhiệm, hình thức, nội dung phối hợp trong việc kiểm tra, xử
lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn quận.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công
chức, viên chức được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị và những tổ chức,
cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Hoạt động
phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị đặt
dưới sự quản lý và điều hành của Ủy ban nhân dân cùng cấp; phát huy sức mạnh của
các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan theo
quy định của pháp luật.
2. Đảm bảo sự
chỉ huy, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất theo chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và tổ chức bộ máy của lực lượng Thanh tra Xây dựng quận và Thanh tra Xây dựng
phường.
3. Đảm bảo sự
đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng không
tạo ách tắc trong việc thực hiện nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của nhau.
4. Việc xử lý
các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng phải kiên quyết, chủ động, tôn trọng
quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của
pháp luật.
5. Cơ quan chủ
trì phối hợp phải thông báo bằng văn bản kết quả phối hợp kiểm tra cho cơ quan
tham gia phối hợp.
6. Những vướng
mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết theo quy định
của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của các cơ quan liên quan. Trường hợp không
thống nhất được hướng giải quyết thì phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền của cơ
quan tham gia phối hợp xem xét, quyết định.
Chương II
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ TRẬT
TỰ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ VÀ XỬ LÝ VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG
Điều 4. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường
1. Thực hiện
trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng đô thị và xử lý vi phạm trật tự xây dựng
đô thị theo điểm a khoản 1 Điều 10 và Điều 17 của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP
ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ.
2. Thực hiện quản
lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn quận theo khoản 1, 2 Điều 31 của Quyết
định số 68/2010/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Thực hiện
thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo quy định tại Điều
28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi,
bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008, Điều 59
Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ. Trong trường
hợp vượt quá thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thì phải lập thủ tục và chuyển
ngay hồ sơ xử lý vi phạm hành chính cho Thanh tra Xây dựng quận đề xuất Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Điều 5. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Xây dựng quận
1. Thực hiện
trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng đô thị và xử lý vi phạm trật tự xây dựng
đô thị theo điểm b khoản 4 Điều 10 và Điều 20 của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP
ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận ban
hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với những vi phạm vượt quá thẩm
quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
2. Tổ chức kiểm
tra định kỳ hoặc đột xuất công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị của Thanh
tra Xây dựng phường.
3. Hướng dẫn
về hoạt động và quy trình kiểm tra xây dựng cho cán bộ, công chức, viên chức được
giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị.
4. Chủ trì,
phối hợp với Ủy ban nhân dân 15 phường tổng kết, đánh giá hoạt động phối hợp kiểm
tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, báo cáo Ủy ban nhân dân
quận theo quy định.
Điều 6. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được giao
nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị
1. Chấp hành
và thực hiện đúng hướng dẫn về hoạt động và quy trình kiểm tra xây dựng của Chánh
Thanh tra Xây dựng quận.
2. Thực hiện
trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng đô thị và xử lý vi phạm trật tự xây dựng
đô thị theo quy định tại Điều 11 và Điều 16 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
Chương III
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 7. Trao đổi thông tin
1. Việc trao
đổi, xử lý thông tin phải bảo đảm chính xác, kịp thời. Khi có những thông tin
khác nhau về vụ việc, hiện tượng thì hai bên phải phối hợp xác minh, thống nhất
kết luận trước khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
2. Nội dung
trao đổi thông tin
a) Thanh tra
Xây dựng quận chủ động trao đổi với Thanh tra Xây dựng phường những thông tin
sau:
- Tình hình
quản lý trật tự xây dựng đô thị trong phạm vi quản lý, các vụ việc xây dựng vi
phạm, hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực xây dựng để có kế hoạch phối hợp
phòng ngừa theo đúng quy định;
- Kế hoạch kiểm
tra công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị của Thanh tra Xây dựng phường; kế
hoạch tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
xây dựng, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực nhà, đất
có hiệu lực thi hành trên địa bàn quận;
- Kết quả thực
hiện các quyết định hành chính gồm: quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị và môi trường; các quyết định giải quyết
tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực nhà, đất có hiệu lực thi hành trên địa bàn
quận;
- Tình hình
phối hợp giữa hai lực lượng, những vấn đề cấp bách về trật tự xây dựng đô thị
và các nội dung khác liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
b) Thanh tra
Xây dựng phường chủ động trao đổi với Thanh tra Xây dựng quận những thông tin
sau:
- Tình hình
quản lý trật tự xây dựng đô thị trong phạm vi quản lý, các vụ việc xây dựng vi
phạm, hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực xây dựng để có kế hoạch phối hợp
phòng ngừa theo đúng quy định;
- Kế hoạch phối
hợp giữa Thanh tra Xây dựng phường với Thanh tra Xây dựng quận về quản lý trật
tự xây dựng đô thị và tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính
trong lĩnh vực xây dựng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường;
- Tình hình
tiếp nhận, kiểm tra, theo dõi thi công đối với các trường hợp đăng ký xây dựng,
sửa chữa, cải tạo đối với những công trình mà theo quy định không phải xin cấp
giấy phép xây dựng;
- Kết quả thực
hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân phường;
- Tổng hợp
tình hình kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng trên địa bàn phường,
đánh giá tình hình quản lý trật tự xây dựng đô thị và việc thực hiện các nội
dung quy định tại Quy chế này báo cáo Thanh tra Xây dựng quận để tổng hợp báo
cáo Ủy ban nhân dân quận và Sở Xây dựng theo quy định.
Điều 8. Hình thức trao đổi thông tin
1. Việc trao
đổi thông tin giữa Thanh tra Xây dựng quận và Thanh tra Xây dựng phường được tiến
hành dưới hình thức giao ban và bằng văn bản:
a) Giao ban
giữa Thanh tra Xây dựng quận và Ủy ban nhân dân 15 phường: 03 tháng 1 lần.
Trong 05 (năm) ngày làm việc sau khi kết thúc giao ban với Ủy ban nhân dân 15
phường, Thanh tra Xây dựng quận báo cáo kết quả kiểm điểm, đánh giá tình hình
quản lý trật tự xây dựng đô thị và việc thực hiện các nội dung quy định tại Quy
chế này cho Ủy ban nhân dân quận;
b) Giao ban
giữa Thanh tra Xây dựng quận và Thanh tra Xây dựng phường: 01 tháng 1 lần;
c) Thanh tra
Xây dựng quận chịu trách nhiệm về việc cung cấp biểu mẫu và quy định thời gian,
chế độ báo cáo đối với Thanh tra Xây dựng phường.
2. Khi có nhiệm
vụ đột xuất hoặc tình huống phức tạp, cấp bách, Thanh tra Xây dựng quận, phường
phải chủ động thông báo ngay cho nhau bằng hình thức thích hợp như: điện thoại,
thư điện tử, gửi văn bản.
Điều 9. Các hoạt động phối hợp giữa Thanh tra Xây dựng quận với
Thanh tra Xây dựng phường
1. Tổ chức
tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực xây dựng ở cộng đồng dân cư.
2. Tập huấn,
hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
3. Kiểm tra,
xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
4. Xác minh
các thông tin liên quan làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ
chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
5. Tổ chức thực
hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, quyết định
giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực nhà, đất có hiệu lực thi hành
trên địa bàn quận.
6. Cưỡng chế
thi hành quyết định xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
theo quy định pháp luật.
7. Giải quyết
đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu kiện của bên bị thiệt hại đối với chủ đầu tư tổ
chức thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt
công trình lân cận; gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận.
8. Thực hiện
các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
quận giao.
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì phối hợp
1. Cơ quan chủ
trì phối hợp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác phối
hợp và xác định nhiệm vụ từng cơ quan. Kế hoạch thực hiện phải được thông báo bằng
văn bản cho cơ quan phối hợp trước 03 ngày, kể từ ngày triển khai, trong trường
hợp đột xuất thì cơ quan chủ trì thông báo nội dung phối hợp bằng phương tiện
nhanh nhất để các bên cùng thực hiện.
2. Thông báo
cho cơ quan phối hợp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức được
cử tham gia, duy trì mối liên hệ giữa các cơ quan, đơn vị và đôn đốc kiểm tra
việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết
theo đề nghị của cơ quan phối hợp và các điều kiện đảm bảo khác.
3. Tiếp thu ý
kiến của cơ quan phối hợp, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm
quyền giải quyết về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan phối hợp
1. Cơ quan được
mời phối hợp có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động theo kế hoạch hoặc
theo nội dung thông báo của cơ quan chủ trì. Cử cán bộ, công chức có đủ năng lực
tham gia phối hợp khi có yêu cầu; cung cấp các thông tin, số liệu có liên quan
đến lĩnh vực quản lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu
đó.
2. Có ý kiến
kịp thời về vấn đề mà cán bộ, công chức được cử phối hợp báo cáo và được quyền
bảo lưu ý kiến đối với các vấn đề còn chưa thống nhất. Tuân thủ về thời gian
góp ý kiến theo yêu cầu của cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm về các ý kiến của
cơ quan mình.
3. Đề nghị cơ
quan chủ trì điều chỉnh thời gian phối hợp để đảm bảo chất lượng công tác và được
yêu cầu cơ quan chủ trì cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết, phục vụ cho
công tác phối hợp.
Điều 12. Trách nhiệm của cán bộ, công chức được cử tham gia
phối hợp
1. Nắm vững
pháp luật về xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị, trình tự, thủ tục
hành chính. Nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ để sách nhiễu, gây khó khăn cho
chủ đầu tư, nhà thầu trong thi công xây dựng công trình khi đã có đủ các hồ sơ,
thủ tục, giấy phép và các tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện
các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch công tác hoặc nội dung thông báo của
cơ quan chủ trì. Báo cáo Thủ trưởng cơ quan về công tác phối hợp của mình và chủ
động đề xuất ý kiến, truyền đạt chính xác ý kiến của Thủ trưởng cơ quan mình
khi phát biểu về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thuộc chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn.
3. Bảo lưu
quan điểm khi ý kiến của mình khác với ý kiến của các đơn vị, cá nhân khác, được
Thủ trưởng cơ quan tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tập thể,
cá nhân có thành tích trong công tác phối hợp, mang lại hiệu quả cao trong việc
quản lý trật tự xây dựng đô thị được bình xét và khen thưởng theo quy định.
2. Tập thể, cá
nhân có hành vi vi phạm Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý
theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Thanh tra
Xây dựng quận, Ủy ban nhân dân 15 phường, cán bộ, công chức, viên chức được
phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị và những tổ chức, cá nhân khác có
liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
2. Thanh tra
Xây dựng quận chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế
này.
3. Trong quá
trình tổ chức thực hiện Quy chế này nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cá nhân và tổ
chức có liên quan phản ảnh kịp thời về Thanh tra Xây dựng quận để tổng hợp
trình Ủy ban nhân dân quận xem xét, quyết định./.