Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 01/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

Số hiệu 01/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/01/2011
Ngày có hiệu lực 14/01/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trương Tấn Thiệu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 01/2011/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 04 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2010/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước tại Tờ trình số 1523/TTr-LĐTBXH ngày 29/12/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (có Đề án kèm theo).

Điều 2.

1. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở Đề án này, chủ trì phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Đề án đã được phê duyệt đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

3. Giao Sở tài chính cân đối, bố trí nguồn kinh phí hàng năm và giai đoạn theo đề án để thực hiện triển khai tốt Đề án.

Điều 3.

Các ông (bà): Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2020
(Kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND ngày 04/01/2011 của UBND tỉnh)

I. Đặc điểm tình hình địa phương

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, có diện tích tự nhiên là 6857,35 km2, có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài 240 km, dân số trung bình năm 2009 là 874.714 người, gồm 41 dân tộc anh em, các dân tộc ít người chiếm khoảng 18,47% dân số, số trẻ em dưới 16 tuổi cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục là 366.012 em, chiếm 41,25% dân số toàn tỉnh, trong thời gian qua công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được các ngành, các cấp, các hội đoàn thể quan tâm giúp đỡ cùng với sự hưởng ứng của cộng đồng cũng đã hạn chế những mặt thiệt thòi cho trẻ em.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bỏ học ngày càng phổ biến. Nhằm tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh và thân thiện để trẻ em được sống, vui chơi, được học tập để phát triển tài năng cho đất nước sau này, nên không ngừng tăng cường củng cố công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong tình hình mới là cần thiết.

II. Thực trạng

1. Thực trạng về công tác tổ chức:

Thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi giải thể và thành lập lại bộ máy công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giao về ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSTE) gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện, thị và xã, phường, thị trấn. Cụ thể như:

- Cấp huyện, thị xã:

+ Biên chế: Hiện số công chức được bố trí làm công BVCSTE tại huyện, thị xã là 10 công chức (01người/huyện) 4 cán bộ chuyên trách, chiếm tỷ lệ 40%, số còn lại kiêm nhiệm thêm một hoặc nhiều nhiệm vụ khác, hầu hết mới đảm nhận nhiệm vụ này, do không có cán bộ nào từ Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (sau khi giải thể) chuyển sang làm công tác BVCSTE.

+ Mỗi huyện bố trí 01 lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách công tác BVCSTE.

- Cấp xã, phường, thị trấn: Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đều không còn Ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (Ban DSGĐTE), quản lý nhà nước về BVCSTE do cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách, trong đó 100% là kiêm nhiệm, trình độ văn hóa thấp (Tốt nghiệp THPT chiếm 70%, còn lại là tốt nghiệp THCS chiếm 30%) và trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế (Trình độ đại học chiếm 6,8%, Trung cấp chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ 52%, còn lại 41,12% trình độ sơ cấp)

[...]