Quy định 299-TMDL/XNK năm 1992 về việc ký kết và quản lý hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương do Bộ thương mại và du lịch ban hành
Số hiệu | 299-TMDL/XNK |
Ngày ban hành | 09/04/1992 |
Ngày có hiệu lực | 09/04/1992 |
Loại văn bản | Quy định |
Cơ quan ban hành | Bộ Thương mại và Du lịch |
Người ký | Lê Văn Triết |
Lĩnh vực | Thương mại |
BỘ THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH ******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 299-TMDL/XNK |
Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 1992 |
Trong khi chờ ban hành Luật
thương mại;
Để việc giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán ngoại thương phù hợp với
Luật pháp Việt Nam, tập quán thương mại quốc tế;
Để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu;
Bộ Thương mại và Du lịch quy định như sau:
Điều 1. Mọi việc mua bán trao đổi hàng hoá dịch vụ quy định tại Điều 1, Nghị định số 114-HĐBT ngày 7-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng phải được thực hiện bằng hợp đồng mua bán ngoại thương.
Điều 2. Chủ thể về phía Việt Nam của hợp đồng mua bán ngoại thương:
2.1. Chỉ các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu do Bộ Thương mại và Du lịch cấp mới được quyền giao dịch, ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương.
Các doanh nghiệp chưa có giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu không có quyền giao dịch ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương; mọi hợp đồng mua bán ngoại thương do các doanh nghiệp này ký đều không có hiệu lực.
2.2. Người có thẩm quyền thay mặt cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương do là giám đốc (hoặc phó giám đốc), hoặc người được giám đốc uỷ quyền hợp pháp bằng văn bản.
Điều 3. Đối tượng của hợp đồng mua bán ngoại thương:
3.1. Hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán ngoại thương phải là hàng không thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, nếu là hạng quản lý bằng hạn ngạch thì phải có phiếu hạn ngạch.
3.2. Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu chỉ được ký kết hợp đồng mua bán những hàng hoá ghi trong giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu.
Điều 4. Hình thức hợp đồng mua bán ngoại thương:
4.1. Hợp đồng mua bán ngoại thương phải được làm bằng văn bản mới có hiệu lực. Thư từ, điện tín, telex, fax cũng được coi là văn bản. Mọi hình thức thoả thuận bằng miệng đều không có hiệu lực.
4.2. Mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán ngoại thương phải được làm bằng văn bản.
Điều 5. Giao dịch, ký kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài.
5.1. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam, khi giao dịch ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài, phải nắm được năng lực quản lý, khả năng tài chính và tín nhiệm thương mại của họ.
5.2. Không giao dịch và ký kết hợp đồng với những người không có thẩm quyền đại diện như các văn phòng đại diện của người nước ngoài tại Việt Nam hoặc các đại diện bất hợp pháp của nước ngoài.
II. QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG MUA BÁN NGOẠI THƯƠNG
Điều 6. Những điều khoản chủ yếu của hợp đồng:
6.1. Tên hàng:
- Ghi đúng tên thương mại và nhãn hiệu thương mại của hàng hoá.
- Khi cần thiết phải ghi rõ cả công dụng của hàng hoá để phân biệt các loại hàng cùng tên.
6.2. Số lượng:
- Số lượng được xác định bằng đơn vị đo lường theo tập quán thương mại quốc tế.
- Phương pháp xác định số lượng.
- Địa điểm xác định số lượng.
- Tỷ lệ dung sai (tuỳ theo từng loại hàng).