Quy định 16-QĐ/BCĐTW năm 2022 về công tác kiểm tra, giám sát Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Số hiệu 16-QĐ/BCĐTW
Ngày ban hành 08/03/2022
Ngày có hiệu lực 08/03/2022
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 16-QĐ/BCĐTW

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2022

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

- Căn cứ Điều lệ Đảng,

- Căn cứ Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng,

- Căn cứ Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 01/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng,

- Căn cứ Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,

- Xét đề nghị của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về mục đích, nguyên tắc, chủ thể, đối tượng, nội dung, trách nhiệm, thẩm quyền, hình thức, quy trình kiểm tra, giám sát; đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt là Ban Chỉ đạo).

2. Quy định này áp dụng đối với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo (viết tắt là Cơ quan Thường trực), đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo, cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo.

Điều 2. Mục đích kiểm tra, giám sát

1. Đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

2. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, ngăn chặn, xử lý nghiêm những vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Điều 3. Nguyên tắc kiểm tra, giám sát

1. Tuân thủ Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Chủ động, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, công tâm, thận trọng, chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh; tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng kiểm tra, giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chương II

CHỦ THỂ, ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, TRÁCH NHIỆM, THẨM QUYỀN VÀ HÌNH THỨC KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Điều 4. Chủ thể kiểm tra, giám sát

Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.

Điều 5. Đối tượng kiểm tra, giám sát

Cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan chức năng, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 6. Nội dung kiểm tra, giám sát

1. Việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

[...]