Quy định 138-QĐ/TW năm 2023 về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 138-QĐ/TW
Ngày ban hành 01/12/2023
Ngày có hiệu lực 01/12/2023
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trương Thị Mai
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 138-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2023

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ CƠ SỞ CƠ QUAN

- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị khóa XIII;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII;

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của các cơ quan,

Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan như sau:

I- PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Điều 1. Quy định này quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện và tương đương.

II- CHỨC NĂNG

Điều 2. Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia lãnh đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ công tác của cơ quan; lãnh đạo chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xây dựng đảng bộ, chi bộ, cơ quan và các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh.

III- NHIỆM VỤ

Điều 3. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh

1. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động đề cao tinh thần trách nhiệm, tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động phát huy tính chủ động, sáng tạo, làm tốt chức năng tham mưu, nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị với lãnh đạo cơ quan về những vấn đề cần thiết; thường xuyên đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo thực hiện tốt quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

3. Lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

4. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong cơ quan. Tăng cường đoàn kết nội bộ; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh phòng, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của cơ quan.

Điều 4. Lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng

1. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần làm chủ, đoàn kết, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng để giải quyết và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.

2. Kịp thời phổ biến, quán triệt để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nắm vững và chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, nhiệm vụ của cơ quan. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, kiến thức và năng lực công tác cho cán bộ, đảng viên.

3. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Điều 5. Lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ

1. Cấp ủy tham gia xây dựng và lãnh đạo thực hiện chủ trương về kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy và quy chế hoạt động của cơ quan.

2. Cấp ủy tham gia ý kiến với đảng đoàn, ban cán sự đảng và lãnh đạo cơ quan về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý và lãnh đạo việc thực hiện các quyết định đó. Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng.

3. Cấp ủy đề xuất ý kiến để cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định các vấn đề về tổ chức và cán bộ của đảng bộ, chi bộ thuộc thẩm quyền của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Trường hợp những nơi không có cấp ủy thì đồng chí bí thư chủ trì lấy ý kiến của tập thể chi bộ về nội dung tổ chức, cán bộ để tham gia, đề xuất theo thẩm quyền.

Điều 6. Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

1. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng và pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, quy chế làm việc; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên; việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.

2. Cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc xem xét thi hành kỷ luật đảng bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời đối với tổ chức đảng, đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Ủy ban kiểm tra cấp trên.

[...]