BAN CHẤP
HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 132-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 10 năm 2023
|
QUY ĐỊNH
VỀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ, THI HÀNH ÁN
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII,
Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực,
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử,
thi hành án như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về kiểm soát quyền lực,
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (gọi
tắt là hoạt động tố tụng), thi hành án và các hoạt động khác có liên quan đến
hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (gọi tắt là hoạt động khác có
liên quan).
2. Quy định này áp dụng đối với cấp uỷ, tổ chức
đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (gọi chung là cơ quan,
tổ chức, người có thẩm quyền) trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng,
thi hành án và hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng và pháp luật
của Nhà nước.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Hoạt động tố tụng, thi hành án gồm: Việc
tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử
vụ án hình sự; giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, việc phá sản; xem
xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại toà án; thi hành bản án,
quyết định của toà án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, hành chính,
dân sự, phá sản, xử lý vi phạm hành chính và thi hành án.
2. Hoạt động khác có liên quan đến hoạt động
tố tụng, thi hành án (hoạt động khác có liên quan) gồm: Giám định, định giá
tài sản, đấu thầu, đấu giá; công chứng, chứng thực; phiên dịch, dịch thuật; bào
chữa, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự;
hoà giải, đối thoại tại toà án; thừa phát lại, phối hợp cưỡng chế thi hành án,
xét đặc xá; tương trợ tư pháp và hợp tác quốc tế khác; giải quyết kiến nghị, phản
ánh, khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại
và người tham gia tố tụng khác.
3. Quyền lực trong hoạt động tố tụng, thi
hành án là thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo,
thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan
theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động
tố tụng, thi hành án là hành vi của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền
trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án
và hoạt động khác có liên quan vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác đã lợi dụng
chức vụ, quyền hạn được giao làm trái công vụ (làm không đúng nhiệm vụ, công vụ
được giao) trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và
hoạt động khác có liên quan.
5. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động
tố tụng, thi hành án là hành vi của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền
trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án
và hoạt động khác có liên quan vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác đã sử dụng
chức vụ, quyền hạn để làm những việc vượt quá phạm vi chức vụ, quyền hạn được
giao.
6. Lạm quyền trong hoạt động tố tụng, thi
hành án là hành vi của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo,
chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động
khác có liên quan vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn được
giao, làm trái công vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng,
thi hành án và hoạt động khác có liên quan.
7. Tham nhũng trong hoạt động tố tụng, thi
hành án là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong lãnh đạo, chỉ đạo,
thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan đã
lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền vì vụ lợi.
8. Tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành
án là hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm
quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ, các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử,
thực hiện không đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
9. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án là việc sử dụng các cơ
chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương, quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, các nguyên tắc, quy chế làm việc, quy định, quy trình
nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn
và xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền,
tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác
có liên quan.
10. Người có quan hệ gia đình bao gồm vợ
(chồng); bố, mẹ đẻ, bố, mẹ nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng; bố, mẹ đẻ, bố, mẹ
nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con
rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng).
11. Người thân thích bao gồm người có
quan hệ gia đình; ông, bà nội, ông, bà ngoại; cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú
ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
Điều 3. Nguyên tắc kiểm soát
quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành
án
1. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống
nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; sự giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội
và Nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có
liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2. Bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ
bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến
đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.
3. Bảo đảm tính độc lập, khách quan, tuân thủ
pháp luật, quy định, quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức,
quy tắc ứng xử của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng,
thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
4. Bảo đảm công khai, minh bạch gắn với trách
nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng,
thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật
của Nhà nước.
5. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm
minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham
nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có
liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
6. Tuân thủ các chủ trương, quy định của Đảng và
các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 4. Nội dung kiểm soát
quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành
án
1. Kiểm soát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực
hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc,
quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, công tác
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các
hoạt động khác có liên quan.
2. Kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện
các hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Điều 5. Phương thức kiểm
soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi
hành án
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu xây dựng, ban
hành, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng
xử để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố
tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tự phê
bình và phê bình, trách nhiệm nêu gương, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải
trình và các biện pháp khác kiểm soát quyền lực, phòng ngừa vi phạm, tham
nhũng, tiêu cực; công tác giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo
trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; công
tác tự kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, tham nhũng,
tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi
hành án và các hoạt động khác có liên quan.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của
các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động
khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, kiện
toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong
các cơ quan này.
4. Kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kiểm
sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; việc chấp hành chủ trương, quy định của
Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ,
chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại,
tố cáo và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi
vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực
trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
5. Lãnh đạo, chỉ đạo về chủ trương xử lý các vụ
án, vụ việc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu kiểm tra,
thanh tra, kiểm toán, xem xét lại các quyết định của cơ quan, tổ chức, người có
thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên
quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chương II
KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC,
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG, THI HÀNH ÁN
Điều 6. Những hành vi lợi dụng,
lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố
tụng, thi hành án
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu,
ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước
trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
2. Không thực hiện hoặc thực hiện
không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng
xử, nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động
khác có liên quan.
3. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng
lãnh đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền
hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và
các hoạt động khác có liên quan.
4. Bao che, dung túng, tiếp
tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức
vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi
hành án và các hoạt động khác có liên quan.
5. Can thiệp, cản trở, tác động
trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành
án và các hoạt động khác có liên quan, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra,
kiểm toán của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và các
cơ quan chức năng, hoạt động giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận
Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động tố tụng,
thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
6. Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới
che giấu, không báo cáo, báo cáo sai sự thật, không thực hiện hoặc thực hiện
không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến sai lệch kết quả thụ lý, giải
quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và
các hoạt động khác có liên quan.
7. Cố ý không tiếp nhận, giải
quyết hoặc tiếp nhận, giải quyết không đúng quy định của pháp luật đối với nguồn
tin về tội phạm, việc khởi kiện giải quyết vụ án hành chính, vụ án dân sự, yêu
cầu giải quyết việc dân sự, việc phá sản, thi hành án.
8. Che giấu, làm sai lệch, sót,
lọt nguồn tin về tội phạm hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, tiêu huỷ chứng cứ,
vật chứng trái pháp luật.
9. Ban hành quyết định khởi tố
hoặc quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can hoặc không ban
hành quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết
định khởi tố bị can trái pháp luật; không truy tố người có tội hoặc truy tố người
không có tội hoặc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật.
10. Quyết định áp dụng, thay đổi,
huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp tư pháp, thay đổi tội
danh, hình phạt, miễn, giảm hình phạt, miễn, giảm trách nhiệm hình sự, dân sự,
tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, vụ việc, chuyển vụ án, nhập hoặc tách
vụ án trái pháp luật.
11. Nhục hình, bức cung, mớm
cung hoặc chỉ đạo, tổ chức thông cung đối với người bị buộc tội; truy ép, gợi ý
cho đương sự, người tham gia tố tụng khác cung cấp tài liệu, khai báo, trình
bày không khách quan, trung thực.
12. Trì hoãn hoặc kéo dài thời
gian giám định, định giá tài sản không đúng quy định của pháp luật; cố ý né
tránh, kéo dài thời gian cung cấp tài liệu theo yêu cầu giám định, định giá hoặc
cung cấp tài liệu sai sự thật; kết luận giám định, định giá tài sản không đúng
sự thật hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản trái pháp luật.
13. Lợi dụng quyền trưng cầu
giám định, yêu cầu định giá tài sản, quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc
quyền trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, quyền huỷ án điều tra lại, quyền
kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền yêu cầu giải thích bản án
để kéo dài quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án vì vụ lợi.
14. Đề nghị, quyết định hoãn, tạm
đình chỉ chấp hành hình phạt tù, miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù,
tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách của người được
hưởng án treo, xét và đề nghị đặc xá trái pháp luật.
15. Cố ý thi hành án trái nội
dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc không ra quyết định thi
hành án, trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án trái pháp
luật; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp khẩn cấp tạm thời, cưỡng
chế thi hành án, câu kết, thông đồng với đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá tài
sản để hạn chế người mua, dìm giá, hạ giá tài sản thi hành án trái pháp luật.
16. Cố ý vi phạm các quy định về
niêm phong, mở niêm phong, kê biên tài sản, phong toả tài khoản, về thu giữ, bảo
quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản thi hành án.
17. Cản trở trái pháp luật hoạt
động của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại,
đương sự; hoạt động tự bào chữa, nhờ người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp hoặc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của bị hại, người
được thi hành án, đương sự, người bị buộc tội, người chấp hành án, người phải
thi hành án theo quy định của pháp luật.
18. Tư vấn, liên hệ, tiếp xúc,
giải quyết không đúng quy định về chế độ thăm, gặp, liên lạc đối với người bị
buộc tội, phạm nhân; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người bị buộc tội, người
chấp hành án, người phải thi hành án, bị hại, người được thi hành án, đương sự
hoặc người thân thích của họ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
19. Lợi dụng công việc có liên
quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để trục lợi hoặc động cơ cá nhân
khác; chỉ đạo hoặc cung cấp, tiết lộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ
án, vụ việc trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
20. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ,
quyền hạn, lạm quyền để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có
chức vụ, quyền hạn hoặc giả mạo trong công tác để trục lợi trong hoạt động tố tụng,
thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
21. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ,
quyền hạn, lạm quyền để áp đặt, hợp thức hoá các hành vi, quyết định trái pháp
luật của mình hoặc để giải quyết việc cá nhân mình trong hoạt động tố tụng, thi
hành án và các hoạt động khác có liên quan.
22. Nhận quà (lợi ích vật chất,
phi vật chất) dưới mọi hình thức để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của
Nhà nước; tặng quà (trực tiếp hoặc gián tiếp dưới mọi hình thức) để tác động,
gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và
các hoạt động khác có liên quan làm sai lệch kết quả giải quyết nguồn tin về tội
phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có
liên quan.
23. Cố ý để người có quan hệ
gia đình và người thân thích khác lợi dụng vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn
của mình để trục lợi hoặc tham gia bào chữa, tư vấn pháp lý trong vụ án, vụ việc
mà mình chỉ đạo giải quyết hoặc trực tiếp giải quyết.
24. Cố ý không giải quyết,
không thực hiện hoặc giải quyết, thực hiện không đúng quy định hoặc cản trở việc
giải quyết đối với các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu trong hoạt
động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
25. Tiết lộ thông tin, đe doạ,
trả thù, trù dập người kiến nghị, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp
thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án
và các hoạt động khác có liên quan thuộc phạm vi được giao quản lý, phụ trách.
26. Đe doạ, trả thù, trù dập,
mua chuộc người tố giác tội phạm, người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực
liên quan đến bản thân mình hoặc người có quan hệ gia đình trong quá trình giải
quyết vụ án, vụ việc, thi hành án.
27. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ,
quyền hạn, lạm quyền trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xâm hại đến
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng trái pháp luật các thông
tin, tài liệu thu thập được từ các biện pháp nghiệp vụ.
28. Các hành vi lợi dụng, lạm dụng
chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực khác trong hoạt động tố tụng,
thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật
của Nhà nước.
Điều 7.
Trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án
Trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn được giao, cấp uỷ, tổ chức đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
các nội dung sau:
1. Tham mưu xây dựng, thể chế
hoá, thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước
về hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; thực hiện
nghiêm các cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong
hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung,
hoàn thiện, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ,
chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; bảo đảm tính độc lập, khách quan, tuân thủ
pháp luật của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên và người
có thẩm quyền khác trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác
có liên quan.
3. Thực hiện nghiêm các quyết định,
yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố
tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; kịp thời huỷ bỏ, thay đổi
các quyết định tố tụng, thi hành án và các kết luận trái pháp luật; yêu cầu, kiến
nghị, kháng nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét lại các hành vi,
quyết định, kết luận không có căn cứ, trái pháp luật.
4. Tiếp nhận, giải quyết, trả lời
kịp thời, đúng quy định đối với các yêu cầu, kiến nghị, phản ánh, báo cáo, khiếu
nại, tố cáo, tố giác, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tố
tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
5. Bảo vệ, khen thưởng kịp thời
người phát hiện, phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông
tin về những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền,
tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác
có liên quan; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng việc phản ánh, kiến nghị,
khiếu nại, tố cáo để vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức,
cá nhân.
6. Thực hiện tự phê bình và phê
bình, trách nhiệm nêu gương, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xây
dựng văn hoá liêm chính và các biện pháp khác phòng ngừa các hành vi vi phạm, lợi
dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động
tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
7. Kiểm tra, giám sát, thanh tra,
kiểm toán; tăng cường vai trò, trách nhiệm, hiệu lực công tố và kiểm sát hoạt động
tư pháp của viện kiểm sát các cấp; tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của
cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp,
các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành
án và hoạt động khác có liên quan; trực tiếp kiểm tra, giám sát, kịp thời phát
hiện, xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi
dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực được quy định
tại Điều 6 Quy định này. Lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện
thuận lợi cho hoạt động và thực hiện nghiêm yêu cầu, kiến nghị, kết luận của
các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.
8. Định hướng hoạt động của các
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động
khác có liên quan; chủ trương xử lý các vụ án, vụ việc theo quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu kiểm tra, thanh tra, xem xét lại các quyết định
của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án
và các hoạt động khác có liên quan khi có thông tin phản ánh, yêu cầu, kiến nghị,
khiếu nại, tố cáo có căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
9. Không thực hiện các hành vi
quy định tại Điều 6 Quy định này.
Điều 8.
Trách nhiệm của thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, thành viên tập thể lãnh đạo của
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động
khác có liên quan
1. Thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm
vụ, quyền hạn được giao trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng,
thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật
của Nhà nước.
2. Gương mẫu thực hiện nghiêm
các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc,
quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; quy định về
những hành vi nghiêm cấm, những việc không được làm của cán bộ, đảng viên, công
chức, viên chức, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp
hành viên, giám thị và người có thẩm quyền khác trong hoạt động tố tụng, thi
hành án và các hoạt động khác có liên quan; trách nhiệm nêu gương, tự phê bình,
phê bình, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống liêm khiết, trong sạch, công tâm,
khách quan, công bằng trong thực thi công vụ và các biện pháp khác kiểm soát
quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
3. Không cản trở, tác động, can
thiệp trái pháp luật vào hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác
có liên quan và vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trong
lĩnh vực này.
4. Thường xuyên tự kiểm tra,
giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm,
lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt
động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan thuộc phạm vi quản
lý, phụ trách.
5. Chịu trách nhiệm trực tiếp
khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền,
tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách.
6. Chịu trách nhiệm với tư cách
thành viên tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, tổ chức và với tư
cách người quản lý, phụ trách lĩnh vực về những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm
dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong cấp uỷ, tổ chức
đảng, cơ quan, tổ chức và trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách.
7. Không thực hiện các hành vi
quy định tại Điều 6 Quy định này.
Điều 9.
Trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện
trách nhiệm quy định tại Điều 7 Quy định này; đồng thời thực
hiện nghiêm trách nhiệm quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3,
Khoản 4, Khoản 7, Điều 8 Quy định này.
2. Chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu về
những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham
nhũng, tiêu cực trong cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản
lý, phụ trách; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó,
thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, phụ trách;
chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ,
quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong đơn vị được phân công
trực tiếp quản lý, phụ trách.
Điều 10.
Trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và
các hoạt động khác có liên quan
1. Thực hiện trách nhiệm quy định
tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 7 Điều 8; đồng thời tuỳ
theo chức vụ đảm nhiệm để thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản
4, Khoản 5, Khoản 6, Điều 8 Quy định này.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp
luật và cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị về hành vi, quyết
định của mình. Chủ động từ chối tiến hành tố tụng, thi hành án và từ chối tham
gia các hoạt động khác có liên quan trong các trường hợp do pháp luật tố tụng,
thi hành án và pháp luật khác có liên quan quy định.
3. Chấp hành sự phân công, chỉ
đạo, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ
quan, tổ chức, đơn vị, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu có thẩm quyền; thực hiện
nghiêm chế độ thông tin, báo cáo công tác theo quy định.
Chương III
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11. Xử lý các hành vi
vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng,
tiêu cực
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng,
lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố
tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan phải bị xử lý nghiêm minh
theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức,
đơn vị.
Những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ,
quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực chưa có quy định xử lý thì căn cứ
vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định
của các tổ chức đoàn thể để xử lý cho phù hợp.
Trường hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy cần
thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị
trí công tác đang đảm nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức,
không bố trí công tác liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt
động khác có liên quan; thu hồi, không bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp, bổ
trợ tư pháp và các chức danh, chức vụ trong các cơ quan, tổ chức có hoạt động
khác có liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án.
2. Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu
trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo
quy định của pháp luật, nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ.
Điều 12. Xử
lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền
hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực
1. Đối với tổ chức:
Cấp uỷ, tổ chức đảng để xảy ra
hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng,
tiêu cực thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thì xử lý theo
quy định của Đảng.
2. Đối với lãnh đạo cấp uỷ, tổ
chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị:
- Người đứng đầu, thành viên cấp
uỷ, tổ chức đảng, thành viên tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy
ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham
nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có
liên quan tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, phạm vi công việc mình được phân công
trực tiếp quản lý, phụ trách thì xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của
Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Bị xem xét tăng trách nhiệm
trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn,
lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực mà không áp dụng các biện pháp cần thiết theo
thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm
hoặc không kịp thời báo cáo theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Được xem xét loại trừ trách
nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết
theo thẩm quyền để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức
vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi
hành án và các hoạt động khác có liên quan.
- Được xem xét miễn, giảm trách
nhiệm trong trường hợp chủ động phát hiện và đã áp dụng các biện pháp cần thiết
theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả hoặc báo cáo cấp có thẩm
quyền xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ,
quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực; hoặc trong trường hợp có căn cứ chứng
minh bản thân không đồng ý với nghị quyết, quyết định, kết luận, mệnh lệnh trái
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước của tập thể, hoặc của người đứng đầu
cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Được xem xét miễn hoặc giảm
hình thức kỷ luật nếu chủ động xin thôi giữ chức vụ, từ chức, xin nghỉ công tác
trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu
trách nhiệm hình sự.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung
ương, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt
Nam, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương
và các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, cụ
thể hoá, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định này.
2. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ,
Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân
tối cao và các cấp uỷ, tổ chức đảng liên quan lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi,
bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng, thi
hành án và các hoạt động khác có liên quan, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất
với Quy định này, không để sơ hở để bị lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm
quyền, tham nhũng, tiêu cực.
3. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội,
Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng
Kiểm toán Nhà nước, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo rà
soát, sửa đổi, tham mưu hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát
của Đảng, thanh tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận
Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và các cơ quan hành pháp đối
với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
4. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan theo dõi,
đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này; định kỳ sơ kết, tổng kết
báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 14. Hiệu lực
thi hành
Quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá
trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung thì báo cáo Bộ Chính
trị (qua Ban Nội chính Trung ương) xem xét, quyết định.
Nơi nhận:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Uỷ viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH
TRỊ
Trương Thị Mai
|