Quy định 02-QĐi/TU năm 2018 về tổ chức, hoạt động của đoàn kiểm tra, đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 02-QĐi/TU
Ngày ban hành 21/07/2018
Ngày có hiệu lực 21/07/2018
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Tất Thành Cang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 02-QĐi/TU

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 7 năm 2018

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN KIỂM TRA, ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY

- Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng;

- Căn cứ Quy định số 01-QĐi/UBKTTW ngày 03 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa X và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa X;

- Xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tại Tờ trình số 237-TTr/UBKTTU ngày 11 tháng 6 năm 2018;

Ban Thường vụ Thành ủy quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn kiểm tra, đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Quy định này quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn kiểm tra, đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy (viết tắt là đoàn) thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 30, Điều lệ Đảng và các nhiệm vụ do Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy giao.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của đoàn

1. Đoàn hoạt động dưới sự điều hành của trưởng đoàn và đồng chí Thường trực Thành ủy chỉ đạo đoàn.

Thành viên của đoàn chịu trách nhiệm trước trưởng đoàn; trưởng đoàn chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về hoạt động của đoàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Hoạt động của đoàn phải tuân theo Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và có sự phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng (khi cần thiết); đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ, kịp thời; không gây cản trở hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát và tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đoàn phải xem xét, đánh giá sự việc đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của đối tượng kiểm tra, giám sát; hướng dẫn, thuyết phục để đối tượng kiểm tra, giám sát hiểu và thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chấp hành nghiêm túc quyết định, kế hoạch kiểm tra, giám sát và yêu cầu của đoàn.

4. Khi đoàn làm việc với đối tượng kiểm tra, giám sát hoặc với tổ chức, cá nhân có liên quan, phải có từ hai thành viên trong đoàn trở lên tại nơi làm việc của thành viên đoàn, đối tượng kiểm tra, giám sát, tổ chức, cá nhân có liên quan và ghi biên bản làm việc.

Chương II

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ĐOÀN; TRƯỞNG ĐOÀN, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN, THÀNH VIÊN VÀ THƯ KÝ ĐOÀN

Điều 3. Tổ chức của đoàn

1. Đoàn do Ban Thường vụ Thành ủy thành lập gồm trưởng đoàn, các phó trưởng đoàn, các thành viên và thư ký, tổ giúp việc (nếu có), số lượng thành viên đoàn không quá 08 (tám) đồng chí; trường hợp đặc biệt do Thường trực Thành ủy xem xét, quyết định.

Đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm trưởng đoàn. Tùy theo nội dung kiểm tra, giám sát mà phân công các đồng chí Thành ủy viên, lãnh đạo các ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, thường trực cấp ủy, ủy viên ban thường vụ cấp ủy của các huyện ủy và tương đương, các sở - ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố làm phó trưởng đoàn, thành viên đoàn. Cán bộ, chuyên viên các ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, các sở - ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố làm thư ký. Việc thành lập đoàn thực hiện theo quy định của Ban Thường vụ Thành ủy.

2. Khi cần thiết, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định trưng tập đảng viên là cán bộ của các cơ quan khác tham gia đoàn hoặc làm thư ký đoàn; mời chuyên gia và cộng tác viên là đảng viên có kiến thức chuyên sâu trên một số lĩnh vực liên quan nội dung kiểm tra, giám sát tham gia tổ giúp việc cho đoàn.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn

1. Nhiệm vụ

- Thực hiện nhiệm vụ theo quy trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy.

- Hoàn chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát; đề cương hướng dẫn báo cáo; xây dựng lịch làm việc của đoàn; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; chuẩn bị, tập hợp các văn bản, tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra, giám sát.

- Chậm nhất sau 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định kiểm tra, giám sát, đoàn phải làm việc với đối tượng kiểm tra, giám sát để triển khai quyết định kiểm tra, giám sát.

[...]