Quy chế 562/QC-KL-BĐBP-CA-HQ-UBND phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, Ủy ban nhân dân huyện: Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên khu vực biên giới và ngăn chặn hoạt động vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật qua biên giới
Số hiệu | 562/QC-KL-BĐBP-CA-HQ-UBND |
Ngày ban hành | 12/09/2012 |
Ngày có hiệu lực | 12/09/2012 |
Loại văn bản | Quy chế |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kon Tum |
Người ký | Vũ Văn Lâu,Trần Văn Biên,Nguyễn Nhĩ,Lê Thị Thanh Huyền,Trịnh Văn Thành,Nguyễn Anh Dũng,Phan Trung Tường |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
CHI CỤC KIỂM
LÂM - BCH BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG - CÔNG AN TỈNH - CỤC HẢI QUAN GIA LAI-KONTUM-
UBND HUYỆN: ĐỨC CƠ, CHƯ PRÔNG, IA GRAI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 562/QC-KL-BĐBP-CA-HQ-UBND |
Gia Lai, ngày 12 tháng 09 năm 2012 |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA CHI CỤC KIỂM LÂM, BCH BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG, CÔNG AN TỈNH, CỤC HẢI QUAN GIA LAI-KON TUM, UBND HUYỆN: ĐỨC CƠ, CHƯ PRÔNG, IA GRAI TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN TRÊN KHU VỰC BIÊN GIỚI VÀ NGĂN CHẶN HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN, MUA BÁN LÂM SẢN TRÁI PHÁP LUẬT QUA BIÊN GIỚI
Căn cứ các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng; số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;
Căn cứ Thông tư liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng số 144/2002/TTLN/BNN&PTNT-BCA-BQP ngày 13/12/2002 Hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng;
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai tại Văn bản số 467/UBND-NL ngày 27/02/2012 V/v tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển, buôn bán lâm sản trái pháp luật;
Chi cục Kiểm lâm, BCH Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, UBND các huyện: Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai (sau đây gọi chung là các cơ quan ký kết quy chế) xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên khu vực biên giới và ngăn chặn hoạt động vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật qua biên giới (gọi tắt là quy chế phối hợp) với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ký kết quy chế nhằm kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên khu vực biên giới và ngăn chặn hoạt động vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật qua biên giới.
2. Yêu cầu:
Xác định rõ phạm vi, địa bàn hoạt động và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tham gia phối hợp.
Đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của nhau.
II. NGUYÊN TẮC PHỐI HỢP.
1. Hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên khu vực biên giới và ngăn chặn hoạt động vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật qua biên giới giữa các cơ quan ký kết quy chế là quan hệ hiệp đồng công tác, trên cơ sở đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của mỗi cơ quan tham gia phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của mỗi bên; đảm bảo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Đảm bảo bí mật về lực lượng, phương tiện, thông tin, biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý kịp thời, kiên quyết, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên khu vực biên giới và ngăn chặn hoạt động vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật qua biên giới.
III. TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP:
1. Trách nhiệm chung:
Các cơ quan ký kết quy chế thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau để kịp thời nắm bắt tình hình và thống nhất biện pháp xử lý các vụ việc được phát hiện và các tình huống có liên quan. Cụ thể:
- Trao đổi cung cấp những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; tình hình, kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên khu vực biên giới và ngăn chặn hoạt động vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật qua biên giới.
- Chủ động tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ tham gia các khóa học tập huấn, hội nghị, hội thảo, tham quan trong và ngoài nước (nếu điều kiện cho phép).
- Quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu phát hiện cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ của cơ quan ký kết quy chế có biểu hiện vi phạm hoặc dấu hiệu tiêu cực thì kịp thời trao đổi thông tin cho lãnh đạo cơ quan liên quan biết để có biện pháp giáo dục phòng ngừa hoặc xử lý kịp thời.
2. Trách nhiệm của các cơ quan ký kết quy chế:
a. Chi cục Kiểm lâm tỉnh:
Chủ trì cùng các cơ quan ký kết quy chế:
- Xây dựng kế hoạch chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên khu vực biên giới.
- Tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho cán bộ, công chức Nhà nước, nhân dân khu vực biên giới nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không tham gia vận chuyển lâm sản trái pháp luật qua biên giới.
- Cung cấp các tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật của ngành lâm nghiệp cho các cơ quan ký kết quy chế nắm rõ các nội dung về công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản để chỉ đạo các đơn vị cấp dưới xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng; thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, điều tra và xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
- Cử cán bộ, công chức tham gia khi các cơ quan ký kết quy chế có yêu cầu tăng cường lực lượng để phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.