Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Pháp lệnh cảnh vệ năm 2005

Số hiệu 25/2005/PL-UBTVQH11
Ngày ban hành 02/04/2005
Ngày có hiệu lực 01/10/2005
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/2005/PL-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2005

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 25/2005/PL-UBTVQH11 NGÀY 02 THÁNG 4 NĂM 2005 VỀ CẢNH VỆ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Nghị quyết số 35/2004/QH11 ngày 25 tháng 11 năm 2004 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005;
Pháp lệnh này quy định về cảnh vệ.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định về đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân trong công tác cảnh vệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Pháp lệnh này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối tượng cảnh vệ được quy định tại Pháp lệnh này.

2. Công tác cảnh vệ là thực hiện các biện pháp cơ bản theo quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối tượng cảnh vệ.

Điều 4. Nguyên tắc công tác cảnh vệ

1. Tuân thủ Hiến pháp, các quy định của pháp luật trong tổ chức và thực hiện công tác cảnh vệ, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

3. Dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội; chủ động phòng ngừa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động và các hành vi khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

Điều 5. Trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong công tác cảnh vệ

1. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác cảnh vệ; chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện công tác cảnh vệ.

2. Bộ Quốc phòng quản lý lực lượng cảnh vệ và công tác cảnh vệ trong Quân đội.

3. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ giữa cảnh vệ thuộc Bộ Công an và cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 6. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác cảnh vệ

Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện công tác cảnh vệ.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân trong công tác cảnh vệ

Cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu của lực lượng cảnh vệ, phối hợp với lực lượng cảnh vệ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Pháp lệnh này.

Điều 8. Chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ

Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ nếu có thành tích thì được khen thưởng; người bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường, người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

[...]