Nghị quyết 13/2011/NQ-HĐND thông qua đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu | 13/2011/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 09/12/2011 |
Ngày có hiệu lực | 19/12/2011 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Võ Thành Hạo |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2011/NQ-HĐND |
Bến Tre, ngày 09 tháng 12 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2015
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Sau khi xem xét Tờ trình số 5069/TTr-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Nghị quyết về Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án số 5288/ĐA-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm:
a) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bao gồm cả về thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, hành vi và ý thức chính trị - xã hội nhằm phát huy vai trò quyết định của nhân tố con người trong việc thực hiện đạt yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015.
b) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải cân đối, hài hoà về cơ cấu giữa các ngành nghề, các lĩnh vực, các địa phương; đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị và việc sử dụng lao động của toàn xã hội.
c) Phải chú trọng xã hội hoá, huy động nhiều nguồn lực để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi phù hợp.
2. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:
- Nâng cao trí lực và kỹ năng lao động:
+ Tạo ra nguồn nhân lực có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng nhanh, chủ động, sáng tạo trong môi trường sống và làm việc theo hướng công nghiệp; có hành vi và ý thức chính trị - xã hội theo yêu cầu phát triển con người toàn diện; trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hoá, đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ.
+ Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế từ 40% năm 2010 lên 50% vào năm 2015. Tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục trung học; đến năm 2015 tỉnh có 200 sinh viên/vạn dân.
- Nâng cao thể lực nhân lực:
+ Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh nhất là tuyến y tế cơ sở, xem đây là mục tiêu quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
+ Đến năm 2015, đạt tối thiểu 29,66 giường bệnh/1 vạn dân; 7,15 bác sỹ/1 vạn dân; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 90% dân số có bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 14%; số người tham gia tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 35%; tuổi thọ trung bình đạt 74 tuổi; chiều cao trung bình của thanh niên là 1,63 mét trở lên.
- Nâng cao đạo đức, lối sống:
+ Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, lao động đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
+ Đảm bảo đến năm 2015 có 100% cán bộ, công chức các cấp được trang bị đủ kiến thức quy định theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức; 100% những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ và thái độ làm việc phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm.
Điều 2. Giải pháp
1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân để giúp mọi người hiểu rõ về vai trò của phát triển và sử dụng nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội.