Nghị quyết 92/NQ-HĐND năm 2013 giám sát và thực hiện kiến nghị sau giám sát của hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 92/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/09/2013
Ngày có hiệu lực 18/09/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Văn Tư
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 18 tháng 9 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ GIÁM SÁT VÀ THỰC HIỆN KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP TỈNH ĐỒNG NAI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị Quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế hoạt động của HĐND các cấp;

Sau khi xem xét Tờ trình số 569/TTr-HĐND ngày 16/9/2013 của Thường trực HĐND tỉnh về giám sát và thực hiện kiến nghị sau giám sát, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng áp dụng: Nghị quyết này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát, thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Đánh giá thực trạng về hoạt động giám sát và thực hiện kiến nghị giám sát

1. Kết quả đạt được

a) Về hoạt động giám sát:

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hoạt động giám sát cơ bản đúng theo chương trình đề ra. Hoạt động giám sát cơ bản tuân thủ quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 16/11/2003 và Quy chế hoạt động của HĐND các cấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII nhiệm kỳ 2011 - 2016 và Quy chế hoạt động của HĐND của các địa phương.

Trong giám sát, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn đã linh hoạt lựa chọn hình thức giám sát phù hợp. Thành phần đoàn giám sát có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung giám sát để thuận lợi cho hoạt động giám sát và mời đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tham gia để giám sát hoạt động của HĐND. UBMTTQVN các cấp trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức HĐND theo đúng quy chế phối hợp; đại biểu UBMTTQVN các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm của UBMTTQVN trong hoạt động giám sát HĐND.

Công tác giám sát được thực hiện cơ bản tốt từ chuẩn bị đến kết luận và theo dõi kiến nghị sau giám sát. Hình thức và thời gian giám sát hợp lý. Nội dung giám sát phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hàng năm, có chú trọng đến ý kiến cử tri và những vấn đề bức xúc trong xã hội. Thực hiện tốt việc phối hợp lựa chọn nội dung, thời gian giám sát giữa các cấp và các tổ chức của HĐND trên địa bàn.

HĐND các cấp cơ bản thực hiện đầy đủ hình thức giám sát theo quy định của pháp luật. Trong thực hiện đã chú trọng việc đổi mới phương thức giám sát, nhất là việc chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp. Các ý kiến được chất vấn tại kỳ họp phần lớn là những nội dung bức xúc, được cử tri quan tâm.

b) Về thực hiện kiến nghị sau giám sát:

Kiến nghị của HĐND các cấp đều nhận được sự đồng tình của UBND các cấp trên địa bàn. Phần lớn các kiến nghị đã được tổ chức thực hiện. Việc theo dõi thực hiện kiến nghị được các tổ chức HĐND các cấp trên địa bàn rà soát và có ý kiến với các cơ quan, đơn vị thực hiện. Kết quả thực hiện các kiến nghị của HĐND đã góp phần quan trọng trong tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; hỗ trợ UBND các cấp có thêm biện pháp để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đề ra hằng năm và giai đoạn.

2. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân hạn chế

a) Về hoạt động giám sát:

- Trong việc ban hành chương trình giám sát: Việc quyết định chương trình giám sát năm của HĐND các cấp trên địa bàn chưa được thực hiện bằng nghị quyết của HĐND theo quy định của Quy chế hoạt động của HĐND các cấp; chưa thành lập đoàn giám giám sát của HĐND. Việc xem xét, quyết định chương trình giám sát năm, quý của Thường trực HĐND cấp huyện, Thường trực HĐND cấp xã và một số ban HĐND các cấp trên địa bàn chưa thực hiện đúng quy trình quy định. Một số tổ chức HĐND xây dựng chương trình giám sát năm chưa xác định trọng tâm, trọng điểm.

- Trong hoạt động giám sát:

+ Các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu sự giám sát thường gửi báo cáo đến đoàn giám sát chậm thời gian quy định. Một số cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát báo cáo chưa đầy đủ theo đề cương yêu cầu; nội dung kiến nghị với đoàn giám sát mang tính chung chung.

+ Khi thành lập đoàn giám sát, thành viên đoàn được cơ cấu đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung giám sát nhưng đa số các cơ quan, đơn vị cử chuyên viên tham gia (có trường hợp chuyên viên không nắm được chuyên môn) nên gây khó khăn cho đoàn giám sát trong quá trình giám sát. Thành viên đoàn giám sát thường không tham dự đủ 100%.

+ Chưa thực hiện toàn diện các hình thức giám sát như: Thường trực HĐND chưa tổ chức xem xét báo cáo kết quả giám sát của Ban HĐND; một số Ban HĐND chưa thực hiện cử thành viên đến các tổ chức hữu quan để xem xét, xác minh về vấn đề quan tâm; việc giám sát thông qua hình thức xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, địa phương chưa thường xuyên.

+ Đôi lúc còn xảy ra tình trạng bị trùng thời gian và nội dung giám sát ở một đơn vị, địa phương. Một số cuộc giám sát chưa tuân thủ đầy đủ quy trình giám sát.

[...]