HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
91/2010/NQ-HĐND
|
Phan
Thiết, ngày 29 tháng 6 năm 2010
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 77/2008/NQ-HĐND ngày 08/12/2008 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ
quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm 2025;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2898/TTr-UBND ngày 23/6/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh
về việc Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra
của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Nhất trí thông qua tờ trình của UBND tỉnh về quy hoạch
xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu
phát triển:
Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế
của vùng tỉnh Bình Thuận để phấn đấu đến năm 2030, vùng tỉnh Bình Thuận sẽ là một
trong những trung tâm công nghiệp điện năng, công nghiệp khai khoáng, dầu khí,
du lịch của cả nước; giao thương thuận lợi với ba vùng kinh tế động lực của quốc
gia là: vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung
Bộ; ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp,
đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh quốc
phòng.
2. Phạm vi lập
quy hoạch nghiên cứu:
Phạm vi quy hoạch xây dựng vùng
trong phạm vi ranh giới toàn tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích tự nhiên
7.810,43 km2, bao gồm thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và 8 huyện: Tuy Phong,
Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Phú Quý.
Phạm vi nghiên cứu có mối quan hệ với các vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng
duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên.
3. Dự báo dân số:
a) Dân số toàn vùng:
- Năm 2020: khoảng 1.400.000 -
1.450.000 người;
- Năm 2030: khoảng 1.600.000 -
1.700.000 người.
b) Dân số đô thị:
- Năm 2020: khoảng 750.000 -
800.000 người;
- Năm 2030: khoảng 1.000.000 -
1.100.000 người.
c) Tỷ lệ đô thị hóa:
- Năm 2020: khoảng 50 - 55%;
- Năm 2030: khoảng 60 - 65%.
4. Quy hoạch sử
dụng đất:
a) Quy mô đất đai xây dựng đô thị:
- Đến năm 2020: khoảng 15.000 -
16.000 ha;
- Đến năm 2030: khoảng 23.000 -
25.000 ha.
b) Nhu cầu đất xây dựng khu ở
nông thôn:
- Đến năm 2020: diện tích đất
xây dựng khu ở là 18.000 ha;
- Đến năm 2030: diện tích đất
xây dựng khu ở là 22.000 ha.
c) Quy mô đất đai công nghiệp tập
trung:
- Đến năm 2020: khoảng 7.000 -
9.500 ha;
- Đến năm 2030: khoảng 11.000 -
12.000 ha.
5. Định hướng
phát triển không gian vùng:
a) Cấu trúc không gian vùng:
- Cấu trúc không gian các vùng
đô thị - công nghiệp tập trung: từ trung tâm thành phố Phan Thiết bán kính ảnh
hưởng 10 - 30 km, bao gồm các đô thị Phan Thiết là hạt nhân, Ma Lâm, Tân Thành,
Thuận Nam. Các khu công nghiệp tập trung Phan Thiết, Hàm Kiệm, Hàm Cường và các
cụm công nghiệp gắn với các đô thị;
- Cấu trúc không gian theo cực
phát triển vùng đối trọng:
+ Cực phát triển vùng Tây Nam hướng
về phía Bà Rịa - Vũng Tàu với thị xã La Gi là hạt nhân và các đô thị Sơn Mỹ,
Tân Minh và Tân Nghĩa. Các khu công nghiệp tập trung Sơn Mỹ, Tân Đức, Tân Hải;
+ Cực phát triển vùng Đông Bắc
theo Quốc lộ 1A, đường ven biển (ĐT716) đi thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Chuỗi
đô thị Phan Rí Cửa, Hòa Thắng, Chợ Lầu, Liên Hương, trong đó thị xã Phan Rí Cửa
là hạt nhân phát triển. Các khu công nghiệp tập trung Tuy Phong, công nghiệp
khai khoáng, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;
+ Cực phát triển vùng Tây Bắc,
theo Quốc lộ 55 đi Lâm Đồng, chuỗi đô thị Võ Xu, Đức Tài, Lạc Tánh với đô thị
Võ Xu là hạt nhân. Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với vùng
nguyên liệu địa phương trong vùng.
- Cấu trúc không gian vùng cảnh
quan: vùng cảnh quan tự nhiên, bao gồm các khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Núi
Ông, Kalong - Sông Mao, hệ thống sông La Ngà, sông Dinh, sông Phan, sông Cái,
sông Lũy, sông Lòng Sông, cùng với các hồ Hàm Thuận, hồ Đa Mi, hồ Biển Lạc, hồ
Sông Quao, hồ Suối Đá, hồ Lòng Sông, hồ Phan Dũng, hồ Đá Bạc, hồ Núi Đất cùng với
bờ biển, tạo nên khung cảnh quan dọc biển, sông, hồ trong vùng; cùng với vùng sản
xuất lâm nghiệp và các vùng du lịch sinh thái đồi núi - ven biển kết nối vùng
trung tâm và các cực trong vùng thành một cấu trúc không gian cảnh quan hoàn chỉnh
và bền vững.
b) Định hướng tổ chức phát triển
không gian vùng đến năm 2030:
- Phân vùng phát triển kinh tế
vùng tỉnh Bình Thuận được phân thành 4 vùng:
+ Vùng kinh tế động lực: gồm
thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam và huyện đảo Phú
Quý; thành phố Phan Thiết vừa là đô thị trung tâm toàn vùng vừa là hạt nhân
vùng động lực;
+ Vùng kinh tế phía Tây Nam: gồm
thị xã La Gi và huyện Hàm Tân, là vùng phát triển năng động thứ 2 của tỉnh Bình
Thuận; đô thị hạt nhân là thị xã La Gi;
+ Vùng kinh tế La Ngà: gồm huyện
Tánh Linh và Đức Linh, đô thị hạt nhân là thị trấn Võ Xu;
+ Vùng kinh tế phía Đông Bắc: gồm
huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong, thị xã Phan Rí Cửa là đô thị trung tâm vùng
Đông Bắc.
- Phân vùng hệ thống đô thị và
điểm dân cư nông thôn:
+ Phân vùng hệ thống đô thị: dự
báo đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có 22 đô thị. Thành phố Phan Thiết là trung
tâm vùng đóng vai trò vừa là đô thị hạt nhân của tỉnh Bình Thuận vừa là đô thị
trung tâm cấp vùng, trung tâm phía Nam của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; có vị
thế quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước nói chung và khu
vực Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng; thị xã La Gi và thị xã Phan Rí Cửa là
trung tâm tiểu vùng phía Nam và phía Bắc tỉnh Bình Thuận;
+ Phân vùng điểm dân cư nông
thôn: hình thành các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông
thôn mới, bao gồm các trung tâm cụm xã, trung tâm xã và các thị tứ công nghiệp,
thị tứ dịch vụ, thị tứ du lịch. Riêng đối với vùng đô thị, dân cư ven biển bị ảnh
hưởng bởi sự biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ có kế hoạch, giải pháp sắp xếp tại những
khu vực cụ thể theo quy hoạch xây dựng được duyệt.
- Phân bố mạng lưới đô thị theo
tính chất và chức năng:
+ Hệ thống đô thị trung tâm vùng
và trung tâm tiểu vùng: thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, thị xã Phan Rí Cửa,
thị xã Phú Quý, thị trấn Võ Xu;
+ Hệ thống đô thị phân theo tính
chất chức năng tổng hợp: thành phố Phan Thiết, thị trấn Liên Hương, thị trấn Chợ
Lầu, thị trấn Thuận Nam, thị trấn Tân Nghĩa, thị trấn Ma Lâm, thị trấn Lạc
Tánh, thị trấn Đức Tài;
+ Hệ thống đô thị chuyên ngành,
đô thị mới cấp huyện:
Đô thị du lịch, thương mại dịch vụ:
thị trấn Hòa Thắng, thị trấn Phan Rí Thành, thị trấn Đa Mi, thị trấn Tân Minh,
thị trấn Lương Sơn;
Đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng:
đô thị Tân Thành, đô thị Sơn Mỹ, thị trấn Vĩnh Tân.
- Vùng phát triển công nghiệp:
+ Vùng công nghiệp trung tâm
vùng tại thành phố Phan Thiết - Hàm Thuận Nam - Hàm Thuận Bắc: bố trí các ngành
công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sạch,
công nghiệp sử dụng cảng biển;
+ Vùng công nghiệp tập trung
vùng Tây Nam tại thị xã La Gi và huyện Hàm Tân: bố trí các ngành công nghiệp
nhiệt điện than, hóa chất, hóa dầu, vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản,
đóng sửa tàu thuyền;
+ Vùng công nghiệp vùng phía
Đông tại huyện Bắc Bình và Tuy Phong: bố trí các ngành chế biến muối tinh, hóa
chất sau muối, nước khoáng, công nghiệp điện năng, sản xuất vật liệu xây dựng từ
xỉ than, đóng sửa tàu thuyền, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng;
+ Vùng công nghiệp - tiểu thủ
công nghiệp vùng phía Tây Bắc tại huyện Đức Linh và Tánh Linh: bố trí các ngành
công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, làng nghề truyền
thống.
- Vùng sinh thái, du lịch nghỉ
dưỡng:
+ Các vùng du lịch quốc gia: hạt
nhân là thành phố Phan Thiết và các đô thị trong vòng bán kính 30 km. Xây dựng
trung tâm thương mại, tài chính, vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, hội nghị
- triển lãm tại trung tâm thành phố Phan Thiết; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển,
giải trí - thể dục thể thao cao cấp; du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội;
+ Các cụm du lịch cấp vùng:
Cụm du lịch La Gi - Hàm Tân -
Hàm Thuận Nam: du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển - hồ cảnh quan, leo núi Tà Cú,
tắm bùn, suối khoáng nóng, vui chơi giải trí, thể thao biển - núi, du lịch văn
hóa lễ hội Dinh Thầy Thím, chùa núi Tà Cú;
Cụm du lịch Bắc Bình - Tuy
Phong: du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển, cảnh quan hồ, đồi cát, du lịch tham
quan, leo núi khu bảo tồn thiên nhiên Kalong - Sông Mao, hồ thủy điện Bắc Bình,
suối khoáng nóng;
Cụm du lịch Đức Linh - Tánh
Linh: du lịch sinh thái rừng núi và hồ cảnh quan, tham quan Khu bảo tồn thiên
nhiên Núi Ông, làng nghề truyền thống,...;
Cụm du lịch đảo Phú Quý: du lịch
văn hóa, nghỉ dưỡng biển, thể thao, sinh thái biển và rừng, vui chơi giải trí.
+ Các tuyến du lịch nội vùng:
tuyến du lịch sinh thái sông, biển - đảo và bán đảo (tuyến đường ven biển), tuyến
du lịch sinh thái biển kết nối du lịch rừng núi;
+ Các tuyến du lịch quốc tế - quốc
gia: nghiên cứu đề xuất với Tổng cục du lịch hỗ trợ địa phương mở tuyến du lịch
nối Bình Thuận với Tây Nguyên, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan; tuyến nối liên kết
du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng thành phố Hồ Chí Minh kết nối Bình
Thuận với các trung tâm du lịch thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Nha Trang,
thành phố Đà Nẵng và thành phố Đà Lạt;
+ Vùng cảnh quan, khu bảo tồn
thiên nhiên: Khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú, Núi Ông, Kalong - Sông Mao.
- Vùng nông, lâm nghiệp, thủy sản:
+ Vùng nông nghiệp: vùng chuyên
canh sản xuất lúa hàng hóa, tập trung ở 3 khu vực Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và
Tánh Linh - Đức Linh; vùng chuyên canh cây ăn quả chủ yếu là cây thanh long tập
trung Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân; vùng cây cao su, điều: ở
Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh.
Vùng chăn nuôi đại gia súc: chủ
yếu là bò thịt tập trung ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân,
Tánh Linh và Đức Linh; chăn nuôi heo công nghiệp tập trung ở Hàm Tân, Đức Linh,
Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Phát triển mô hình chăn nuôi đàn dê, cừu
tại huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc...;
+ Vùng lâm nghiệp: xây dựng rừng
phòng hộ ở những vùng xung yếu các huyện miền núi Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm
Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh và trồng rừng trên vùng đất cát ven biển, chống
sa mạc hóa (Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Hàm Tân);
+ Vùng thủy sản: phát triển khai
thác xa bờ, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề
cá.
- Định hướng phát triển hạ tầng
xã hội vùng:
+ Phân bố hệ thống đào tạo vùng:
Xây dựng trung tâm đào tạo mang
tính chất vùng tại thành phố Phan Thiết như Trường Đại học Bình Thuận trên cơ sở
sát nhập nâng cấp Trường Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Bình Thuận; Trường
Đại học Tư thục.
Xây dựng các trường trung học
chuyên nghiệp, trường trung cấp dạy nghề tại thành phố Phan Thiết và tại trung
tâm các tiểu vùng thị xã La Gi, thị xã Phan Rí Cửa, thị trấn Võ Xu để đào tạo
nhân lực cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh.
Nâng cấp 4 Trung tâm Giáo dục
thường xuyên - hướng nghiệp tại thị xã La Gi, Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh.
Xây dựng mới Trung tâm Giáo dục thường xuyên - học nghề huyện Tuy Phong, Hàm
Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Phú Quý;
+ Phân bố hệ thống y tế vùng:
Trung tâm Y tế cấp vùng: nâng cấp
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận (800 - 1.000 giường), các bệnh viện hiện hữu
như Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Bắc
Bình Thuận và Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận, bệnh viện tư nhân. Xây dựng mới
các bệnh viện chuyên khoa: Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi (300 giường), Bệnh
viện Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần,
Trung tâm Điều dưỡng - Chữa bệnh - Nghỉ dưỡng,... Quy mô mỗi bệnh viện 100 giường.
Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa
khoa tại thị xã La Gi, thị xã Phan Rí Cửa thuộc tỉnh, quy mô 150 - 300 giường bệnh.
Hệ thống mạng lưới bệnh viện cấp
huyện: bố trí ở các trung tâm huyện lỵ, quy mô 50 - 100 giường bệnh;
+ Phân bố hệ thống văn hóa, nghệ
thuật, thể dục thể thao vùng:
Thành phố Phan Thiết là trung
tâm văn hóa - thể dục thể thao cấp vùng, cấp tỉnh: đầu tư xây dựng mới Bảo tàng
tổng hợp tỉnh, nâng cấp cải tạo khu di tích lịch sử văn hóa Dục Thanh; xây dựng
nâng cấp Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh, Đài Phát
thanh - Truyền hình tỉnh; xây dựng mới Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh,
Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia mang tính chất vùng.
Cải tạo nâng cấp các trung tâm
văn hóa, thể dục thể thao, thư viện cấp thành phố, huyện, thị xã tại thành phố
Phan Thiết, thị xã La Gi, thị xã Phan Rí Cửa và các huyện;
+ Phân bố hệ thống dịch vụ
thương mại:
Hình thành trung tâm giao dịch
thương mại tại thành phố Phan Thiết, các trung tâm thương mại cấp tiểu vùng tại
các trung tâm đô thị: thị xã La Gi, thị xã Phan Rí Cửa và thị trấn Võ Xu.
Xây dựng các chợ đầu mối giao dịch,
mua bán nông sản, rau quả xuất khẩu tại huyện Hàm Thuận Nam. Hình thành khu vực
chợ đầu mối ở thành phố Phan Thiết kết hợp trung tâm thương mại - dịch vụ nghề
cá.
6. Định hướng
phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
a) Giao thông:
- Đường bộ:
+ Giao thông đối ngoại: kiến nghị
với Chính phủ nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh. Xây dựng tuyến
tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, Lương Sơn
và đường liên vùng phía Bắc, trục đường ven biển. Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 28,
Quốc lộ 55. Nâng cấp và chuyển thành quốc lộ mới trên cơ sở đường ĐT 715 và đường
Lương Sơn - Đại Ninh kết nối với tỉnh Lâm Đồng. Kết nối hệ thống giao thông đường
bộ của tỉnh với đường bộ cao tốc Bắc Nam;
+ Giao thông đối nội: nâng cấp mở
rộng các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ hiện có; xây dựng mới các tuyến đường
ven biển, kết nối chặt chẽ với mạng lưới giao thông quốc gia.
- Đường sắt: kiến nghị với Chính
phủ khi xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, trên địa bàn tỉnh hình thành ít nhất
là 02 ga chính tại Phan Thiết, Phan Rí Cửa và sớm triển khai xây dựng tuyến đường
sắt từ Đắk Nông đến cảng Kê Gà phục vụ dự án xuất khẩu Boxít - Alumin. Nâng cấp
đường sắt và các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu qua địa phận tỉnh
Bình Thuận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy hoạch phát triển đường sắt đến
năm 2020. Xây dựng ga Phan Thiết mới.
- Đường thủy:
+ Đường biển: nâng cao năng lực
của các tuyến đường biển nội tỉnh; đầu tư các phương tiện có tốc độ nhanh đi
các điểm ven biển và đảo Phú Quý;
+ Đường thủy nội địa: nạo vét luồng
lạch tuyến sông Cái, sông Cà Ty (Phan Thiết), cửa sông Lũy (Phan Rí Cửa), sông
Lòng Sông (Liên Hương) với cấp đường thủy cấp 4 để tàu thuyền ra vào cảng cá,
tàu thuyền neo đậu tránh bão;
+ Hệ thống cảng: kiến nghị Chính
phủ sớm triển khai xây dựng cảng Kê Gà, cảng chuyên dùng Vĩnh Tân và Sơn Mỹ;
nâng cấp cảng Phú Quý và hoàn thiện cảng Phan Thiết. Nâng cấp cảng cá Phan Rí Cửa,
La Gi, Liên Hương phục vụ nghề cá và dịch vụ sửa chữa tàu thuyền đánh bắt thủy
sản; đầu tư mới cảng du lịch Hòn Rơm.
- Đường hàng không: đề nghị
Chính phủ có kế hoạch đầu tư xây dựng mới sân bay Phan Thiết tại xã Hòa Thắng -
huyện Bắc Bình, sân bay Phú Quý, cải tạo nâng cấp sân bay Phan Thiết (cũ) phục
vụ du lịch kết hợp dịch vụ dầu khí, cứu hộ, dân sinh.
b) Chuẩn bị kỹ thuật:
- Công tác phòng chống lũ: khai
thông dòng chảy để đảm bảo khả năng thoát lũ của hệ thống sông; xây dựng bảo vệ
hệ thống đê kè biển và sông để chống xâm thực và sạt lỡ; xây dựng hồ chứa thượng
lưu và các đập dâng; trồng cây và bảo vệ rừng đầu nguồn sông, suối, cồn cát ven
biển để giữ đất, giữ nước chống xói mòn, sạt lỡ làm chậm dòng chảy lũ, chống lũ
quét;
- Quy hoạch tiêu thoát nước: đối
với các đô thị mới, xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng. Đối với
khu vực đô thị cũ, cải tạo xây dựng hệ thống thoát nước chung và cống bao có hố
tách dòng để thu gom nước thải dẫn tới trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị.
c) Định hướng cấp nước:
Nguồn cấp nước cho vùng chủ yếu
là nguồn nước mặt từ các sông La Ngà, sông Lũy, sông Quao, sông Cà Ty và sông
Dinh. Hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể cấp nước tỉnh Bình Thuận, phân vùng cấp nước
thành các vùng - tuyến chính cấp nước; xây dựng các nhà máy nước cấp vùng cho
các nhu cầu cấp nước toàn vùng;
d) Định hướng cấp điện: đề nghị
Chính phủ quan tâm chỉ đạo phát triển các dự án thủy điện, phong điện và nhiệt
điện trên địa bàn tỉnh để đạt được tổng công suất năm 2020: 9.500 MW, năm 2030:
12.000 MW. Xây dựng lưới điện gồm các trạm biến thế 500 KV, 220 KV, 110 KV theo
quy hoạch của ngành điện, các trạm biến thế 110 KV cho các khu công nghiệp Hàm
Cường, Tân Hải, Sơn Mỹ 2, các tuyến cao thế liên kết 500 KV, 220 KV, 110 KV với
các nhà máy điện mới;
đ) Định hướng thoát nước thải,
quản lý chất thải rắn, nghĩa trang:
- Thoát nước thải: xây dựng hệ
thống thoát nước chung đối với thành phố và các đô thị cũ; xây dựng hệ thống nước
thải riêng (nước mưa riêng) có trạm xử lý cho các khu vực xây dựng mới;
- Chất thải rắn: xây dựng khu xử
lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh tại huyện Hàm Thuận Nam; các khu xử lý chất thải
rắn liên đô thị tại huyện Hàm Tân, thị xã La Gi, khu vực Đức Linh - Tánh Linh
và khu vục Bắc Bình - Tuy Phong;
- Nghĩa trang: xây dựng nghĩa
trang cấp vùng tỉnh tại khu vực giáp ranh 2 huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam;
các nghĩa trang nhân dân cấp vùng (liên đô thị) tại khu vực huyện Hàm Tân, Bắc
Bình, khu vực giáp ranh 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh.
e) Định hướng bảo vệ môi trường:
- Tăng cường kiểm soát, xử lý ô
nhiễm môi trường đô thị, xử lý triệt để các loại nước thải, chất thải rắn, kiểm
soát khí thải tại khu đô thị và các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và
làng nghề, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
- Bảo vệ hệ sinh thái rừng đầu
nguồn và thảm thực vật phòng hộ. Khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên
và thảm xanh hiện hữu.
Điều 2.
Giao UBND tỉnh nghiên cứu ý kiến đóng góp của các vị đại
biểu HĐND tỉnh, hoàn chỉnh báo cáo, phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình
Thuận đến năm 2030 và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp
luật.
Điều 3.
Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các vị đại
biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh
Bình Thuận khóa VIII, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2010 và có hiệu
lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.