Nghị quyết 88/2009/NQ-HĐND về phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2009 - 2015 do tỉnh Hưng Yên ban hành
Số hiệu | 88/2009/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 27/07/2009 |
Ngày có hiệu lực | 01/08/2009 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hưng Yên |
Người ký | Nguyễn Văn Thông |
Lĩnh vực | Giáo dục |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88/2009/NQ-HĐND |
Hưng Yên, ngày 27 tháng 7 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHOÁ XIV - KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Luật Giáo dục ngày 14/6/2005;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non; số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015;
Căn cứ Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 17/7/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI về chương trình Phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2006 - 2010, một số định hướng đến 2015;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1282 /TTr-UBND ngày 15/7/2009 của UBND tỉnh về việc phát triển giáo dục mầm non tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2009 - 2015; căn cứ khả năng ngân sách địa phương; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hoá xã hội và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
I. Nhất trí thông qua Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2009 - 2015, với các nội dung cơ bản sau:
A. MỤC TIÊU:
Mục tiêu chung: Phát triển giáo dục mầm non nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non; đa dạng hoá các phương thức chăm sóc, giáo dục; bảo đảm chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non theo quy định. Phấn đấu từ năm 2010, hầu hết trẻ em đều được chăm sóc, giáo dục bằng những hình thức thích hợp, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.
Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2010 huy động trẻ em đến nhà trẻ đạt 45%, đến mẫu giáo đạt 95%, trẻ em 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt gần 100%. Đến năm 2015, huy động trẻ em đến nhà trẻ đạt 55% đến mẫu giáo 98%, duy trì gần 100% trẻ em 5 tuổi đến lớp.
- Phấn đấu có trên 85% giáo viên đạt chuẩn vào năm 2010, trong đó giáo viên mẫu giáo đạt chuẩn trên 95%, đạt trên chuẩn 22%; 100% giáo viên đạt chuẩn vào năm 2015, trong đó trên chuẩn đạt 30%.
- Phấn đấu đến năm 2010 có 25%, đến năm 2015 có trên 50% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
- Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng năm 2010 dưới 10%, năm 2015 dưới 8%.
B. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Xây dựng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non theo Quyết định 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010”.
2. Thực hiện chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục mầm non mới theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; củng cố và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; rà soát, sắp xếp, chuyển đổi loại hình giáo dục mầm non theo Luật Giáo dục, quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo; thực hiện tốt chương trình kiên cố hoá trường, lớp học theo Quyết định 20/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đồ chơi ngoài trời để đảm bảo tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; thực hiện xã hội hoá giáo dục mầm non theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể thao; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
3. Đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông về giáo dục mầm non. Các ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng, chế độ, chính sách của Nhà nước về giáo dục mầm non; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong sự phát triển nguồn lực con người; tăng cường thông tin, truyền thông về kiến thức, kỹ năng nuôi dậy trẻ theo khoa học.
4. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục mầm non, làm tốt nhiệm vụ tham mưu, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục mầm non theo quy định.
5. Quy định một số chế độ, chính sách đối với giáo dục mầm non:
Tăng cường thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002, Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm cho giáo viên mầm non hợp đồng trong định mức tại các cơ sở giáo dục mầm non bán công của tỉnh hiện nay được hưởng chế độ không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định; được tham gia Bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ học tập, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ như giáo viên có cùng trình độ đào tạo, cùng nhiệm vụ, đang công tác ở các cơ sở mầm non công lập; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở mầm non ngoài công lập. Hàng năm dành tối thiểu 10% tổng chi ngân sách sự nghiệp giáo dục - đào tạo cho giáo dục mầm non, để thực hiện các nội dung:
5.1. Mức hỗ trợ hàng tháng cho giáo viên trường mầm non bán công đang hợp đồng trong định mức, được thực hiện từ ngày 01/7/2009, cụ thể như sau:
- Đối với giáo viên trình độ trên chuẩn (Đại học, Cao đẳng): Hỗ trợ bằng 1,2 mức lương tối thiểu.
- Đối với giáo viên trình độ chuẩn (Trung cấp): Hỗ trợ bằng 1,0 mức lương tối thiểu.
- Đối với giáo viên trình độ chưa đạt chuẩn: Hỗ trợ bằng 0,5% mức lương tối thiểu.
- Hỗ trợ kinh phí đi học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn: 10.000đ/giáo viên/ngày.