Nghị quyết 76/NQ-HĐND năm 2016 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Hội đồng nhân dân thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021
Số hiệu | 76/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 09/12/2016 |
Ngày có hiệu lực | 09/12/2016 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Phạm Văn Hiểu |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 76/NQ-HĐND |
Cần Thơ, ngày 09 tháng 12 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ TƯ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ KHÓA IX, NHIỆM KỲ 2016 - 2021
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TƯ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Hội đồng nhân dân thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân thành phố đánh giá phiên chất vấn đã diễn ra dân chủ, công khai, đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được chọn chất vấn và nhận được sự quan tâm theo dõi, giám sát của cử tri thành phố. Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đặt câu hỏi thẳng thắn với tinh thần xây dựng, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bức xúc, nội dung phong phú, sát hợp với thực tế và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được chất vấn. Giám đốc sở tập trung nội dung các câu hỏi, trả lời có trọng tâm, giải trình cơ bản hầu hết các vấn đề đại biểu đặt ra, đưa ra những giải pháp cần thiết, có cam kết lộ trình thực hiện hoàn thành một số nội dung cụ thể được đại biểu chất vấn; đồng thời, nghiêm túc nhận trách nhiệm liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách, quản lý.
Điều 2. Hội đồng nhân dân thành phố ghi nhận các giải pháp tích cực của Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc sở đã cam kết trước Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ tư khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Để việc thực hiện nội dung chất vấn được tập trung, giải quyết dứt điểm từng vấn đề, Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Cần bám sát Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 để tham mưu hoặc tổ chức thực hiện một cách hiệu quả mục tiêu, nội dung phát triển giáo dục và đào tạo. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo hoặc trình Hội đồng nhân dân sửa đổi, bổ sung quy hoạch kịp thời.
b) Tiếp tục thực hiện đúng lộ trình và có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và các văn bản của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.
c) Tham mưu tốt cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là, về việc thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, quy chế chuyên môn, việc thực hiện chính sách đối với người học, các điều kiện đảm bảo của các cơ sở giáo dục công lập; công tác tuyển sinh, thi, xét duyệt, cấp văn bằng, chứng chỉ, kiểm định chất lượng giáo dục, công tác phổ cập giáo dục, xây dựng xã hội học tập của thành phố và các hoạt động quản lý giáo dục khác.
d) Thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành mà cơ quan có thẩm quyền đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, quan tâm đến chất lượng giáo dục, vấn đề đạo đức của học sinh, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, trong việc thu, quản lý, sử dụng học phí và các khoản thu ngoài học phí,...
đ) Quan tâm việc giáo dục đạo đức, kỹ năng ứng xử văn minh cho học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình và các cấp chính quyền, đoàn thể để theo dõi, quản lý học sinh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh thiếu lễ phép, cư xử không đúng chuẩn mực, bạo lực học đường,...
2. Giám đốc Sở Xây dựng
a) Khẩn trương rà soát những quy hoạch đã quá hạn, những quy hoạch không còn phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thành phố hiện hành, để trình cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
b) Trong quá trình lập quy hoạch xây dựng phải tính toán thật khoa học, có sự phối hợp và kết nối nhịp nhàng, phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác, như: Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch giao thông,… Đồng thời, phải có tầm nhìn dài hạn. Tránh việc quy hoạch chưa kịp thực hiện lại phải thay đổi hoặc quy hoạch tỷ lệ 1/500 cho các dự án, nhất là dự án khu dân thực hiện điều chỉnh theo yêu cầu của chủ đầu tư dự án.
c) Tăng cường quản lý quy hoạch một cách nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiên quyết xử lý nghiêm và triệt để các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng. Đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp hữu hiệu trong việc quản lý tốt công tác quy hoạch đã được phê duyệt.
d) Kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra.
đ) Thẩm định các dự án đầu tư xây dựng và thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thẩm định dự án, không để ách tắc trong công tác xây dựng cơ bản của thành phố, vì khâu thẩm định kéo dài của ngành xây dựng.
e) Quan tâm quản lý tốt các nhà tập thể, các khu chung cư, có biện pháp sửa chữa, đảm bảo sự an toàn và mỹ quan các khu chung cư, nhà tập thể.
3. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Cần thực hiện đầy đủ chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao.
b) Khẩn trương tham mưu tổ chức triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các quy hoạch đã được thông qua tại kỳ họp này.
c) Đẩy mạnh công tác khuyến nông, định hướng cho nông dân sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng, gắn với thị trường xuất khẩu.
d) Phối hợp với các ngành liên quan tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Chú trọng tìm kiếm thị trường xuất khẩu ổn định, cũng như, cung cấp thông tin thị trường.