Nghị quyết 73/NQ-HĐND năm 2016 thông qua Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố Cần Thơ

Số hiệu 73/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2016
Ngày có hiệu lực 09/12/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Phạm Văn Hiểu
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 09 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG KẾT HỢP VỚI KIỂM SOÁT SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI CÁ NHÂN THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN; KIỂM SOÁT VÀ ĐIỀU TIẾT HỢP LÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI VÀO TRUNG TÂM THÀNH PHỐ CẦN THƠ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông;

Căn cứ Công văn số 148/TTg-KTN ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn;

Xét Tờ trình số 140/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố Cần Thơ; Báo cáo thẩm tra của Ban đô thị; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố Cần Thơ”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố bao gồm các mục tiêu cụ thể như sau:

a) Tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân;

b) Kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố: Có giải pháp kiểm soát, lộ trình hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân tại một số khu vực, đồng thời đảm bảo quyền đi lại của người dân;

c) Kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố: Chủ động có phương án phòng, chống ùn tắc thường xuyên do phương tiện giao thông gây ra trên các trục đường chính vào thành phố.

2. Nội dung đề án

a) Tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng:

- Về phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối và tiếp cận cao:

+ Rà soát, điều chỉnh, tối ưu lộ trình mạng lưới xe buýt, đưa vào hoạt động ngay các tuyến xe buýt trục chính, tuyến có tính kết nối cao đến các khu vực có nhu cầu đi lại lớn. Đảm bảo tỷ lệ 40% mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt tiêu chí trong phạm vi 500m để người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt. Đến năm 2020 phát triển khoảng 14 tuyến xe buýt, 280 xe.

+ Mở mới một số tuyến xe buýt gom (loại mini buýt), khoảng 06 tuyến, 50 xe hoạt động chủ yếu tại trung tâm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng.

+ Xây dựng tuyến xe buýt nhanh từ Ô Môn đến khu đô thị Nam Cần Thơ.

+ Nâng cao khả năng tiếp cận của mọi đối tượng hành khách (bao gồm cả người khuyết tật) tại các khu vực điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển, điểm đầu cuối xe buýt thông qua hệ thống giao thông ưu tiên như: đèn tín hiệu ưu tiên, biển báo, cầu bộ hành, bến bãi trông giữ phương tiện cá nhân,...

+ Nghiên cứu phát triển 02 tuyến “buýt đường thủy”: tuyến 01 (bến khách Ninh Kiều - Cái Răng - Phong Điền), tuyến 02 (bến khách Ninh Kiều - cồn Ấu - cồn Sơn - cù lao Tân Lộc).

+ Thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại các khu vực phát sinh thu hút khách du lịch lớn như công viên Lưu Hữu Phước; công viên Ninh Kiều; cồn Cái Khế; công viên Sông Hậu.

+ Tổ chức tuyến phố đi bộ tại khu vực đường Hai Bà Trưng, khu vực công viên Sông Hậu.

- Về đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng:

+ Tăng cường cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với nhiều hình thức (website, bảng điện tử, màn hình led,...)

+ Rà soát hệ thống điểm dừng, đỗ, nhà chờ của mạng lưới tuyến buýt; bổ sung, thay thế các điểm dừng, nhà chờ không đáp ứng quy định của Bộ Giao thông vận tải về kết cấu hạ tầng, khoảng cách, thông tin.

[...]