Nghị quyết 66/2006/NQ-HĐND phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010
Số hiệu | 66/2006/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 17/05/2006 |
Ngày có hiệu lực | 22/05/2006 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Thọ |
Người ký | Ngô Đức Vượng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 66/2006/NQ-HĐND |
Việt Trì, ngày 17 tháng 5 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CỦA TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;
Sau khi xem xét Tờ trình số 394/TTr-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh về việc ban hành Nghị quyết phê chuẩn Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1: Tán thành thông qua Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 của UBND tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:
1. Đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, công cuộc cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Phú Thọ 5 năm qua đã thu được những kết quả khá rõ nét. Sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo cải cách hành chính các cấp, các ngành đã dần đi vào nền nếp và có hiệu quả. Qui trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được đổi mới. Văn bản hành chính của các cấp, các ngành đã phát huy được hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và các mặt công tác khác của địa phương.
Việc thực hiện cơ chế “một cửa” tại các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, nhằm nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành đã được chú trọng. Chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại địa phương, nhất là làm việc tại các xã, phường, thị trấn đã góp phần nâng cao hiệu quả trong giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thực hiện cải cách tài chính công, hầu hết các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã xây dựng và thực hiện khoán chi hành chính, từng bước tăng tính chủ động cho các đơn vị, tiết kiệm chi và sử dụng hiệu quả ngân sách.
Tuy nhiên, Chương trình cải cách hành chính nhà nước của tỉnh giai đoạn 2001 - 2005 còn một số tồn tại là:
Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm lãnh đạo công tác cải cách hành chính. Do vậy, cải cách hành chính ở một số nơi còn mang tính hình thức, công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện chưa chặt chẽ và thường xuyên.
Vẫn còn hiện tượng phòng chuyên môn chưa thực hiện đúng quy trình “một cửa”, thời gian giải quyết công việc còn kéo dài, quá thời hạn quy định. Nhận thức một bộ phận cán bộ, công chức về cải cách hành chính chưa đầy đủ, chưa coi cải cách hành chính là nhu cầu khách quan để phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng của địa phương.
Tiến độ triển khai cải cách hành chính ở một số đơn vị còn chậm, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp. Công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm chưa kịp thời. Việc kiểm tra, xử lý sai phạm đối với các cấp, các ngành còn ít; chế độ báo cáo của một số đơn vị với Ban chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh có lúc chưa đáp ứng yêu cầu. Một số Ban chỉ đạo cải cách hành chính các cấp, các ngành hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc hiện đại hoá công sở còn chậm.
Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách hành chính của địa phương.
2. Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010
2.1. Nội dung
2.1.1. Cải cách thể chế
Đổi mới quy trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng công tác thẩm định và tham gia đóng góp vào văn bản, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn của văn bản. Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, trước hết là thể chế về kinh tế, về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Tiếp tục rà soát và hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật theo từng lĩnh vực, loại bỏ những văn bản không còn hiệu lực hoặc chồng chéo, trùng lắp, tăng cường kỹ năng của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
Nâng cao ý thức pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân; cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách pháp luật cho cán bộ, công chức để vận dụng giải quyết công việc theo chức trách và thẩm quyền. Thông tin công khai cho nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương theo tinh thần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Mở rộng các dịch vụ tư vấn pháp luật cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách xã hội để nhân dân hiểu và thực hiện.
Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy trình, thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, thuận tiện cho tổ chức và công dân. Thực hiện giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa” liên thông, liên ngành trên một số lĩnh vực hành chính tập trung vào một số sở, ngành cấp tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm một số công việc cần thiết nhằm đơn giản hoá thủ tục cho tổ chức, công dân để đưa vào thực hiện cơ chế “một cửa” của đơn vị. Cải tiến chế độ hội họp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hội họp của các cấp, các ngành.
2.1.2. Cải cách tổ chức bộ máy
Sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là đối với các đơn vị mới được thành lập hoặc được bổ sung thêm nhiệm vụ. Sắp xếp lại các trung tâm, đơn vị sự nghiệp, tách hoạt động sự nghiệp ra khỏi hành chính công.