HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 65/NQ-HĐND
|
Ninh Thuận, ngày
09 tháng 12 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
XÂY DỰNG NINH THUẬN THÀNH TRUNG TÂM NĂNG LƯỢNG, NĂNG LƯỢNG
TÁI TẠO CỦA CẢ NƯỚC ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Điện lực ngày
03/12/2004;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung
một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012;
Căn cứ Nghị quyết số
115/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế,
chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định
sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023;
Căn cứ Nghị quyết 20-NQ/TU
ngày 25 tháng 01 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Ninh Thuận
thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số
18-NQ/TU ngày 19 tháng 01 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh
phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số
15-NQ/TU ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển
vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm
2030;
Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TU
ngày 10/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm
2030;
Căn cứ Nghị quyết số
17-NQ/TU ngày 17 tháng 01 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển
kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số
74/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2021-202;
Xét Tờ trình số 179/TTr-UBND
ngày 14/10//2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành
Nghị quyết xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của
cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế
- Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng
nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Xây
dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chính như sau:
I. Mục tiêu
Khai thác và phát huy có hiệu
quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển năng lượng, nhất là năng lượng
tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ
môi trường sinh thái. Tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền
tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ,...; đảm bảo các điều kiện về nguồn
lực, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực...để xây dựng Ninh Thuận thành Trung
tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
II. Các chỉ tiêu phát triển
1. Giai đoạn đến năm 2025
- Tổng công suất tăng thêm khoảng
3.000 MW để đạt công suất tích lũy khoảng 6.500 MW (điện mặt trời 3.440MW,
điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí LNG 1.500MW);
sản lượng điện sản xuất đạt 11,2 tỷ kWh. Cơ bản thành trung tâm năng lượng,
năng lượng tái tạo của cả nước.
- Ngành năng lượng, năng lượng
tái tạo: Đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết 5,5%
nhu cầu việc làm trong 04 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; đạt 9-10% công suất
lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thụ đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh.
- Hạ tầng năng lượng phát triển
đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc
gia, phù hợp với định hướng quy hoạch điện VIII và đáp ứng hiệu quả mục tiêu
phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Phấn đấu hình thành 01 Trung
tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thu hút 01
dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các
phân ngành năng lượng. Đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; ưu
tiên thu hút các dự án có sử dụng nhiều năng lượng điện nhằm tăng tỷ trọng điện
tiêu thụ tại chỗ, tận dụng lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo, quỹ đất và hạ tầng
giao thông.
2. Định hướng đến năm 2030:
Tổng công suất các nhà máy điện
tăng thêm khoảng 5.300MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt
11.800MW; giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 04 ngành kinh tế trọng điểm của
tỉnh. Đạt mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng
tái tạo bền vững. Sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, tài nguyên đất, bảo vệ
môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống hạ tầng năng lượng phát
triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối cao với lưới điện khu vực, quốc gia;
chất lượng nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ và năng lực quản lý đạt trình độ
tiên tiến.
III. Nhiệm vụ và giải pháp
trọng tâm
1. Tăng cường sự lãnh đạo,
chỉ đạo của chính quyền các cấp; nâng cao trách nhiệm, nhận thức về thực hiện
nhiệm vụ xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của
cả nước
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Ninh Thuận thành
Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Đẩy mạnh đổi mới công tác
tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp,
các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân về các quan điểm, chủ
trương, cơ chế, chính sách, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, mục tiêu, định hướng
xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước
đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra,
đôn đốc và nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo
tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực
hiện Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ về thực hiện Nghị
quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 239/KH-TU
ngày 26/5/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của
Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt
Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Xây dựng, hoàn thiện
và quản lý, triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách
Tiếp tục kiến nghị Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về các vấn đề liên quan đến quy
hoạch, cơ chế, chính sách có liên quan phù hợp với các quan điểm chỉ đạo, nhiệm
vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 115/NQ-CP, Nghị quyết số 55/NQ-TW và
tình hình thực tế của tỉnh, nhất là về quy hoạch điện, hướng về xây dựng Trung
tâm năng lượng, năng lượng tái tạo, chính sách xã hội hoá trong đầu tư phát triển
hạ tầng truyền tải, trong tích trữ lưu giữ nguồn điện và thúc đẩy phát triển thủy
điện tích năng Bác Ái để tối ưu hoá nguồn năng lượng dư thừa.
Tập trung rà soát, bổ sung,
hoàn thiện, triển khai các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, cơ chế, chính
sách có liên quan đến xây dựng, phát triển Trung tâm năng lượng, năng lượng tái
tạo bảo đảm đồng bộ, có thống nhất cao với các quy hoạch khác kể cả các quy hoạch
quốc gia, khả thi, đủ mạnh, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là
về: các kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất
đai, thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực...Đẩy mạnh chính sách tín dụng linh
hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp năng lượng tiếp
cận các nguồn vốn, thực thi chính sách bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu giảm
phát thải khí nhà kính. Nghiên cứu thành lập và ban hành quy chế hoạt động của
Ban chỉ đạo phát triển Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo Ninh Thuận.
3. Xây dựng mô hình phát triển
Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước
Tập trung phát triển cấu trúc,
mô hình Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo gồm 02 phần: (1) Phần cứng
gồm 03 Mô đun: Mô đun I là Trung tâm điện lực LNG Cà Ná; Mô đun II là Trung tâm
Năng lượng tái tạo Ninh Thuận; Mô đun III là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và
phát triển công nghệ năng lượng (R&D); (2) Phần mềm - hệ thống các
cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; thành lập Ban chỉ đạo nhằm chỉ đạo, thúc đẩy
phát triển bền vững Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của tỉnh vào năm
2023.
Năm 2024, nghiên cứu xác định
ban hành bộ tiêu chí nhận biết, theo dõi và đánh giá tiến trình xây dựng, phát
triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
4. Tăng cường thu hút, huy động,
sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật
Tập trung thu hút, huy động, sử
dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật
bảo đảm mục tiêu Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo, nhất
là đầu tư hạ tầng truyền tải, cung cấp nguồn năng lượng ổn định có chất lượng
cao với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Huy động
hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, đa
dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn và thu hút có hiệu quả các
nguồn vốn trong và ngoài nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu
tư vào lĩnh vực năng lượng theo lộ trình quy định.
Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng
năng lượng bền vững, đồng bộ giữa nguồn và lưới điện truyền tải, phân phối. Thực
hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch
vụ ngành năng lượng, bao gồm hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm
quốc phòng, an ninh. Kêu gọi thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát
triển công nghệ năng lượng theo hình thức xã hội hóa; huy động hợp lý các nguồn
lực có chức năng tư vấn xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình
năng lượng của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế xã hội
cho tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung.
Thực hiện tốt công tác bồi thường,
giải phóng mặt bằng đối với các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo, nhất là dự
án nguồn và truyền tải điện; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm,
cấp bách như: Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, thủy điện
tích năng Bác Ái và các dự án thành phần đường cao tốc Bắc-Nam,...Tập trung nguồn
lực hỗ trợ triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện gió, điện mặt
trời đang triển khai. Thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời,
điện gió ngoài khơi, dự án lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh
và Quy hoạch điện VIII; các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến muối,
sản phẩm sau muối, sản xuất Xút-Clo và PVC. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng Khu công
nghiệp Phước Nam, Khu công nghiệp Du Long, phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ lấp đầy
đạt trên 30%, năm 2024 đạt trên 40% và năm 2025 đạt 50% trở lên. Phát triển Khu
công nghiệp Cà Ná với các nhóm ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ các
ngành năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, công nghệ cơ khí, chế tạo, phát
triển công nghiệp và các ngành chế biến muối và sản phẩm sau muối, hóa dược
thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ lấp đầy
từ 50% trở lên. Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại, thân thiện
với môi trường; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng, lợi
thế gắn với vùng nguyên liệu. Phát triển mạnh một số sản phẩm công nghiệp chế
biến, nhất là chế biến xuất khẩu các sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh
cao, tham gia vào chuỗi giá trị. Đầu tư hoàn thành đường nối từ cao tốc Bắc-Nam
với quốc lộ 1 và cảng biển Cà Ná; Kêu gọi, thu hút đầu tư các công trình phụ trợ
khác, như Cảng cạn và Trung tâm logistics. Đầu tư hoàn thành cảng biển nước sâu
Cà Ná có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 DWT. Khuyến khích, ưu
tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng tiêu thụ trực tiếp năng lượng
tái tạo để tăng phụ tải, giảm truyền tải điện đi xa; chú trọng khuyến khích đầu
tư sử dụng các giải pháp tích trữ năng lượng công suất lớn như ắc quy.
Tập trung kiến nghị Chính phủ,
các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hệ thống
truyền tải 500kV, 220kV để giải toả công suất các dự án năng lượng phát triển mới
trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của Chính phủ.
5. Phát triển nguồn nhân lực
phục vụ ngành năng lượng
Tăng cường đào tạo phát triển,
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành năng lượng theo cơ cấu hợp lý, bảo
đảm số lượng và chất lượng; có chính sách khuyến khích thu hút, đãi ngộ thúc đẩy
phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động bảo đảm toàn diện, hiệu quả,
khả thi. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng
cường năng lực các cơ sở đào tạo hiện có, đa dạng hóa các hình thức, chương
trình đào tạo và đẩy mạnh liên kết đào tạo để phát triển nguồn nhân lực có chất
lượng, trình độ kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng, năng
lượng tái tạo trong thời gian đến..
Đến năm 2025 quy mô công suất
tích lũy đạt khoảng 6.500 MW, tương ứng với nhu cầu lao động khoảng 3.010 người
(trong đó 1.065 kỹ sư; 1.055 cao đẳng, trung cấp; 40 nhân viên văn phòng và 850
lao động phổ thông). Đến năm quy mô công suất tích lũy đạt khoảng 11.800MW,
tương ứng với nhu cầu lao động khoảng 4.945 người (trong đó 1.670 kỹ sư; 1.460
cao đẳng, trung cấp; 80 nhân viên văn phòng và 1.735 lao động phổ thông).
6. Tăng cường công tác quản
lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ
Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu
lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động xây dựng, phát triển
Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; nâng cao
vai trò, trách nhiệm của chính quyền và người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo,
chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng
cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu trong tình
hình mới.
Phát triển năng lượng đảm bảo gắn
với thích ứng biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên,
phát huy giá trị sử dụng đất, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng-an ninh
trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, xây dựng
kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà phục vụ sản xuất,
sinh hoạt của nhân dân và tiết kiệm chi phí năng lượng cho các cơ quan, đơn vị,
địa phương theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.
Ứng dụng công nghệ trong việc
cung ứng, sử dụng điện bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Đẩy nhanh việc chuyển đổi số
đối với các hoạt động của ngành năng lượng; tận dụng có hiệu quả các thành tựu
của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để hiện đại hóa công tác quản lý, xây
dựng và chia sẻ dữ liệu, thông tin, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, các dịch vụ tư vấn
khác để thúc đẩy phát triển năng lượng. Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi
trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ. Khuyến khích hình thành doanh nghiệp
khoa học và công nghệ trên cơ sở chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường thúc đẩy
hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp
luật; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết báo cáo HĐND tỉnh kết quả thực hiện Nghị
quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khoá XI Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 09 tháng 12 năm
2022./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu - UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công thương;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, TP;
- Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh;
- Trang thông tin điện tử HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Phạm Văn Hậu
|