Nghị quyết 57/NQ-HĐND năm 2021 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách tỉnh Bình Thuận năm 2022
Số hiệu | 57/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 08/12/2021 |
Ngày có hiệu lực | 08/12/2021 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Thuận |
Người ký | Nguyễn Hoài Anh |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/NQ-HĐND |
Bình Thuận, ngày 08 tháng 12 năm 2021 |
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Xét Tờ trình số 4353/TTr-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022; Báo cáo thẩm tra số 138/BC-HĐND ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 như sau:
1. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 9.488.000 triệu đồng.
(Trong đó thu nội địa là 7.188.000 triệu đồng, thu từ dầu thô là 1.000.000 triệu đồng và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 1.300.000 triệu đồng).
2. Tổng chi ngân sách địa phương: 11.882.358 triệu đồng.
(Kèm theo các phụ lục I và II).
Điều 2. Nhất trí phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2022 như sau:
1. Tổng thu cân đối ngân sách cấp tỉnh là 10.407.188 triệu đồng (bao gồm thu ngân sách cấp tỉnh được hưởng theo phân cấp là 5.315.430 triệu đồng, thu bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách tỉnh là 5.049.258 triệu đồng và thu vay để bù đắp bội chi là 42.500 triệu đồng), chiếm 87,59% tổng thu ngân sách địa phương. Tổng thu cân đối ngân sách huyện, thị xã, thành phố là 1.475.170 triệu đồng, chiếm 12,41% tổng thu ngân sách địa phương.
2. Tổng chi ngân sách cấp tỉnh là 10.407.188 triệu đồng. Sau khi bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thị xã, thành phố là 3.333.933 triệu đồng thì tổng chi ngân sách tỉnh là 7.073.255 triệu đồng, chiếm 59,53% tổng chi ngân sách địa phương. Tổng chi cân đối ngân sách huyện, thị xã, thành phố (bao gồm cả bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện, thị xã, thành phố) là 4.809.103 triệu đồng, chiếm 40,47% tổng chi ngân sách địa phương.
3. Phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022 cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và mức bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách từng huyện, thị xã, thành phố theo các phụ lục III, IV, V kèm theo.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành các biện pháp thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2022 do Ủy ban nhân dân tỉnh trình và Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh những biện pháp chủ yếu sau đây:
1. Năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nhưng nền kinh tế tỉnh ta chịu nhiều tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, nguy cơ kinh tế chậm phục hồi, suy giảm tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, việc triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2022 dự báo gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, các cấp trong tỉnh phải nỗ lực, phấn đấ u hơn nữa để hoàn thành dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ; tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách thuế do Trung ương ban hành; đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu và các khoản nợ đọng thuế; thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác theo quy định của pháp luật. Tích cực khai thác nguồn thu từ quỹ đất, từ hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản, dịch vụ du lịch, từ các cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô lớn mới đi vào hoạt động trong năm 2022. Quản lý tốt các nguồn thu từ các hoạt động mua, bán, chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng và cấp quyền sử dụng đất. Thực hiện thu số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá, thực hiện các biện pháp bình ổn giá nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, trục lợi, nâng giá, ép giá. Mọi khoản thu phát sinh phải hạch toán đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện chi ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, các công trình trọng điểm quan trọng, bức xúc của tỉnh và các công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2022 nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Đảm bảo kinh phí đáp ứng kịp thời cho các nhu cầu chi lương và chi hoạt động thường xuyên của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; chi cho các nhiệm vụ trọng tâm; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình chính sách; chi thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, chi cho công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; bố trí dự phòng ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để chủ động phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán. Chủ động, khẩn trương triển khai các gói kích thích, phục hồi nền kinh tế của Chính phủ, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Tăng cường thực hiện công khai tài chính và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng ở từng cơ quan, đơn vị.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung từ ngân sách tỉnh cho từng huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trước ngày 15 tháng 12 năm 2021. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 đến từng đơn vị trực thuộc trước ngày 31 tháng 12 năm 2021 và tổ chức việc công khai dự toán ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Ủy ban nhân dân tỉnh cần có các giải pháp chỉ đạo các ngành, các cấp phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán được giao; tích cực tìm nguồn vốn để đáp ứng đủ vốn thanh toán cho các công trình trọng điểm của tỉnh và bảo đảm thanh toán nợ vay khi đến hạn. Đồng thời, điều hành chi ngân sách theo kế hoạch và tiến độ thu.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Trong trường hợp số liệu chính thức Trung ương giao có thay đổi so với Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh theo quy định.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.