Nghị quyết 54/NQ-HĐND năm 2022 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 54/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phạm Văn Hậu
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

I. Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhiều hơn dự báo, bên cạnh đó nổi lên một số khó khăn, thách thức mới, diễn biến phức tạp hơn, nhất là giá cả nguyên, nhiên vật liệu và chi phí đầu vào tăng cao, một số chính sách mới liên quan đến điện gió, điện mặt trời chưa ban hành, vướng mắc về thể chế liên quan đầu tư, đất đai, khoáng sản chậm tháo gỡ đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm, tinh thần chủ động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, trách nhiệm, nỗ lực cao của các cấp, các ngành, cùng với sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ quan trọng, hiệu quả của Trung ương, tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 ổn định và có bước phục hồi, phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,42%. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/18 chỉ tiêu, trong đó: về kinh tế 02/9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch1; về xã hội có 06/06 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch2; về môi trường có 3/3 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch3. Sản xuất các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định và có bước tăng trưởng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, thương mại, du lịch phục hồi tích cực, tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn. Tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện quan trọng trên địa bàn tỉnh, nhất là kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh, Đại hội thể dục thể thao lần thứ VII. Công tác quân sự, quốc phòng được bảo đảm, giao quân an toàn, đạt chỉ tiêu, công tác diễn tập khu vực phòng thủ đạt kết quả; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định; công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí được quan tâm triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

II. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục ưu tiên phục hồi và giữ vững ổn định, phát triển kinh tế; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực; tập trung trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, đồng thời phát triển một số dịch vụ gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực trọng điểm, tạo ra các đột phá mới. Chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch năm 2023: Phấn đấu đạt các chỉ tiêu

- Kinh tế: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 10-11%; (2) GRDP bình quân đầu người đạt từ 87-88 triệu đồng/người; (3) Cơ cấu kinh tế: nông lâm thủy sản chiếm 28-29%, công nghiệp-xây dựng chiếm 39-40%, dịch vụ 32-33%; (4) Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt 32-33%; (5) Năng suất lao động tăng 6-7%; (6) Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển chiếm 41% GRDP; (7) Tỷ trọng kinh tế số chiếm 12% GRDP; (8) Thu ngân sách trên địa bàn khoảng 3.658 tỷ đồng; (9) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.200 tỷ đồng.

- Xã hội: (1) Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5-2%; (2) Có 70-71% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; (3) Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 59-60%; (4) Số lao động được đào tạo nghề đạt 9.500 người; (5) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65-66%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 29%; (6) Có 96-97% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

- Môi trường: (1) Độ che phủ rừng là 47,23%; (2) Tỷ lệ số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7% và hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Bộ Y tế là 97%; (3) Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Để thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp chủ yếu tại Báo cáo số 330/BC-UBND ngày 05/12/2022 của UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

a) Về kinh tế: Tiếp tục ưu tiên phục hồi, giữ vững ổn định, tăng trưởng kinh tế, kiên định, kiên trì với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành phù hợp, kịp thời. Tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đột phá, còn dư địa gắn với củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới:

- Lĩnh vực nông-lâm nghiệp, thủy sản: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh, liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu; nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng 1.300 ha theo hướng hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước. Giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước đạt 142 triệu đồng/ha; tỷ lệ đất sản xuất chủ động nước tưới đạt 62,4%. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, an toàn, giá trị cao, tăng tỷ trọng các vật nuôi có lợi thế. Bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên rừng và biển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn Quốc gia Núi Chúa. Đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống có chất lượng cao của cả nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại nghề khai thác hải sản; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển. Phấn đấu giá trị gia tăng toàn ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4 - 5%/năm.

- Công nghiệp - xây dựng: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo; thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydrogen). Đẩy nhanh tiến độ các dự án Thủy điện tích năng Bác Ái; hạ tầng truyền tải; khởi công dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, Khu công nghiệp Cà Ná; đưa vào khai thác Bến 1A và hoàn thành Bến 1B Cảng tổng hợp Cà Ná. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Thu hút, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 16 - 17%/năm.

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết phát triển kinh tế đô thị, xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành thành phố thông minh. Đẩy nhanh tiến độ các đồ án quy hoạch xây dựng; chương trình, đề án về phát triển nhà ở, đô thị, khu dân cư, kinh tế đô thị; khởi công một số khu đô thị mới... phát triển mạnh thị trường bất động sản; thực hiện tốt chính sách nhà ở xã hội. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành xây dựng tăng 14 - 15%/năm.

- Các ngành dịch vụ: Triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát huy tiềm năng, thế mạnh, tận dụng cơ hội, dư địa tăng trưởng các ngành dịch vụ gắn với đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển thương mại điện tử. Thực hiện có hiệu quả Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến, hợp tác kích cầu du lịch; nâng chất lượng dịch vụ du lịch; đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm, quy mô lớn, đẳng cấp cao. Tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch trong và ngoài nước. Phấn đấu thu hút 2,7 triệu lượt khách du lịch. Phấn đấu giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ tăng 10 - 11%.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước; thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu ngân sách, nhất là thu từ đất đai, bán đấu giá tài sản công và các nguồn thu mới. Nâng hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Nâng chất lượng hoạt động ngân hàng, hỗ trợ hiệu quả phục hồi sản xuất kinh doanh.

- Hoàn thành, triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ; ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, cấp bách, quy mô lớn; các dự án hạ tầng liên kết vùng, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và 03 chương trình mục tiêu Quốc gia..., bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn theo kế hoạch.

Thu hút hiệu quả đầu tư của các thành phần kinh tế; sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài (FDI, ODA, NGOs); đẩy nhanh xúc tiến đầu tư các dự án vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các dự án công nghiệp ven biển, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương khai thác hiệu quả Sân bay Thành Sơn. Chú trọng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn về đất đai, thủ tục hành chính, thuế, xây dựng, quy hoạch...; tăng cường kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, kéo dài.

- Triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai; nâng cao năng lực xác định và xây dựng giá đất. Đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Tăng cường quản lý, sử dụng đất, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng.

b) Về xã hội:

- Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện; rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; nâng chất lượng giáo dục các cấp học và giữa các vùng trong tỉnh. Tiếp tục đầu tư cơ sở trường lớp học. Nâng chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Triển khai đào tạo, đào tạo lại lao động nông thôn, hộ nghèo...

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ