Nghị quyết 54/NQ-HĐND năm 2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 54/NQ-HĐND
Ngày ban hành 04/12/2020
Ngày có hiệu lực 04/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Hoài Anh
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 04 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan; Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I. Nhiệm vụ chung và các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021:

1. Nhiệm vụ chung:

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác đầu tư. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phục hồi, phát triển. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

2.1. Các chỉ tiêu kinh tế:

- Tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7,45%, trong đó lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,85%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,38% (trong đó, công nghiệp tăng 12,69%, xây dựng tăng 10,76%); dịch vụ tăng 7,1%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội:

6,75%

- Kim ngạch xuất khẩu:

720 triệu USD

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa:

502 triệu USD

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn:

8.320 tỷ đồng

Trong đó: Thu nội địa (không kể dầu thô)

6.020 tỷ đồng

- Chi đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương:

2.247,7 tỷ đồng

2.2. Các chỉ tiêu xã hội:

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên:

0,84 %

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo:

1,0%

- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị:

4,8%

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức:

71%

Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ:

28%

- Số bác sỹ /10.000 dân:

7,9 bác sỹ

Sgiường bệnh /10.000 dân:

30,6 giường

2.3. Các chỉ tiêu môi trường:

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh:

98,6%

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch:

67%

- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom xử lý:

94%

- Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường:

100%

- Tỷ lệ che phủ rừng (bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng):

43%

- Tỷ lệ độ che phủ chung (bao gồm cây công nghiệp và cây lâu năm):

55%

II. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu

1. Về kinh tế:

1.1. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực theo hướng phát triển 03 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.

- Tập trung hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ động trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch của giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2021 để có cơ sở triển khai thực hiện ở các năm tiếp theo.

- Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng điện mặt trời, điện gió, điện khí, các công trình truyền tải điện; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Phát huy hiệu quả hoạt động của Cảng Quốc tế Vĩnh Tân gắn với phát triển các dịch vụ logistics. Tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng vào khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp chế biến theo hướng tăng giá trị sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ, nhất là chế biến nông - lâm - thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

- Phát triển mạnh loại hình du lịch biển, thể thao biển, giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mở rộng liên kết, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, giữ vững hình ảnh điểm đến du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”. Tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch có quy mô lớn, các tổ hợp du lịch - thương mại - dịch vụ, tạo động lực phát triển du lịch của tỉnh.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, củng cố và khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống. Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ hỗ trợ khác.

- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức theo chuỗi giá trị. Phát triển, nhân rộng các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường gắn với các giải pháp thích ứng, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 không để “đứt gãy”. Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác có hiệu quả hơn; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đưa ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh vào công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Chủ động các giải pháp phòng, chống hạn cho mùa khô năm 2021, bảo đảm nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

- Phát triển toàn diện khai thác, nuôi trồng thủy hải sản gắn với chế biến tạo giá trị gia tăng cao. Chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác, bảo quản sản phẩm. Tiếp tục triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).

1.2. Huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp:

[...]