Nghị quyết 52-NQ/TW năm 2005 về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 52-NQ/TW
Ngày ban hành 30/07/2005
Ngày có hiệu lực 30/07/2005
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 52-NQ/TW

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

I. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

1. Kết quả

Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 61-QĐ/TW, ngày 10.3.1993 và Quyết định 67-QĐ/TW, ngày 20.10.1999 của Bộ Chính trị về chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Học viện, hoạt động của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận có trình độ đại học, sau đại học có nhiều tiến bộ. Quy mô đào tạo được mở rộng; chương trình đào tạo, nội dung giáo trình, bài giảng và phương pháp giảng dạy có đổi mới, kiên trì nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời bổ sung, cập nhật kiến thức mới có chọn lọc, phù hợp với đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng và sự phát triển của tình hình thực tiễn. Cán bộ qua đào tạo ở Học viện được nâng cao trình độ lý luận chính trị, đổi mới tư duy đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới.

Công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn được coi trọng hơn, góp phần làm sáng tỏ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta trong công cuộc đổi mới; góp phần cung cấp cơ sở lý luận cho việc hoạch định Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phục vụ cho việc bổ sung chương trình, giáo trình, bài giảng ở Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố.

Bộ máy tổ chức của Học viện được kiện toàn, cơ sở vật chất - kỹ thuật từng bước được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các mặt công tác.

Đội ngũ cán bộ của Học viện có bảnh lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa; đại bộ phận tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ và chất lượng công tác.

2. Hạn chế

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa thật gắn chặt với quy hoạch cán bộ và việc thực hiện chiến lược cán bộ của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung, chương trình dào tạo tuy có đổi mới nhưng còn chậm, còn thiếu nhiều loại tri thức hiện đại và kỹ năng cần thiết đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ cấu và thời lượng của các môn học chưa thật hợp lý. Phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nâng cao tri thức với rèn luyện đạo đức và phương pháp lãnh đạo, quản lý; chưa phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học. Công tác quản lý học viên chưa thật chặt chẽ; quan hệ giữa đào tạo tập trung và tại chức chưa hợp lý, chưa phân định rõ đối tượng học tập trung và học tại chức, đối tượng đào tạo ở Học viện trung tâm và các phân viện; sự phối hợp giữa Học viện với cấp ủy cử cán bộ đi học và cơ quan quản lý cán bộ trong việc theo dõi, quản lý và bố trí công tác cho cán bộ sau khi ra trường còn nhiều hạn chế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa bám sát chương trình công tác lớn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; còn ít những công trình khoa học lớn đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy, phát triển lý luận cách mạng. Tính phê phán, đấu tranh tư tưởng, lý luận còn yếu. Sự phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học chưa thường xuyên, hiệu quả thấp.

Tổ chức bộ máy của Học viện còn cồng kềnh, cơ cấu chưa hợp lý. Chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu còn một số mặt hạn chế, nhất là về khả năng cập nhật kiến thức khoa học hiện đại, hiểu biết thực tiễn đất nước và thế giới, về khả năng ngoại ngữ, tin học và sử dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại. Công tác xây dựng lực lượng kế cận còn chậm, ít chuyên gia giỏi.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế:

Học viện chưa tập trung cao cho việc nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, quản lý học viên và tìm phương thức tổ chức để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động và giúp Học viện tháo gỡ các khó khăn.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, địa phương chưa lãnh đạo chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chưa phối hợp thường xuyên với Học viện trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thiếu cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ hiện có, thu hút cán bộ có năng lực giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị về Học viện công tác và khai thác tiềm năng đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm.

Mức độ đầu tư và cơ chế quản lý tài chính phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, hiện đại hóa Học viện còn bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ.

II. ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO,  BỒI DƯỠNG CÁN BỘ VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị.

Học viện phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để ngang tầm với đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

1. Quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện.

- Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới hiện đại để phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi vững chắc.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ. Coi trọng chất lượng đào tạo. Phân định rõ giữa đào tạo cơ bản với bồi dưỡng theo chức danh. Rút ngắn hợp lý thời gian đào tạo. Chú trọng đào tạo tập trung.

Công tác nghiên cứu khoa học phải có đóng góp kịp thời và thiết thực vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực vào công tác tư tưởng của Đảng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Gắn tổng kết thực tiễn với phát triển lý luận.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo của Chính phủ đối với Học viện; đồng thời, phát huy tốt trách nhiệm của Học viện và các đơn vị trong Học viện.

[...]