HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
52/2006/NQ-HĐND
|
Tam
Kỳ, ngày 04 tháng 5 năm 2006
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÁI ĐỊNH CƯ, BỒI
THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG
NAM
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND & UBND ngày
03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số: 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Nghị định số: 17/2006/NĐ-CP
ngày 27/01/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định
hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Thông tư số: 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính về hướng dẫn
thực hiện Nghị định số: 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
Sau khi xem xét Tờ trình số: 1044/TTr-UBND ngày 20/4/2006 kèm theo Báo cáo số:
38/BC-UBND ngày 20/4/2006 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế &
Ngân sách và ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ
Điều 1. Thống
nhất thông qua nội dung Báo cáo số 38/BC-UBND ngày 20/4/2006 của UBND tỉnh Quảng
Nam “Về một số giải pháp để thực hiện tốt hơn chính sách bồi thường, hỗ trợ và
tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”, HĐND tỉnh nhấn mạnh các nội dung chính
sau đây:
I. Quan điểm, mục tiêu:
Quán triệt mục
tiêu phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường, giải quyết
tốt các chính sách xã hội, giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường thu hút đầu
tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động xây dựng Quảng Nam sớm
trở thành tỉnh công nghiệp.
Công tác tái định
cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân
chủ, công bằng, phù hợp với thực tiễn và đúng pháp luật nhằm bảo đảm hài hòa
các mối quan hệ về quyền lợi, nghĩa vụ giữa nhân dân - nhà đầu tư - nhà nước. Đời
sống nhân dân tái định cư nơi ở mới phải ổn định lâu dài và tốt hơn nơi ở cũ.
II. Một số giải pháp:
1- Thực hiện đúng quy trình về tái định cư- bồi thường- giải phóng mặt
bằng. Thông báo thời gian thu hồi đất cho từng loại đất theo quy định của Luật
Đất đai năm 2003. Các dự án có ảnh hưởng đến nơi ở của nhân dân khi phê duyệt dự
án bắt buộc phải có cả phương án di dời, tái định cư. Trong khu vực những dự án
có nhân dân ở, chưa thực hiện xong tái định cư thì chưa giải phóng mặt bằng và
chưa được phép khởi công xây dựng công trình.
2- Công tác quy
hoạch, xây dựng, tái định cư:
Quy hoạch, tái định cư phải đồng bộ về hạ tầng kinh tế - xã hội. Có
thể bố trí thành 2 loại hình tái định cư: một loại để xây dựng phát triển thành
đô thị trong tương lai và một loại khác theo hướng gắn với phát triển kinh tế hộ
nông-lâm-ngư nghiệp, làng nghề…tương ứng với điều kiện từng nơi để đảm bảo sản
xuất, đời sống và sinh hoạt cho nhân dân. Khi thực hiện tái định cư phải chú trọng
các yếu tố về phong tục, tập quán sản xuất và bản sắc văn hoá của từng vùng, miền,
nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong một số trường hợp đặc biệt
cần xây dựng các khu nhà luân cư hoặc giải quyết tiền thuê nhà trên cơ sở cam kết
rõ ràng thời gian giải quyết tái định cư cho nhân dân và sự đồng thuận về
phương án di dời tái định cư.
Trong công tác
quy hoạch phải tính đến việc bố trí quỹ đất để phục vụ cho tái định cư, đất sản
xuất nông nghiệp, đất để làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đất nghĩa
địa, đất xây dựng các công trình công cộng, các thiết chế văn hóa, đất an ninh
quốc phòng. Tiến hành sắp xếp bố trí lại dân cư, gắn với tái định cư nhân dân
các vùng dự án; quy hoạch chi tiết phân lô đất tái định cư đa dạng với nhiều loại
diện tích khác nhau phù hợp với khả năng, điều kiện của nhân dân để chọn lựa diện
tích lô đất hợp lý đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước và có
điều kiện để xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế gia đình.
Có chính sách
khuyến khích các hộ gia đình tự lựa chọn hình thức tái định cư phù hợp với quy
hoạch.
Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư phát triển
kinh tế phải xem xét đủ các yếu tố để thực hiện như: nguồn lực, phương án tái định
cư, xử lý môi trường…Cụ thể hóa tiến độ sử dụng đất đến từng thời kỳ, nhằm tăng
tính khả thi và hiệu quả của quy hoạch. Quy định cụ thể mối quan hệ về việc quản
lý quy hoạch giữa ngành, Ban quản lý với UBND các huyện, thị xã nhằm tránh chồng
chéo, ảnh hưởng đến công tác quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu của các
địa phương. Rà soát lại quy hoạch và thực hiện quy hoạch để có quy định quản lý
phù hợp, xử lý và khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” làm hạn chế các quyền sử
dụng đất và xây dựng nhà ở của nhân dân; bảo đảm nguyên tắc quản lý quy hoạch
theo Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Giải quyết có hiệu quả việc ô nhiễm môi trường
tại các khu, cụm công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân. Những
năm đến việc quy hoạch và cấp phép đầu tư cần lưu ý đến các ngành nghề, bố trí
các khu, cụm công nghiệp phù hợp đảm bảo cảnh quan môi trường về lâu dài.
3- Phương thức
bồi thường đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, cây cối, vật kiến trúc:
Về đất ở, thực hiện cơ chế “đất đổi đất”. Giao cho UBND tỉnh quy định
cụ thể hạn mức đất ở được giao theo cơ chế “đất đổi đất” trên cơ sở diện tích đất
ở bị thu hồi và điều kiện cụ thể về quỹ đất ở tại địa phương, đảm bảo quyền lợi
của người dân và phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với những hộ
có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi từ một hay nhiều dự án với trên 30% tổng
diện tích đất sản xuất nông nghiệp (đất đang sử dụng ổn định không tranh chấp;
không bao gồm đất thuê) thì bồi thường bằng đất sản xuất nông nghiệp, nếu không
còn đất nông nghiệp để bồi thường thì thực hiện phương án góp vốn liên doanh với
nhà đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất hoặc bồi thường bằng đất sản xuất
kinh doanh phi nông nghiệp (giao đất có thu tiền sử dụng đất) để làm mặt bằng sản
xuất kinh doanh, theo hướng: 100m2 đất nông nghiệp bị thu hồi được giao lại
10m2 đất SXKD phi nông nghiệp. Mức đất SXKD tối thiểu giao cho hộ chính đối với
khu vực I là 50m2, khu vực II: 100m2, khu vực III: 150m2; mức tối đa cho các khu
vực tùy thuộc vào quỹ đất của địa phương do UBND tỉnh quy định cụ thể.
Giá đất để tính bồi thường phải được phê duyệt và có hiệu lực vào
ngày 01 tháng 01 hằng năm, nhằm chủ động trong việc tổ chức thực hiện ngay từ đầu
năm. Những nơi giá đất thực tế cao hơn giá quy định, cần có phương án phê duyệt
riêng để bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất. Việc bồi thường đất nông
nghiệp cần tính thêm giá trị sinh lợi từ thời điểm thu hồi đất đến hết thời hạn
được giao đất.
Khi Nhà nước thu hồi đất của các hộ sản xuất, kinh doanh, làm ngưng
họat động sản xuất kinh doanh thì được xem xét hỗ trợ bằng mức thuế phải nộp
cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian không quá 06 tháng; các đối
tượng không thuộc diện được bồi thường đất ở (có hộ khẩu thường trú tại địa
phương), nhưng không còn chỗ ở nào khác (có giấy xác nhận của chính quyền địa
phương), do UBND tỉnh xem xét giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế của địa
phương.
Trường hợp giá cả vật tư, nguyên liệu...trên thị trường biến động
tăng, UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh chênh lệch giá áp dụng cho từng
thời điểm.
4- Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và trợ cấp do mất đất sản xuất:
Thực hiện hỗ trợ
chuyển đổi nghề và trợ cấp cho người lao động do không có đất sản xuất nông
nghiệp để bồi thường; không có đất để giao làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh;
không góp vốn liên doanh với nhà đầu tư, cụ thể như sau: Các đối tượng trong độ
tuổi nữ từ 18 đến 35 tuổi, nam từ 18 đến 40 tuổi mức hỗ trợ 3.300.000đ/người.
Thực hiện trợ cấp 01 lần cho đối tượng trên 35 tuổi đối với nữ và trên 40 tuổi
đối với nam để ổn định đời sống, mức trợ cấp 5.000.000đ/người. Những hộ nông
dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp (đất sử dụng ổn định, không
tranh chấp, không bao gồm đất thuê), còn được hỗ trợ thêm một khoản tiền tính
trên diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, mức hỗ trợ do UBND tỉnh quy định.
Hộ gia đình trực
tiếp sản xuất và sống chủ yếu bằng nông nghiệp (nông, lâm, nuôi trồng thủy sản,
làm muối) bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp từ 15% diện tích trở lên được hỗ
trợ để ổn định sản xuất và đời sống (áp dụng cho tất cả nhân khẩu trong hộ), thời
gian và mức hỗ trợ do UBND tỉnh quy định.
Trường hợp được
bồi thường đất nông nghiệp bằng đất sản xuất kinh doanh (có thu tiền sử dụng đất)
thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các đối tượng từ 18 tuổi đến 35 tuổi đối với
nữ, từ 18 đến 40 tuổi đối với nam, mức hỗ trợ 3.300.000đ/người.
Lao động bị mất
đất sản xuất được ưu tiên xuất khẩu lao động; tuyển dụng vào làm việc tại các
cơ sở sản xuất, kinh doanh trong vùng dự án; được vay vốn ưu đãi để giải quyết
việc làm.
5- Hỗ trợ tái định
cư (nơi đến):
Hộ gia đình, cá
nhân bị thu hồi đất ở phải tái định cư thì việc bố trí tái định cư gắn với tạo
việc làm, chuyển đổi nghề. Các hộ gia đình, cá nhân có mức sống thuộc diện
nghèo (theo tiêu chí hộ nghèo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố) được
hỗ trợ vượt nghèo, thời gian hỗ trợ tối thiểu 03 năm và tối đa không quá 10
năm.
Ngoài ra, UBND
tỉnh quy định việc hỗ trợ tái định cư nơi đến bao gồm: hỗ trợ ổn định đời sống;
hỗ trợ cho các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại địa phương đang thuê nhà của
Nhà nước nay phải di chuyển do Nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ di chuyển, thuê chỗ
ở, tái định cư tại chỗ, hoặc di chuyển đến nơi ở mới; hỗ trợ cho các hộ thuộc
diện chính sách, hộ nghèo, già yếu, neo đơn.
Đối với những dự
án lớn phải di chuyển cả một cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống,
kinh tế - xã hội thì ngoài chính sách tái định cư, bồi thường, hỗ trợ theo quy
định, còn có chính sách đầu tư hỗ trợ theo quy định riêng như: khai hoang, cải
tạo đồng ruộng; trợ cấp về đời sống và sản xuất...cho các đối tượng trong vùng
dự án.
6- Về chính
sách tái định cư, bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng: khai thác và dịch vụ
nghề biển, đánh bắt thuỷ sản trên sông, các ngành nghề khác bị thu hồi đất phải
di chuyển chỗ ở, UBND tỉnh quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở địa
phương.
7- Nguồn vốn để thực hiện công tác tái định cư, bồi thường, giải
phóng mặt bằng:
Ngân sách nhà
nước đảm bảo đủ kinh phí cho công tác tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng
đối với các dự án do ngân sách nhà nước trực tiếp chi trả, theo nguyên tắc chưa
phê duyệt phương án tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng khi chưa bố
trí được nguồn vốn. Trường hợp đặc biệt chưa được bố trí vốn thì xem xét khả
năng đảm bảo nguồn tạm ứng ngân sách. Đối với Khu kinh tế mở Chu Lai cần dành
phần lớn nguồn vốn để thực hiện; các nơi khác tùy vào nhu cầu cần bố trí tái định
cư mà bố trí kế hoạch ngân sách hàng năm, nguồn thu từ quỹ đất, tiền sử dụng đất
tại các khu tái định cư, vốn ứng trước của các nhà đầu tư, tạm ứng tồn ngân kho
bạc, vay quỹ hỗ trợ phát triển và phát hành trái phiếu công trình của tỉnh nhằm
đảm bảo cho việc thực hiện. Đồng thời, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để
tạo nguồn thu từ quỹ đất, từng bước hình thành thị trường bất động sản.
Hằng năm, ngân
sách bố trí vốn bổ sung cho vay để giải quyết việc làm (ưu tiên cho các đối tượng
bị mất đất sản xuất); đồng thời, mở rộng đối tượng và tạo điều kiện cho vay vốn
từ Ngân hàng chính sách xã hội để các đối tượng mất đất sản xuất trong vùng thực
hiện dự án khó khăn về kinh tế có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh
doanh. Thành lập quỹ đào tạo, trợ cấp việc làm từ các nguồn vốn: ngân sách tỉnh,
chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm và nguồn vốn đào tạo nghề
của các doanh nghiệp để có điều kiện thực hiện.
8. Công tác chỉ
đạo, quản lý điều hành:
Tăng cường công
tác tuyên truyền, vận động nhân dân để có sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc
tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, vì mục tiêu phát triển kinh tế -
xã hội của địa phương, khơi dậy tinh thần yêu quê hương đất nước và phát huy
hơn nữa sự lãnh đạo, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp uỷ Đảng,
chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tham gia giải quyết kịp thời
những vướng mắc, kiến nghị của nhân dân trong vùng dự án. Tiếp tục thực hiện chủ
trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đối với các dự án cần có sự
đóng góp của nhân dân như điện, giao thông, xây dựng trường lớp học, các công
trình công cộng…
Tích cực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong quản
lý đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân
dân. Kiện toàn Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các địa phương, nhằm đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước về công tác quản lý,
đầu tư, xây dựng. Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện chính sách tái định
cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các trường hợp
tồn đọng trong thời gian qua.
Quản lý tốt mặt
bằng hiện trạng sau khi đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của cấp
có thẩm quyền, công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiến độ tổ chức
thực hiện; không để tình trạng lấn chiếm, xây dựng cơi nới, chuyển nhượng đất
trái pháp luật....Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm và biện pháp chế tài đối với
các cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ đầu tư khi không thực hiện đúng các quy định
của pháp luật về công tác quy hoạch, thời gian xây dựng, tái định cư, bồi thường,
giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nhân dân trong
vùng dự án. Rà soát các dự án đã cấp giấy phép, đã được giao đất, cho thuê đất
nhưng không đầu tư vốn để thi công thực hiện dự án theo đúng cam kết, để có biện
pháp xử lý hữu hiệu, nhằm khắc phục tình trạng bao chiếm đất.
Tiếp tục phân cấp phê duyệt và thẩm định phương án tái định cư, bồi
thường, giải phóng mặt bằng cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và ngành chuyên
môn.
Thường xuyên đối
thoại với nhân dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng, giải quyết kịp
thời các vướng mắc phát sinh, các khiếu kiện của công dân.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện
chính sách tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng để ngăn ngừa các hiện
tượng tiêu cực có thể phát sinh.
Điều 2. HĐND tỉnh
giao cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã triển
khai thực hiện cụ thể Nghị quyết này.
Điều 3. Thường
trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát quá
trình thực hiện.
Nghị quyết
này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII, kỳ họp lần thứ 8 thông qua ngày 04
tháng 5 năm 2006.
Nơi nhận:
- VP Quốc hội;
- VP Chính phủ;
- Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Các vị đại biểu HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành;
- UBMTTQ, các đoàn thể;
- TT HĐND, UBND các huyện thị xã;
- Báo Q. Nam, Đài PT-TH tỉnh, TTXVN tại Q. Nam;
- VP HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- CV HĐND tỉnh
- Lưu VT.
|
CHỦ
TỊCH
Nguyễn Văn Sỹ
|