QUỐC
HỘI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
51/2005/NQ-QH11
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2005
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ NĂM 2006 VÀ VỀ CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT
CỦA QH NĂM 2006
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Ðiều 84 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số
51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hộ Khóa X, kỳ họp thứ 10;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các cơ quan của Quốc hội,
các cơ quan hữu quan và ý kiến của các vị Ðại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Quốc hội cơ bản tán thành đánh giá tình hình thực
hiện nhiệm vụ năm 2005, phương hướng, nhiệm vụ năm 2006 với các mục tiêu, chỉ
tiêu, giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các cơ quan của
Quốc hội và các cơ quan hữu quan; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:
I- ÐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
KẾ HOẠCH NĂM 2005
Năm 2005, mặc dù trong nước có nhiều khó khăn,
ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với quyết tâm tiếp tục thực hiện
đường lối đổi mới, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của Ðảng và Nhà nước, của các cấp,
các ngành từ Trung ương đến cơ sở, của cộng đồng các doanh nghiệp, của toàn
quân và toàn dân, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội đều
đạt và vượt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, đạt
bước tiến tương đối toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an
ninh giữ được ổn định; vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được
nâng cao...
Tuy vậy, chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực
cạnh tranh của nhiều sản phẩm, nhiều ngành hàng còn thấp so với các nước trong
khu vực. Giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh đã tác động bất lợi đến sản xuất và đời
sống của nhân dân. Cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được cải thiện, nhập siêu vẫn lớn.
Tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong sử dụng nguồn lực tài chính
nhà nước chưa được ngăn chặn có kết quả. Việc quản lý và sử dụng đất đai còn
nhiều hạn chế. Chất lượng dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu.
Trật tự, kỷ cương xã hội chưa nghiêm. Tai nạn giao thông xảy ra còn nhiều. Môi
trường sinh thái xuống cấp khá nghiêm trọng.
II. MỤC TIÊU, CÁC CHỈ TIÊU CỦA
NĂM 2006
1- Mục tiêu tổng quát:
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tạo chuyển
biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết hợp
chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ, cải
thiện môi trường; coi trọng phát triển con người, mở rộng dân chủ. Chủ động và
tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
2- Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8%.
- Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, ngư
nghiệp tăng 3,8%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,2%; ngành dịch vụ tăng
8%;
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16,4%;
- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội
chiếm 38,6% GDP;
- Tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng
trưởng kinh tế;
- Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động;
trong đó, xuất khẩu lao động và chuyên gia 7,5 vạn người;
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 20% (theo chuẩn
mới);
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng
xuống 24%;
- Giảm tỷ lệ sinh 0,4%o;
- Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 35
tỉnh. Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 10%; trung học chuyên nghiệp tăng 15% và
đào tạo nghề dài hạn tăng 13%;
- Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 38%;
- Cung cấp nước sạch cho 67% dân số nông thôn và
75% ở đô thị;
- Xử lý được 40% cơ sở gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng.
III- CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH
1. Rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh các quy định
pháp luật, chính sách để huy động mọi nguồn lực về vốn, lao động, đất đai, tài
nguyên, khoa học, công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng
tăng trưởng; phấn đấu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cao hơn 8%). Phát huy
tốt nhất tiềm năng kinh tế dân doanh, các nguồn đầu tư nước ngoài; tạo môi trường
cạnh tranh lành mạnh, nhanh chóng xóa bỏ độc quyền, xóa bỏ sự phân biệt đối xử
giữa các thành phần kinh tế.
Rà soát để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đồng bộ
hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Áp dụng các biện pháp kiên quyết khắc phục tình
trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản sử
dụng vốn nhà nước, xử lý nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản theo Nghị quyết của
Quốc hội. Tăng cường các nguồn lực đầu tư đồng bộ, có hiệu quả cho vùng kinh tế
trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
Bảo đảm việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, phát
triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo đề án được
duyệt; chỉ đạo và sơ kết kịp thời việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế
mạnh.
Phát triển mạnh hơn, đồng bộ hơn các loại thị
trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tài chính; thị trường công
nghệ; mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước.
Tích cực thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc
tế, đẩy mạnh đàm phán để gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Tiếp tục cải cách tài chính nhà nước và hoàn thiện
hệ thống thuế theo yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện
đại hóa công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Ðiều hành linh hoạt tỷ
giá và lãi suất, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Nâng cao độ an
toàn của hệ thống ngân hàng và chất lượng tín dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu
tăng trưởng bền vững; đa dạng hóa hoạt động dịch vụ và sức cạnh tranh của hệ thống
ngân hàng.
Ðổi mới cơ chế tài chính, cơ chế quản lý khoa học
và công nghệ. Thúc đẩy việc gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển
công nghệ với doanh nghiệp, với thực tiễn sản xuất và đời sống; ứng dụng và
phát triển công nghệ cao. Ðổi mới, sắp xếp lại hệ thống tổ chức, đầu tư chiều
sâu nhằm nâng cao tiềm lực các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công
nghệ.
Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá và xử lý vi
phạm quy định về môi trường. Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm. Quản lý chặt
chẽ hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
2. Huy động mọi nguồn lực, áp dụng nhiều giải
pháp, chính sách đồng bộ để giảm hộ nghèo theo chuẩn mới; tập trung hỗ trợ vùng
có tỷ lệ hộ nghèo cao; có giải pháp phù hợp để người nghèo tự vượt khó vươn
lên.
Ðổi mới cơ chế, đầu tư tập trung cho các xã đặc
biệt khó khăn nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về trình độ phát triển sản xuất, thúc
đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng
bào dân tộc. Tăng khả năng hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt
cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.
Ðẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế; bảo đảm thực
hiện thống nhất, đầy đủ các chính sách về khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi
và người nghèo. Triển khai các biện pháp tích cực để tiếp tục giảm tỷ lệ tăng
dân số. Tập trung chỉ đạo, ưu tiên sử dụng các nguồn lực phòng chống, ngăn chặn
có hiệu quả dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người.
Giải quyết cơ bản các tồn đọng về chế độ, chính
sách đối với người có công với cách mạng. Triển khai thực hiện đầy đủ các quy định
của pháp luật về người cao tuổi, người tàn tật. Áp dụng các cơ chế, chính sách
tạo việc làm cho nông dân có đất thu hồi chuyển sang làm công nghiệp, phát triển
đô thị; giải quyết những vấn đề bức xúc phát sinh đối với người lao động di
chuyển đến các khu công nghiệp và đô thị.
Triển khai kiên quyết, đồng bộ các biện pháp đẩy
lùi các tệ nạn xã hội, nhất là buôn bán và sử dụng ma túy trái phép.
3. Thúc đẩy xã hội hóa và coi trọng nâng cao chất
lượng giáo dục, đào tạo. Củng cố kết quả xóa mù chữ; thực hiện tốt phổ cập giáo
dục trung học cơ sở. Giải quyết đồng bộ các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ
sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa, bảo đảm yêu cầu đổi mới chương
trình giáo dục phổ thông. Phát triển mạnh hệ thống dạy nghề gồm nhiều trình độ.
Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học.
Chuyển phần lớn cơ sở công lập cung cấp dịch vụ
văn hóa sang hoạt động theo cơ chế tài chính áp dụng cho hoạt động dịch vụ công
ích hoặc doanh nghiệp. Tăng thời lượng, nâng cao chất lượng các chương trình
phát thanh, truyền hình nói chung và bằng tiếng dân tộc nói riêng.
Triển khai đề án thể dục, thể thao cơ sở nhằm
phát triển mạnh mẽ, rộng khắp phong trào rèn luyện sức khỏe trong nhân dân. Chú
trọng phát triển các môn thể thao thành tích cao.
Phát huy tốt nhất tiềm năng của thế hệ trẻ trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lập thân, lập nghiệp.
4. Củng cố quốc phòng, an ninh, tăng khả năng bảo
vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an
ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng huấn luyện của lực
lượng vũ trang. Ngăn chặn các loại tội phạm; kiềm chế tai nạn giao thông.
Thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập
tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Củng cố và hoàn thiện
khuôn khổ quan hệ đã được thiết lập với các nước láng giềng, các nước trong khu
vực và các đối tác quan trọng. Tăng cường hoạt động trên các diễn đàn đa phương
khu vực và thế giới. Ðẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại và công
tác ngoại vụ địa phương. Chuẩn bị và tổ chức tốt các hội nghị quốc tế do nước ta
đăng cai và chủ trì.
5. Tập trung giải quyết đúng và kịp thời những
khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, đất đai, nhà ở; những vụ việc phức tạp, bức
xúc, kéo dài, sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm. Hạn chế khiếu kiện
đông người, vượt cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại,
tố cáo.
6. Nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử,
thi hành án; phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm phức tạp; làm rõ trách
nhiệm và khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng, xử lý oan, sai.
Củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng đội
ngũ cán bộ, công chức; coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện về chính trị, tư
tưởng, đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức
trong các cơ quan tư pháp.
7. Ðẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính; kịp
thời loại bỏ các thủ tục hành chính bất hợp lý; kiện toàn và nâng cao hiệu lực,
hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật
công vụ. Tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ,
công chức vi phạm pháp luật, thoái hóa biến chất. Triển khai kiên quyết, có hiệu
quả các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống
tham nhũng. Sớm ban hành và thực hiện nghiêm chế độ công vụ. Nâng cao đạo đức,
trách nhiệm, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức nhà nước, trước hết đối với
người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ,
công tác hòa giải ở cơ sở và công tác tiếp dân. Phát huy hơn nữa vai trò giám
sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Chính phủ chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp
chủ động tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ amưm
2006; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ
chức thực hiện việc kiện toàn một bước, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
của các cơ quan tư pháp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các
Ủy ban của Quốc hội, các Ðoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng
nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết
này.
Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các
tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác thực hiện giám sát
và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng
bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, động viên mọi
nguồn lực, vượt qua khó khăn, phấn đấu lập thành tích chào mừng Ðại hội toàn quốc
lần thứ X của Ðảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2006.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.
|
CHỦ TỊCH QUỐC
HỘI
Nguyễn Văn An
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ÐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2006
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Ðiều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số
51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;
Trên cơ sở xem xét đề nghị của Hội đồng dân tộc,
các Ủy ban của Quốc hội, các Ðoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại
biểu Quốc hội.
QUYẾT NGHỊ:
Ðiều 1. Cùng với việc
xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân
dân tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tiến hành giám sát các nội
dung sau đây tại các kỳ họp:
1. Tại kỳ họp thứ 9
Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
theo Luật đất đai.
2. Tại kỳ họp thứ 10
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội
về Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng;
Ðiều 2. Giao Ủy ban thường
vụ Quốc hội tiến hành giám sát các nội dung sau đây và báo cáo kết quả với Quốc
hội:
1. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Bộ
luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố tụng dân sự (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ
9).
2. Việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà
nước (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10).
Ðiều 3. Giao Hội đồng
dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát các nội dung sau đây và báo
cáo kết quả với Quốc hội:
1. Hội đồng dân tộc: Việc thực hiện chính sách hỗ
trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu
số nghèo, đời sống khó khăn.
2. Ủy ban pháp luật: Việc chấp hành pháp luật
trong thi hành án hình sự.
3. Ủy ban kinh tế và ngân sách: Chất lượng tín dụng
và an toàn của hệ thống ngân hàng.
4. Ủy ban quốc phòng và an ninh: Tình hình thực
hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ và Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên.
5. Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu
niên và nhi đồng: Về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục,
đào tạo và dạy nghề.
6. Ủy ban về các vấn đề xã hội: Tình hình thực
hiện pháp luật về dân số, người cao tuổi và người tàn tật.
7. Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường: Việc
thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng, vệ sinh an
toàn thực phẩm.
8. Ủy ban đối ngoại: Việc thực hiện các hiệp định
về biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Ðiều 4. Trên cơ sở
Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn
theo quy định của pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy
ban của Quốc hội chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám
sát của mình.
Ðiều 5. Căn cứ vào các nội
dung tại Ðiều 1, Ðiều 2, Ðiều 3 của Nghị quyết này và điều kiện, tình hình thực
tế, các Ðoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chủ động lựa chọn nội
dung để xây dựng chương trình, tiến hành giám sát tại địa phương và báo cáo kết
quả giám sát theo quy định.
Ðiều 6. Giao Ủy ban thường
vụ Quốc hội chỉ đạo việc thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội;
chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban
của Quốc hội; hướng dẫn các Ðoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong
việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo công tác bảo đảm thực hiện chương
trình giám sát của Quốc hội; chỉ đạo các cơ quan tiến hành giám sát thực hiện
việc theo dõi, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị.
Ðiều 7. Các cơ quan, tổ
chức hữu quan tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan của Quốc hội, Ðoàn đại biểu
Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát; chủ động chuẩn bị báo cáo và
cung cấp tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng
dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ðoàn đại biểu Quốc hội và của đại biểu Quốc
hội; nghiêm túc giải quyết các kiến nghị và báo cáo kết quả với các cơ quan tiến
hành giám sát.
Ðiều 8. Ủy ban thường vụ
Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động giám sát của các cơ quan của
Quốc hội, các Ðoàn đại biểu Quốc hội 6 tháng và cả năm; tổng hợp và báo cáo kết
quả việc thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2006 tại kỳ
họp thứ 10 của Quốc hội.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2005.