Nghị quyết 49/NQ-HĐND năm 2021 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 49/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2021
Ngày có hiệu lực 09/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Cao Thị Hòa An
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/NQ-HĐND

Phú Yên, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, báo cáo của các cơ quan hữu quan; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành những nội dung nêu trong Báo cáo số 242/BC-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2022; Báo cáo số 33/BC-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2021 về kết quả hoạt động năm 2021 và nhiệm vụ công tác năm 2022 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; báo cáo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan trình tại kỳ họp; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; năm có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình nền tảng, tạo đà để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Trong bối cảnh bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19; đợt lụt nghiêm trọng vừa xảy ra vào cuối tháng 11 năm 2021 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, đời sống Nhân dân và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, nhất là trong 6 tháng cuối năm 2021. Nhưng được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Trung ương, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân trong thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh sản xuất nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh cơ bản ổn định, có 09/17 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 ước đạt 0,33%. Hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp từng bước phục hồi sau dịch. Thu ngân sách nhà nước tuy không đạt kế hoạch giao nhưng tăng 45,5% so với cùng kỳ. Kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách của Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến. Cải cách hành chính được chú trọng. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, nhất là hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục - thể thao đều có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được củng cố, tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2021; hoạt động đối ngoại có nhiều tiến bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là: Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp so với kế hoạch và bình quân chung cả nước; hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hoạt động cầm chừng tăng cao so với cùng kỳ (tạm dừng tăng 46,45%); tỷ lệ thất nghiệp còn cao (chiếm 3,4% trong lực lượng lao động); huy động nguồn lực bố trí đầu tư phát triển còn hạn chế (tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh giảm 6,5%); tiến độ thực hiện một số công trình chậm, tỷ lệ giải ngân một số nguồn vốn đạt thấp; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường hạn chế; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư một số dự án còn chậm; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; việc triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng dịch COVID-19 theo quy định còn chậm; một số lĩnh vực văn hóa, xã hội có mặt còn hạn chế; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp; việc vận hành, xả lũ của các thủy điện còn nhiều bất cập, để xảy ra ngập lụt cục bộ nghiêm trọng tại một số địa phương. Đây sẽ là thách thức lớn trong những năm tiếp theo để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2022

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ về vắc-xin để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, đảm bảo thuốc điều trị và nâng cao năng lực hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Tập trung ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện các Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp phục hồi nền kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát huy hiệu quả đầu tư, nhất là các dự án lớn, dự án quan trọng. Từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Các chỉ tiêu kinh tế

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,0% (tính theo giá so sánh 2010), trong đó:

+ Nông lâm thủy sản: 2,8%.

+ Công nghiệp - xây dựng: 9,5%.

+ Dịch vụ: 7,9%.

+ Thuế sản phẩm 5,2%

- Tổng kim ngạch xuất khẩu: 207 triệu USD.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn: 6.642 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 20.200 tỷ đồng.

- Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới: 73%.

b) Các chỉ tiêu xã hội

- Giải quyết việc làm: 25.000 lao động, trong đó có việc làm mới tăng thêm 4.700 lao động/năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm: 1,5-2%.

[...]