Nghị quyết 45/2015/NQ-HĐND8 về Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020

Số hiệu 45/2015/NQ-HĐND8
Ngày ban hành 11/12/2015
Ngày có hiệu lực 20/12/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Phạm Văn Cành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2015/NQ-HĐND8

Thủ Dầu Một, ngày 11 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 18

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025;

Sau khi xem xét Tờ trình số 4141/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 29/BC-HĐND ngày 30 tháng 11 năm 2015 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 với các mục tiêu chủ yếu sau đây:

1 . Mục tiêu chung

a) Xây dựng tỉnh Bình Dương thành nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

b) Phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt các quy hoạch, dự án đầu tư, đảm bảo các quy hoạch, dự án đầu tư phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

c) Tiếp tục ngăn chặn không để ô nhiễm môi trường gia tăng, từng bước cải thiện chất lượng môi trường, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đô thị; cải thiện và nâng cao chất lượng nước của hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh.

d) Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, đất đai, khoáng sản; đảm bảo cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để và đảm bảo không để phát sinh trường hợp mới đạt 100%.

b) Tỷ lệ dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp quy hoạch và phải có hệ thống xử lý và bảo vệ môi trường đạt 100%.

c) Tỷ lệ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%.

d) Tỷ lệ các khu đô thị, khu nhà ở mới xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải tập trung theo đúng quyết định phê duyệt đạt 100%.

đ) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 70%.

e) Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý, tiêu hủy đạt 95%.

g) Tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý, tiêu hủy đạt 100%.

h) Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt yêu cầu đạt 100%.

i) Tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh được cung cấp nước sạch hoặc hợp vệ sinh đạt 100%.

k) Tỷ lệ che phủ rừng, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm đạt 57,5%.

[...]