Nghị quyết 41/NQ-HĐND năm 2020 về kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu 41/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2020
Ngày có hiệu lực 08/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Lê Thị Ái Nam
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TỈNH BẠC LIÊU

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về việc ban hành quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm;

Căn cứ Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về việc quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm;

Căn cứ Thông tư số 69/2019/TT-BTC ngày 07 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm;

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 209/TTr-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch tài chính - ngân sách 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bạc Liêu; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách của Hội đồng nhân dân; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bạc Liêu như sau:

1. Mục tiêu chung:

Tập trung thúc đẩy tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên, dành nguồn tăng thu để chi đầu tư và trả nợ; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát tài chính; giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025: 22.542 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 15,2% / năm.

b) Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách địa phương cả giai đoạn 2021 - 2025: 45.755 tỷ đồng.

c) Bội chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025: 466 tỷ đồng.

(Chi tiết có Phụ lục 2 đính kèm).

3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:

a) Về thu ngân sách:

- Tăng cường các biện pháp nhằm thu đúng, thu đủ và chống thất thu; quan tâm thu nợ đọng thuế, hạn chế nợ thuế phát sinh; tích cực khai thác các nguồn thu mới, chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là nguồn thu từ tài nguyên đất đai.

- Đẩy mạnh phân cấp nguồn thu cho cấp huyện, nhằm khuyến khích các địa phương chủ động khai thác tốt các nguồn thu trên địa bàn; tăng cường các biện pháp thúc đẩy, điều hành tốt nhiệm vụ thu ngân sách; thường xuyên theo dõi các nguồn thu lớn trên địa bàn, phân tích tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp thu. Phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao hàng năm.

- Tổ chức thực hiện tốt thu ngân sách Nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất để tạo nguồn thu. Tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng cường quản lý, khai thác, huy động nguồn lực tài nguyên đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.

b) Về chi ngân sách:

- Cơ cấu, sắp xếp lại nhiệm vụ chi cho phù hợp, ưu tiên những nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm. Dành nguồn lực ngân sách để đầu tư phát triển các công trình trọng điểm của tỉnh đã được xác định trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội; Các đề án, chính sách, kế hoạch phải đảm bảo cân đối nguồn ngân sách trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành.

- Phân bổ vốn đầu tư phát triển theo hướng tập trung, ưu tiên bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản theo quy định, các dự án có khả năng hoàn thành; không làm phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định để thực hiện các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia do địa phương quản lý.

[...]