HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
41/2016/NQ-HĐND18
|
Bắc
Ninh, ngày 08 tháng 12 năm 2016
|
NGHỊ QUYẾT
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG
TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
91/2005/NĐ-CP, ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt
tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Nghị định số
11/2010/NĐ-CP, ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT,
ngày 20/3/2006 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường,
phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số
91/2005/NĐ-CP, ngày 11/7/2005 của Chính phủ;
Sau khi xem xét Tờ trình số
364/TTr-UBND ngày 28/11/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành “Quy định đặt tên,
đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; báo cáo
thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng
nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1: Ban hành kèm theo Nghị quyết này “Quy định đặt
tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.
Điều 2: UBND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực
hiện Nghị quyết. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thường lệ của
HĐND tỉnh.
Điều 3: Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu
và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết
này.
Nghị quyết đã được HĐND tỉnh khóa
XVIII, kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 08/12/2016 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2016./.
Nơi nhận:
- VPQH; VPCP (b/c);
- Bộ TP, Bộ VHTTDL (b/c) ;
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TTHĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể tỉnh;
- VKSND, TAND tỉnh;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- Các HU, Thị ủy, Thành ủy;
- TTHĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh, Báo Bắc Ninh, Đài PH&TH tỉnh, TTXVN tại Bắc Ninh;
- VP: LĐVP, phòng Tổng hợp, lưu VT.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hương Giang
|
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG
TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/2016/NQ-HĐND18, ngày 08/12/2016 của HĐND
tỉnh Bắc Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định
cụ thể một số điều trong Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công
cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP, ngày
11/7/2005 của Chính phủ và Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT, ngày 20/3/2006 của Bộ
Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hướng dẫn thực hiện
một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban
hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
Quy định này áp dụng
đối với việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đối với các đô
thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 3. Giải thích từ ngữ:
Trong quy định
này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đô thị: bao gồm
thành phố, thị xã, trị trấn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định
thành lập. Đô thị được phân thành 6 loại, gồm: đô thị loại đặc biệt, đô thị loại
I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV, đô thị loại V được quy định
tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại
đô thị.
2. Quảng trường:
quảng trường trong đô thị là một khu đất rộng có không gian mở, một điểm nhấn
của đô thị kết hợp giữa công trình kiến trúc và hệ thống giao thông; xung quanh
có đường phố lớn đi, đến và các công trình xây dựng quy mô lớn, có chức năng
khác nhau.
3. Đại lộ: là đường
phố có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt và giữ vị trí quan trọng trong mạng lưới
giao thông đô thị, đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật, thẩm mỹ và cảnh quan đô thị.
4. Đường: là lối
đi lại được xác định trong quy hoạch có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng, gồm
các trục chính trên địa bàn đô thị, các tuyến đường vành đai, đường liên tỉnh,
liên huyện, thị xã, thành phố hoặc liên thôn, liên xã, liên khu phố có dân cư
sinh sống ổn định.
5. Phố: là lối đi
lại được xác định trong quy hoạch đô thị, hai bên phố thường có các công trình
kế tiếp nhau như nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở cơ quan.
6. Ngõ: là lối đi
lại nhỏ từ đường, phố vào các cụm dân cư đô thị.
7. Ngách: là lối
đi lại hẹp từ ngõ đi sâu vào các cụm dân cư đô thị.
8. Công trình
công cộng trong Quy định này bao gồm: quảng trường, công viên, vườn hoa, cầu, bến
xe, công trình văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công
trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí.
Điều 4. Nguyên tắc đặt tên, đổi
tên đường, phố và công trình công cộng:
1. Tất cả các đường, phố và công
trình công cộng trong tỉnh Bắc Ninh được xây dựng theo quy hoạch đô thị, có đủ
điều kiện cơ bản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoặc được sử dụng ổn định thì được
xem xét đặt tên.
2. Không đổi tên các đường, phố và
công trình công cộng đã có tên quen thuộc gắn bó với lịch sử, truyền thống văn
hóa của dân tộc Việt Nam, của địa phương đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm
của nhân dân qua nhiều thế hệ.
Trường hợp đường, phố và công
trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử văn hóa, không
phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của
đất nước hoặc của tỉnh Bắc Ninh, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì
phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.
3. Không chọn tên địa danh,
danh nhân để đặt tên cho ngõ, ngách. Tên ngõ được đặt theo số nhà mặt đường, phố
và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu ngõ. Tên ngách được đặt theo tên số
nhà trong ngõ và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu ngách. Trường hợp những
ngõ gắn với địa danh có ý nghĩa lịch sử - văn hóa đặc biệt thì xem xét đặc cách
riêng.
4. Tùy theo vị trí, cấp độ, quy
mô, đặc điểm cụ thể, tên đặt cho đường, phố và công trình công cộng có thể sử dụng:
Tên địa danh, tên các danh nhân (kể cả Danh nhân Văn hóa thế giới) để đặt tên
tương xứng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công
lao của danh nhân, theo các nguyên tắc sau:
4.1. Tên địa danh được chọn để đặt
tên đường, phố và công trình công cộng phải là những địa danh nổi tiếng có ý
nghĩa và giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc của Bắc Ninh,
địa danh đã quen dùng từ xa xưa, ăn sâu trong tiềm thức của nhân dân, tên địa
phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.
Đối với các tuyến đường, phố nội bộ
trong khu đô thị và các làng, xã cũ đã chuyển thành phường, tên đặt có thể gồm
2 bộ phận: sử dụng địa danh của khu vực đó và số thứ tự (số Ả rập) theo hướng từ
Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây
Bắc; số lẻ tính từ đầu tuyến bên trái và số chẵn tính từ đầu tuyến bên phải.
4.2. Tên danh nhân bao gồm cả danh
nhân nước ngoài được chọn đặt tên đường, phố và công trình công cộng ở Bắc Ninh
phải là người tiêu biểu trong những người nổi tiếng, có đức, có tài, có nhiều
đóng góp to lớn trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật và
trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và tỉnh Bắc Ninh được nhân dân suy tôn
và thừa nhận.
Danh nhân thuộc lĩnh vực này được
chọn đặt tên phải là, người đã mất trước thời điểm xét đặt tên đường, phố ít nhất
10 năm (trừ trường hợp rất đặc biệt).
4.3. Ưu tiên sử dụng
tên các địa danh, sự kiện lịch sử của tỉnh, danh nhân có quê hoặc cuộc đời sự
nghiệp gắn bó với tỉnh Bắc Ninh.
4.4. Những danh nhân còn có ý kiến
đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên
cho đường, phố và công trình công cộng. Không đặt tên cho đường, phố hoặc công
trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa
bàn tỉnh. Trường hợp tên trùng nhau của các huyện, thị xă, thành phố trên địa
bàn do lịch sử để lại thì được giữ nguyên tên gọi đường, phố đã có và được viết
kèm thêm tên huyện, thị xã, thành phố.
4.5. Tên di tích, danh thắng được
chọn để đặt tên đường, phố và công trình công cộng phải có giá trị lịch sử - văn
hóa, nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, quen thuộc với nhân dân và đã được xếp hạng
theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
4.6. Các tên khác được chọn để đặt
cho đường, phố và công trình công cộng phải có ý nghĩa tiêu biểu, mang đậm bản
sắc văn hóa của tỉnh Bắc Ninh và của cả nước.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 5. Hội đồng nhân dân tỉnh có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường,
phố (thị xã, thành phố); công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
Các đô thị còn lại và các công trình công cộng khác do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết
định việc đặt tên, đổi tên.
Điều 6. UBND tỉnh có trách nhiệm:
1. Thành lập Hội
đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để giúp tỉnh
trong việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
2. Trình HĐND tỉnh
ra Nghị quyết.
3. Tổ chức thực
hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định đặt tên, đổi tên công trình công cộng.
Điều 7. Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh
Bắc Ninh (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn):
1. Thành viên Hội
đồng tư vấn:
Thành viên Hội đồng
tư vấn tỉnh bao gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Xây dựng; Sở Giao thông - Vận tải; Sở
Tài nguyên và Môi trường); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Hội khoa học
lịch sử; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các tổ chức, đoàn thể khác. Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch làm cơ quan Thường trực của Hội đồng tư vấn, Tổ thư ký gồm
thành viên của các cơ quan có liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội
đồng tư vấn.
2. Hội đồng tư vấn có nhiệm vụ:
2.1. Nghiên cứu, đóng góp ý kiến để
hoàn chỉnh hồ sơ đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trước khi
trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh xem xét.
2.2. Tiếp nhận hồ
sơ đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của UBND huyện, thị
xã, thành phố (sau đây gọi tắt là cấp huyện).
2.3. Thỏa thuận bằng
văn bản với UBND cấp huyện về hồ sơ đề án đặt tên, đổi tên đường và công trình
công cộng được UBND tỉnh ủy quyền cho cấp huyện quyết định.
Điều 8. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
UBND cấp huyện có
trách nhiệm:
1. Thành lập Ban
xây dựng đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của huyện để
giúp UBND cấp huyện thực hiện việc xây dựng đề án đặt tên, đổi tên đường, phố
và công trình công cộng trên địa bàn.
2. Xin ý kiến của
Thường trực HĐND cấp huyện về đề án đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình
công cộng cấp huyện.
3. Quyết định việc
đặt tên, đổi tên đường trong các khu công nghiệp, dự án; đặt tên, đổi tên
các công trình công cộng có quy mô thuộc thẩm quyền quản lý.
Điều 9. Ban xây
dựng đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng cấp huyện:
Ban xây dựng đề
án có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cấp huyện:
1. Rà soát và tổng
hợp danh mục các đường, phố và công trình công cộng đã được đặt tên trên địa
bàn huyện.
2. Lập danh mục
tên các đường, phố, công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên; lấy ý kiến
các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan chuyên môn về lịch
sử, văn hóa cấp huyện, các nhà khoa học. Công bố công khai danh mục dự kiến đặt
tên hoặc đổi tên đường phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia ý kiến và
tổng hợp ý kiến của nhân dân.
3. Hoàn thiện hồ
sơ đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn.
4. Xin ý kiến thỏa
thuận của Hội đồng tư vấn tỉnh về hồ sơ đề án các công trình công cộng dự kiến
đặt tên, đổi tên được UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định đặt tên.
Điều 10. Quy trình đặt tên, đổi tên đường, phố và công
trình công cộng:
Quy trình gồm các
bước sau:
Bước 1: UBND cấp
huyện thành lập Ban xây dựng đề án đặt tên hoặc đổi tên đường, phố và công
trình công cộng trên địa bàn.
Bước 2: Ban xây dựng
đề án đặt tên hoặc đổi tên đường, phố và công trình công cộng của cấp huyện
giúp UBND cấp huyện tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các đường, phố và
công trình dự kiến đặt tên, đổi tên; lập danh mục các tuyến đường, phố và công
trình công cộng cần đặt tên (hoặc đổi tên); dự kiến đặt tên; lập hồ sơ chi tiết
cho đề án.
Bước 3: Xin ý kiến
của các tổ chức Đảng, Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ
quan chuyên môn của cấp huyện; công bố công khai phương án đặt tên, đổi tên đường,
phố và công trình công cộng trên các phương tiện thông tin đại chúng của cấp
huyện để nhân dân tham gia góp ý kiến trong vòng 10 ngày trước khi UBND cấp huyện
trình Hội đồng tư vấn.
Bước 4: UBND cấp
huyện hoàn thiện hồ sơ đề án xin ý kiến thẩm định của Hội đồng tư vấn đặt tên,
đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh. Hội đồng tư vấn tỉnh tiếp nhận
hồ sơ, tổ chức cuộc họp xin ý kiến thẩm định của các thành viên trong Hội đồng.
Hồ sơ đủ điều kiện khi có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng tư vấn thông qua (biểu
quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín); công bố công khai phương án đặt
tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên các phương tiện thông tin đại
chúng của tỉnh để nhân dân tham gia ý kiến trong vòng 10 ngày trước khi trình
UBND tỉnh.
Bước 5: Hội đồng
tư vấn tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề án trình UBND tỉnh theo quy định.
Bước 6: UBND tỉnh
trình HĐND tỉnh ra Nghị quyết hoặc ban hành quyết định theo thẩm quyền.
Bước 7: Tổ chức
thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh về việc đặt tên, đổi
tên đường, phố và công trình công cộng.
Điều 11. Thành phần Hồ sơ:
1. Hồ sơ UBND cấp
huyện gửi Hội đồng tư vấn tỉnh gồm:
1.1. Tờ trình của
UBND cấp huyện;
1.2. Đề án đặt
tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng:
- Tóm tắt ý nghĩa
của tên dự kiến để đặt tên, đổi tên các đường, phố và công trình công cộng; mô
tả các công trình về quy mô, cấp độ, kích thước;
- Bản đồ quy hoạch
tổng thể tỷ lệ 1/1.000 đã xác định vị trí cụ thể các đường, phố và công trình
công cộng dự kiến đặt tên;
1.3. Báo cáo tổng
hợp ý kiến của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học
và nhân dân cấp huyện.
2. Hồ sơ Hội đồng
tư vấn tỉnh trình UBND tỉnh gồm:
2.1. Hồ sơ quy định
tại Mục 1 Điều này;
2.2. Tờ trình của
Hội đồng tư vấn;
2.3. Biên bản họp
của Hội đồng tư vấn.
3. Hồ sơ UBND tỉnh
trình HĐND tỉnh gồm:
3.1. Hồ sơ quy định
tại Mục 1, Mục 2 Điều này;
3.2. Tờ trình của
UBND tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Là cơ quan Thường
trực, có trách nhiệm:
1. Lập dự toán kinh
phí cho từng đợt thẩm định đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công
cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
2. Tổng hợp danh
mục các đường, phố và công trình công cộng đã được đặt tên, đổi tên trên địa
bàn tỉnh hàng năm.
3. Hướng dẫn UBND
cấp huyện quy trình xây dựng đề án, lựa chọn dữ liệu đặt, đổi tên đường, phố và
công trình công cộng đảm bảo hợp lý, thiết thực, hiệu quả.
4. Chuẩn bị tài
liệu và tổ chức các cuộc họp Hội đồng tư vấn;
5. Hoàn thiện hồ
sơ trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh;
6. Sau khi có Nghị
quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan thông tin đại chúng tổ
chức tuyên truyền để nhân dân biết về các đường, phố và công trình công cộng được
đặt tên, đổi tên.
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan:
1. Sở Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp
huyện cung cấp danh mục đường, phố và công trình công cộng
nằm trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch
đô thị có đầy đủ thông tin về kích thước và bản đồ quy hoạch kèm theo; tổ chức đánh số, gắn biển số nhà theo quy định.
2. Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ
chức gắn biển tên đường, phố và công trình công cộng sau khi có Quyết định của UBND tỉnh về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa
bàn tỉnh Bắc Ninh.
3. Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí theo quy định hiện hành.
4. UBND cấp huyện:
4.1. Hàng năm
cung cấp danh mục đường, phố nằm trong quy hoạch đô thị theo thứ tự ưu tiên,
tình trạng đường, phố, công trình công cộng mới đã hình thành, có đầy đủ thông
tin về kích thước, đặc điểm kiến trúc và có bản đồ kèm theo.
4.2. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn họp xin ý kiến nhân dân địa
phương và có văn bản thống nhất đồng tình trình cấp có thẩm quyền đề
nghị đặt tên, đổi tên đường, phố và
công trình công cộng.
4.3. Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan
thông tin tuyên truyền của tỉnh, các
đơn vị liên quan tổ chức tuyên
truyền, giới thiệu độ dài đường, phố; ý nghĩa tên các đường, phố mới được đặt
tên.
4.4. Tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển tên đường, biển chỉ dẫn công trình công cộng
trên địa bàn đối với các đường, phố đủ điều kiện đánh số nhà theo quy định, chậm
nhất không quá 30 ngày sau khi có Quyết
định của UBND tỉnh về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
Điều 14. Biển tên đường, tên phố:
Biển tên đường,
tên phố phải có kích thước, màu sắc, chất liệu, chữ viết và vị trí gắn biển
theo quy định như sau:
1. Kích thước:
Hình chữ nhật (75cm x 40cm). Đối với đô thị loại nhỏ, kích thước biển có thể nhỏ
hơn, nhưng phải đảm bảo thống nhất kích thước biển trong cùng một đô thị.
2. Màu sắc: Xanh
lam sẫm, đường viền trắng rộng 0,5 cm cách mép ngoài của biển từ 3cm đến 3,5
cm, bốn góc đường viền uốn cong đều vào bên trong.
3. Chất liệu: Sắt
tráng men hoặc nhôm lá dập, sơn chất liệu phản quang.
4. Chữ viết trên
biển: Chữ in hoa không có chân, màu trắng; từ đường, hoặc từ phố ở dòng trên, từ
tên đường, tên phố ở dòng dưới và cỡ chữ to hơn từ đường hoặc từ phố. Đô thị
nào có lô gô thì thể hiện lô- gô màu trắng lên góc cao bên trái biển. Phía dưới
từ tên đường, tên phố nội dung ghi tóm tắt ý nghĩa của từ tên đường, tên phố.
5. Vị trí gắn biển:
- Biển được gắn ở
đầu, ở cuối đường, phố và ở các điểm giao nhau với đường, phố khác.
- Biển được gắn
trên đầu cột sắt, chiều cao từ mặt đất đến đầu cột cao 250 cm, đường kích tối
thiểu 10cm, được chôn vững chắc, vị trí cột ở gần mép góc vuông vỉa hè của hai
đường, phố giao nhau; hai biển tên hai đường, phố giao nhau gắn vuông góc với
nhau trên một cột.
Điều 15. Điều
khoản thi hành:
1. Giám đốc Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và
UBND cấp huyện triển khai thực hiện Quy định này và những quy định khác của
pháp luật có liên quan; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo Ủy ban Nhân dân
tỉnh việc thực hiện Quy định.
2. Trong quá
trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh đề nghị các ngành, các địa
phương kịp thời phản ánh về cơ quan Thường trực của Hội đồng tư vấn tỉnh (Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để xem xét, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và HĐND tỉnh./.